Mỹ đe dọa đáp trả mạnh mẽ nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân

(PLO) - Ngày 3/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã lên tiếng cảnh báo sẽ đáp trả quyết liệt Triều Tiên nếu nước này lựa chọn sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời cam kết với Hàn Quốc về sự hỗ trợ vững chắc từ phía Mỹ. 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo (phải)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo (phải)

Sẽ đánh bại bất kỳ cuộc tấn công nào

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Mỹ Jim Mattis trong cuộc họp tại Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày của mình, “Mỹ sẽ đánh bại bất kỳ cuộc tấn công nào tới Mỹ hay vào các nước đồng minh của Mỹ, và việc sử dụng bất cứ vũ khí hạt nhân sẽ bị đáp trả một cách hiệu quả và áp đảo”, Bộ trưởng Jim Mattis nói. 

Lời nhận định của ông Jim Mattis được đưa ra giữa lúc Triều Tiên đang lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng để thử nghiệm một tên lửa đạn đạo mới, một trong những thách thức đối với chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump. “Triều Tiên đang tiếp tục phóng thử tên lửa, phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của mình và có những hành động đe dọa từ lời nói đến hành vi”, ông  Jim Mattis  nói. 

Được biết, Triều Tiên thường xuyên đe dọa đánh phá Hàn Quốc - đồng minh của Mỹ. Nước này đã thực hiện hơn 20 vụ thử nghiệm tên lửa hồi năm ngoái, cũng như hai vụ thử hạt nhân bất chấp mọi lệnh trừng phạt khắt khe và nghiêm ngặt từ Liên Hợp Quốc (LHQ). Lần gần đây nhất là cận kề ngày Tổng thống Donald Trump nhậm chức đã có tin đồn Triều Tiên sắp phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Một khi phát triển đầy đủ, ICBM của Bắc Triều Tiên có thể đe dọa lục địa của Mỹ cách nước này khoảng 9.000km. ICBM có tầm bay tối thiểu là khoảng 5.500km (3.400 dặm), nhưng một số được thiết kế để bay 10.000km hoặc hơn nữa.

Ngày 17/1, Bình Nhưỡng còn tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển kinh tế và vũ khí hạt nhân. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) viết: “Bằng cách kiên quyết theo đuổi chính sách này, chúng ta sẽ vươn lên thành một quyền lực lớn về chính trị, quân sự và kinh tế”. Không chỉ thế, Triều Tiên dường như vừa tái khởi động lò phản ứng tại cơ sở hạt nhân Yongbyon, sản xuất plutonium dùng cho chương trình vũ khí hạt nhân, theo trang 38 North của Viện Nghiên cứu Mỹ - Hàn Quốc thuộc Đại học Johns Hopkins. 

Hỗ trợ nhau đáp trả Triều Tiên 

Hành động của Triều Tiên đã khiến Mỹ và Hàn Quốc đáp trả bằng cách cùng hỗ trợ nhau phòng thủ, trong đó bao gồm cả việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, gọi tắt là THAAD và dự kiến  triển khai vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng hệ thống này đe dọa lợi ích an ninh của Trung Quốc và kêu gọi Hàn Quốc ngừng triển khai hệ thống này. 

Phía cựu quan chức Mỹ và các chuyên gia chính trị nói rằng Mỹ về cơ bản có hai lựa chọn trong vấn đề cố gắng kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa đang phát triển nhanh chóng của Triều Tiên đó là: thương lượng hoặc phải có hành động quân sự. Cả hai con đường đều sẽ dẫn tới những thành công nhất định, nhưng nếu lựa chọn hành động quân sự thì có phần nguy hiểm hơn, đặc biệt là sẽ ảnh hưởng lớn tới Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ nằm cận kề với Triều Tiên. 

Phía Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo cũng tái khẳng định kế hoạch triển khai THAAD, “Hai bộ trưởng nhất trí triển khai và vận hành hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trong năm nay như kế hoạch đề ra. Đây là hệ thống phòng thủ chỉ dành để đối phó mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên”, ông Han Min-koo nói. Đồng thời ông Han cũng tuyên bố với ông Mattis rằng, chuyến thăm này sẽ đưa ra một thông điệp rất mạnh mẽ và kịp thời đối với Triều Tiên.