Mạng Internet “sạch” - Nhu cầu chung quốc tế

(PLO) - Nhiều nước trên thế giới tiếp tục có các biện pháp riêng nhằm ngăn chặn thông tin độc hại lan truyền trên Internet, cũng như liên tục cảnh giác với những nguy cơ mất an ninh mạng...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ích lợi của Internet song hành cùng những tác hại. Nhu cầu về một mạng Internet “sạch” với những thông tin hữu ích, thiết thực đang trở nên ngày một cấp thiết.

Theo nhà chức trách Thái Lan, nước này đã đặt hạn chót vào ngày 16/5 tới để mạng xã hội Facbook phải gỡ bỏ 131 trang có chứa các nội dung vi phạm luật pháp nước này hoặc sẽ phải đối mặt với các hành động pháp lý của Chính phủ Thái Lan. 

Gỡ bỏ nội dung “phi pháp”

Phát biểu với báo giới, Tổng Thư ký Ủy ban Viễn thông và Phát sóng quốc gia Thái Lan (NBTC) Takorn Tantasith cho biết đến 10h00 ngày 16/5, tập đoàn truyền thông Mỹ phải gỡ bỏ các trang có nội dung “phi pháp”, nếu không, chi nhánh và các đối tác của Facebook tại Thái Lan sẽ bị truy tố. 

Hạn chót trên được áp đặt sau cuộc họp ngày 11/5 giữa NBTC và Bộ Xã hội và Kinh tế số. Tham dự cuộc họp trên còn có đại diện của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ Internet Thái Lan (TISPA), Cục Chống tội phạm Công nghệ của Cảnh sát Thái Lan và Lục quân Hoàng gia Thái Lan. 

Mới đây, Facebook đã thông báo sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Thái Lan trong việc hạn chế tiếp cận các nội dung vi phạm luật pháp nước sở tại, đặc biệt là luật chống phỉ báng Hoàng gia. Theo nhà chức trách Thái Lan, Facebook đã gỡ bỏ 178/309 trang bị cho là có nội dung “phi pháp”.

Cấm nặc danh trên Internet

Còn tại LB Nga, ngày 11/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về cấm nặc danh trên Internet, cũng như việc quản lý các dịch vụ giống với phương tiện thông tin đại chúng. Sắc lệnh chiểu theo “Chiến lược phát triển xã hội thông tin tại LB Nga giai đoạn 2017-2030” và được đăng tải trên trang web của người đứng đầu nhà nước. 

Theo sắc lệnh, trong 6 tháng tới đây, chính phủ sẽ phải đề ra các biện pháp hỗ trợ các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống và quản lý tình hình với các dịch vụ giống với phương tiện thông tin đại chúng. Đó là các tập hợp (aggregator) tin tức, mạng xã hội, TV-Internet, phần mềm nhắn tin, cũng như các trang web trên mạng Internet.

Các biện pháp này nhằm xây dựng tại Nga một không gian thông tin tôn trọng nhu cầu nhận các tin tức chất lượng và xác thực của công dân và xã hội. Ngoài ra, sắc lệnh cũng quy định phải đề ra các biện pháp loại trừ tình trạng nặc danh của người sử dụng mạng xã hội và “sự vô trách nhiệm và không bị trừng phạt” của họ, đồng thời xây dựng một hệ thống đảm bảo “an ninh cá nhân cho người sử dụng, tính bảo mật thông tin của họ”.

Cho đến ngày 1/10/2017, các cơ quan chức năng Nga sẽ phải soạn thảo những biện pháp cho phép các cơ quan nhà nước chuyển sang các phương tiện số hóa của Nga, cũng như xây dựng được hệ thống bảo vệ cơ sở hạ tầng của Nga trước các cuộc tấn công mạng.

Tháng 12/2016, Nga cũng đã ban hành Học thuyết an ninh thông tin mới nhằm đảm bảo quyền hiến pháp, tự do của con người và công dân nói riêng trong nhận, sử dụng thông tin, trong quyền được riêng tư về sử dụng công nghệ thông tin.

Cảnh báo nguy cơ tấn công mạng

Cùng ngày 11/5, giới chức tình báo Mỹ đã bày tỏ sự hoài nghi đối với Công ty an ninh mạng toàn cầu Kaspersky Lab, có trụ sở tại Nga vì cho rằng Moskva có thể sử dụng các sản phẩm của công ty này tấn công mạng lưới máy tính của Mỹ. 

Tại buổi điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ về các mối đe dọa từ nước ngoài đối với Mỹ, 6 quan chức tình báo hàng đầu nước này, trong đó có Giám đốc Tình báo quốc gia (DNI), Cơ quan tình báo quốc phòng và người đứng đầu các cơ quan tình báo khác của Mỹ, gồm Cục Điều tra liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), Cục Tình báo Địa-Không gian quốc gia (NGA), đã thể hiện quan ngại về việc Kaspersky Lab có mặt khắp nơi trên thế giới, song không chỉ rõ nguy cơ cụ thể nào nhằm vào Washington.

Giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ, Trung tướng Vincent Stewart còn cho biết cơ quan này đang tránh sử dụng các sản phẩm của Kaspersky Lab. Trước đó, các hãng tin ABC và Buzzfeed đưa tin giới chức Mỹ đã thể hiện quan ngại rằng tình báo Nga có thể sử dụng các phần mềm an ninh mạng để theo dõi người Mỹ hoặc phá hủy các hệ thống then chốt của nước này.

Giới chức Mỹ cũng cho rằng Kaspersky Lab đã tuyển một số nhân viên có liên hệ với các cơ quan tình báo và quốc phòng của Nga, đồng thời cảnh báo nguy cơ các “tin tặc” nước ngoài có thể tấn công các cơ sở hạ tầng của Mỹ thông qua các phần mềm khả nghi. 

Công ty an ninh mạng toàn cầu Kaspersky Lab được kỹ sư máy tính Yevgeny Kaspersky thành lập năm 1997. Hãng sản xuất và phân phối phần mềm bảo mật của Nga này đã nhanh chóng phát triển ra toàn cầu với 3.600 nhân viên, 400 triệu người sử dụng phần mềm của Kaspersky Lab, và có tổng thu nhập khoảng 620 triệu USD trong năm 2015. Chương trình chống virus của Kaspersky Lab thường đứng trong top 5 phần mềm diệt virus trên thế giới.

Trước những thông tin tiêu cực nhằm vào mình, Kaspersky Lab đã bác bỏ cáo buộc và tuyên bố không có quan hệ với bất kỳ chính phủ nào. Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Kaspersky Lab khẳng định công ty này chưa bao giờ hỗ trợ và cũng sẽ không giúp đỡ bất kỳ chính phủ nào trên thế giới bằng cách do thám qua mạng Internet. Giám đốc điều hành Kaspersky Lab cũng nhấn mạnh công ty của ông không có quan hệ với Chính phủ Nga.

Đọc thêm