Mức án cho cựu Thủ tướng Moldova không dừng ở 9 năm tù?

(PLO) -Mặc dù vừa bị kết án 9 năm tù giam về tội tham nhũng và lạm quyền khi còn đương chức, nhưng cựu Thủ tướng Vlad Filat sẽ còn phải đối mặt với những phiên tòa khác. 
Cựu Thủ tướng Moldova Vlad Filat
Cựu Thủ tướng Moldova Vlad Filat

Phát biểu trước khi kết thúc phiên xử kín, các công tố viên tiết lộ, họ sẽ theo đuổi các vụ án tiếp theo chống lại ông Vlad Filat vì tội lỗi của cựu Thủ tướng đã quá rõ ràng. 

Ông Vlad Fiat (làm Thủ tướng từ 2009 đến 2013, bị bắt năm ngoái tại một phiên họp quốc hội) bị tố cáo đã nhận hàng triệu USD hối lộ liên quan đến vụ thất thoát tài chính lên tới 1 tỷ USD của 3 ngân hàng - gần 13% GDP của quốc gia này.

Nhưng cựu Thủ tướng Vlad Filat lại khẳng định, không có bất kỳ liên hệ gì tới các vụ gian lận ở ngân hàng và cho rằng các cáo buộc chống lại ông mang động cơ chính trị. 

Bị bắt giữa Quốc hội

Người dân Moldova từng bàn luận về bản án mà cựu Thủ tướng Vlad Filat sẽ phải đối mặt sau khi ông bị còng tay ngay giữa trụ sở Quốc hội hôm 15/10/2015. Việc này diễn ra ngay sau khi Công tố viên trưởng Corneliu Gurin yêu cầu Quốc hội hủy quyền miễn trừ dành cho nghị sĩ của ông Vlad Filat, hiện là thủ lĩnh đảng Tự do-Dân chủ Moldova (LDPM). 

Theo giới truyền thông, có hàng trăm người biểu tình đã chặn các lối ra vào tòa nhà Quốc hội để ngăn cựu Thủ tướng Vlad Filat bỏ trốn. Và lãnh đạo cuộc biểu tình Renato Usatii từng cam kết, sẽ mua một chiếc Mercedes cho bất kỳ cảnh sát nào còng tay ông Vlad Filat tại Quốc hội. Những người lãnh đạo biểu tình đã ca ngợi vụ bắt giữ ông Vlad Filat là một thắng lợi trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Dư luận cho rằng, sự biến mất của 1 tỉ USD đã khơi dậy làn sóng phẫn nộ tại quốc gia 3,5 triệu dân, và hàng vạn người biểu tình từng hô vang khẩu hiệu “Filat phải vào tù!”. Người biểu tình cũng yêu cầu Tổng thống Nicolae Timofti phải từ chức và bầu cử quốc hội trước kỳ hạn.

Biển thủ 250 triệu USD

Hơn 1 năm trước (5/5/2015), cơ quan chức năng đã bắt ông Ilan Shor, một trong những doanh nhân giàu nhất Moldova với cáo buộc, đã bí mật giành quyền kiểm soát và lấy đi 1 tỉ USD từ 3 ngân hàng kể trên chỉ trong 3 ngày.

Theo hãng CNN, 1 tỉ USD đã biến mất khỏi 3 ngân hàng từ tháng 11/2014 và mọi dữ liệu liên quan đến vụ này đều bị xóa sạch khỏi hệ thống máy tính. Nhưng sau khi Ngân hàng Trung ương Moldova thuê hãng điều tra tài chính hàng đầu Kroll, họ đã tìm ra hung thủ. 

Theo cáo buộc của ông Corneliu Gurin, cựu Thủ tướng Vlad Filat đã biển thủ 250 triệu USD từ hệ thống ngân hàng, bằng ¼ số tiền 1 tỉ USD bị “biến mất” hồi tháng 11/2014. Từ tháng 11/2014, cơ quan chức năng đã đặt 3 ngân hàng lớn nhất Moldova (Ngân hàng Tiết kiệm, Ngân hàng Xã hội và Ngân hàng Kinh tế) vào diện kiểm soát đặc biệt sau khi mất khả năng thanh toán do bị “rút ruột” 1 tỉ USD.

Và đến tháng 4/2015, Ngân hàng Trung ương Moldova phát hiện 3 ngân hàng kể trên từng chấp nhận một khoảng vay lên đến 1 tỉ USD cho những người chưa được xác định danh tính. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Dorin Dragutanu tuy từ chức hồi tháng 9/2015, nhưng phủ nhận mọi cáo buộc gian lận có liên quan tới sự biến mất của 1 tỉ USD. 

Dư luận từng cho rằng, việc làm của cựu Thủ tướng Vlad Filat đã khiến đồng tiền Moldova suy yếu và mức sống người dân bị suy giảm...

Hơn 2 tháng trước, khoảng 7.000 người đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Chsinau của Moldova để yêu cầu chính phủ từ chức và tiến hành bầu cử trước thời hạn. Người biểu tình tố cáo chính phủ chịu sự chi phối của các doanh nhân có quan hệ với chính quyền và thao túng chính sách của Moldova.

Việc này diễn ra sau khi ông Pavel Filip mới nhậm chức Thủ tướng. Trước đó, lãnh đạo đảng Xã hội Moldova Igor Dodon từng kêu gọi người biểu tình tuần hành để phản đối việc bổ nhiệm Chính phủ mới.

Ngày 15/1, ông Pavel Philip được Tổng thống Nicolae Timofti bổ nhiệm làm Thủ tướng sau khi nhận được sự ủng hộ quá bán của các nghị sĩ. Ông Pavel Philip được bổ nhiệm thay thế người tiền nhiệm Valeriu Strelet, phải từ chức ngày 29/10/2015 do không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Và trong thời gian chưa tìm được người đứng đầu chính phủ, ông Gheorghe Brega được Tổng thống Nicolae Timofti bổ nhiệm làm Thủ tướng lâm thời.