Mỹ bắt nghi can đánh bom ở New York

(PLO) - Các điều tra viên người Mỹ ngày 20/9 tiếp tục điều tra nhằm xác minh động cơ sau các vụ đánh bom và âm mưu đánh bom ở New York và New Jersey cuối tuần qua, cũng như việc nghi phạm người Mỹ gốc Afghanistan có đồng phạm hay không.
Tên Ahmad Khan Rahami. Ảnh: Reuters
Tên Ahmad Khan Rahami. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, tên Ahmad Khan Rahami, 28 tuổi, bị bắt giữ ở Linden, New Jersey hôm 19/9 sau một cuộc đấu súng khốc liệt với cảnh sát, khiến đối tượng và 2 cảnh sát khác bị thương. Cảnh sát cho biết, trước đó, họ nhận được tin báo từ chủ một quán bar ở Linden cho rằng người đàn ông có râu đang ngủ trước cửa quán bar của ông trong trời mưa tầm tã giống với nghi phạm đánh bom đang bị cảnh sát truy nã.

Những hình ảnh trên camera giám sát cho thấy Rahami chính là đối tượng đã đặt bom ở Đường 23 tại Chelsea, thuộc quận Manhattan, New York hôm 17/9 khiến ít nhất 29 người bị thương. Tên này cũng bị tình nghi đã cài quả bom đã phát nổ ở bờ biển New Jersey hôm 17/9, một thiết bị nổ được tìm thấy ở gần vụ nổ tại New York cùng ngày và 6 thiết bị nổ nữa được phát hiện ở gần trạm xe điện Elizabeth tối 18/9. Theo các nguồn tin, dấu vân tay của tên này cũng đã được phát hiện trên các thiết bị nổ nói trên.

Ngay sau khi bị bắt giữ, Rahami đã bị các công tố viên hạt Union khởi tố về 5 cáo buộc âm mưu giết người ở cấp độ 1 và 2 cáo buộc liên quan đến việc sử dụng vũ khí. Ngoài ra, tên này dự kiến sẽ bị khởi tố về các tội danh khác tại tòa án liên bang. Tuy nhiên, giới chức Mỹ chưa công bố thông tin về động cơ của nghi phạm.

Theo các thông tin ban đầu, Rahami sinh ra ở Afghanistan và sống ở phía trên nhà hàng First American Fried Chicken ở Elizabeth, New Jersey trước khi bị bắt giữ. Các nguồn tin thực thi pháp luật giấu tên cho biết, trong những năm gần đây, tên Rahami đã nhiều lần tới Afghanistan và Pakistan, trong đó có 1 lần hắn đã ở lại Pakistan trong vòng 1 năm, từ tháng 3/2013 đến tháng 3/2014. Cảnh sát Mỹ hiện đang tìm kiếm các bằng chứng để xem xét khả năng tên này đã bị cực đoan hóa trong thời gian ở nước ngoài.

Theo tờ The New York Times, sau những lần từ nước ngoài trở về New Jersey, hắn và người thân đã khiến những người hàng xóm và cảnh sát Elizabeth khó chịu bởi việc mở cửa hàng vào tất cả các giờ trong ngày, cũng như tiếp đón nhiều khách hàng ồn ào. Việc tranh cãi kéo dài đã dẫn đến việc gia đình Rahami năm 2011 đệ đơn kiện chính quyền thành phố và Sở Cảnh sát về cáo buộc quấy rối và đe dọa gia đình họ vì lý do tôn giáo. 

Vẫn theo tờ báo trên, hiện cảnh sát chưa phát hiện bằng chứng cho thấy tên Rahami đã được huấn luyện quân sự ở nước ngoài nhưng các điệp viên FBI hiện đang xem xét khả năng hắn hành động theo chỉ dẫn của các phần tử cực đoan thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo hay các tổ chức khủng bố khác. Các nguồn tin an ninh xác nhận rằng nghi can đã trải qua 2 lần kiểm tra an ninh sau khi từ nước ngoài về nước trong những năm gần đây và đã qua được tất cả các đợt kiểm tra này. Tuy nhiên, các vụ nổ nói trên được xác định không liên quan đến vụ tấn công bằng dao ở Minnesota hôm cuối tuần qua.

Các vụ đánh bom này và cuộc truy lùng nghi phạm sau đó đã khiến thành phố lớn nhất của Mỹ phải tăng cường an ninh trong bối cảnh cả thành phố đã được đặt trong tình trạng báo động cao để đảm bảo an ninh cho cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc tại New York trong tuần này. 1.000 cảnh sát đã được triển khai bổ sung làm nhiệm vụ sau các vụ việc trên. 

Các vụ việc nói trên diễn ra chỉ 50 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khiến vấn đề an ninh càng trở nên quan trọng trong chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên. Ngay sau các vụ việc, cả 2 ứng viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều đã có các phát biểu về vấn đề này, trong đó ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố thông tin về nghi phạm đã chứng thực lập trường cứng rắn của ông về nhập cư là đúng đắn và thề đánh bại “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan”.