Mỹ: Đề xuất tư nhân hóa kiểm soát không lưu qua 'ải' đầu tiên

(PLO) - Ủy ban Cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải của Hạ viện Mỹ trong tuần này đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất chuyển hoạt động kiểm soát không lưu từ Cục Hàng không liên bang (FAA) sang cho một công ty phi lợi nhuận đảm nhận. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đề xuất tư nhân hóa kiểm soát không lưu

Thực ra, đề xuất nói trên đã được đưa ra từ năm ngoái nhưng phải đến gần đây mới nhận được thêm nhiều sự ủng hộ của các bên, đặc biệt là từ Tổng thống Donald Trump. Theo gói đề xuất vừa được Ủy ban Cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải của Hạ viện thông qua, công ty phi lợi nhuận sẽ đảm nhận việc kiểm soát không lưu của Mỹ.

Công ty này sẽ do một hội đồng gồm 13 thành viên quản lý, trong đó có 1 giám đốc điều hành, 2 thành viên do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ định, 1 người là đại diện của các hãng hàng không chở khách, 1 từ các hãng chuyên vận chuyển hàng hóa, một từ các hãng hàng không khu vực, một đại diện từ hàng không chung, 1 từ các hãng máy bay kinh doanh, một đại diện từ hiệp hội những nhân viên kiểm soát không lưu, một của các sân bay, một đại diện của các phi công thương mại và 2 vị trí trống sẽ do các thành viên trong hội đồng lựa chọn. Kinh phí cho hoạt động của công ty kiểm soát không lưu mới nếu được thành lập sẽ lấy từ các bên sử dụng dịch vụ kiểm soát không lưu. 

Trong khi đó, FAA vẫn sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh các vấn đề liên quan đến an toàn hàng không, bao gồm cả phần công việc của công ty mới được thành lập. Đề xuất nói trên đã được thông qua tại Ủy ban Cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải của Hạ viện Mỹ với tỉ lệ 32 phiếu thuận và 25 phiếu chống. Tuy nhiên, tới đây, dự luật sẽ phải được đưa ra xem xét và phải được cả Thượng viện và Hạ viện của Mỹ thông qua mới được thực thi.

Dự luật do ông Bill Shuster soạn thảo còn bao gồm một số quy định nhằm bảo vệ hành khách trên các chuyến bay như đề nghị tăng ngân sách cho Chương trình cải thiện sân bay từ 3,35 tỉ USD lên thành 3,52 tỉ USD và tăng 2% mỗi năm; cấm các hãng hàng không đuổi những hành khách không tự nguyện đang ngồi trên máy bay xuống sau hàng loạt vụ tai tiếng như vụ hãng hàng không United Airlines kéo lê hành khách xuống hồi tháng 4 vừa qua. Dự luật này cũng yêu cầu áp dụng thêm nhiều quy định đối với các máy bay không người lái…

Giải pháp cho mọi vấn đề?

Nghị sỹ Bill Shuster – người soạn thảo dự luật – nói rằng mục tiêu của đề xuất là nhằm hiện đại hóa các thiết bị và đào tạo để những nhân viên kiểm soát không lưu làm việc nhanh nhẹn hơn so với khi trực thuộc sự quản lý của FAA. Bên cạnh đó, việc tách ra như vậy cũng sẽ giúp cơ quan kiểm soát không lưu có được nguồn ngân quỹ hoạt động đảm bảo ổn định, không bị ảnh hưởng bởi những tranh cãi về ngân sách thường xuyên diễn ra tại Mỹ. “Đề xuất này sẽ chấm dứt việc chi tiêu lãng phí vào những chương trình thất bại đã kéo dài nhiều thập kỷ qua. Nó cũng sẽ giúp Washington tìm ra được hướng đi đúng đắn trong việc cải tổ ngành hàng không”, ông Shuster tuyên bố.

Ông Shuster chỉ ra rằng FAA đã chi đến 7 tỉ USD cho dự án hiện đại hóa hoạt động kiểm soát không lưu có tên NextGen nhưng cho đến nay hoạt động này vẫn không có nhiều cải tiến. Ngoài ra, các hãng hàng không cũng phàn nàn về việc họ đã chi khá nhiều tiền cho các thiết bị công nghệ cao trên máy bay nhưng lại không thể sử dụng được vì công nghệ kiểm soát không lưu không theo kịp. Do đó, những người ủng hộ việc tư nhân hóa hoạt động kiểm soát không lưu cho rằng việc tách việc kiểm soát trực tiếp của FAA với hoạt động kiểm soát không lưu sẽ đẩy nhanh cuộc cải tổ hệ thống này.

Ông Nicholas Calio – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn thương mại hàng không Mỹ - trước đó cũng đã nhiều lần chỉ trích việc FAA liên tục thất bại trong việc quản lý các dự án công nghệ lớn và trì hoãn kế hoạch cải tổ kiểm soát không lưu của Mỹ trong thời gian dài. Liên đoàn đại diện cho những người làm việc trong lĩnh vực kiểm soát không lưu cũng đã ủng hộ dự luật của ông Shuster với lý do quy định này sẽ bảo vệ lực lượng lao động của họ, đảm bảo nguồn ngân sách vững chắc và rõ ràng cho hệ thống hàng không. Khoảng 35.000 người, trong đó có 14.000 nhân viên kiểm soát không lưu và 6.000 kỹ thuật viên sẽ bị ảnh hưởng bởi việc đưa các hoạt động kiểm soát không lưu khỏi FAA. 

Trong tuyên bố về kế hoạch cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của Mỹ hôm 5/6 vừa qua, ông Trump cũng nêu rõ Chính phủ Mỹ ủng hộ việc chuyển các hoạt động kiểm soát không lưu của FAA sang cho một cơ quan phi chính phủ đảm trách để thúc đẩy đổi mới trong ngành vận tải hàng không. Trong bài phát biểu, ông Trump miêu tả hệ thống kiểm soát không lưu của Mỹ là “cũ kỹ, rời rạc, tồi tệ và làm việc không hiệu quả”. 

Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố đề xuất mà ông ủng hộ sẽ giúp giải quyết mọi vấn đề mà người Mỹ gặp phải khi sử dụng dịch vụ hàng không. “Chúng tôi đang đề xuất những cách thức để giảm thời gian chờ đợi, tăng cường hiệu quả của đường bay và khiến cho việc hoãn chuyến ít hẳn đi. Kế hoạch của chúng tôi sẽ giúp bạn đến nơi bạn cần đến nhanh hơn, đáng tin cậy hơn, với chi phí hợp lý hơn và đúng giờ. Chúng tôi sẽ phát động một cuộc cách mạng về đi lại bằng đường hàng không với việc hiện đại hóa hệ thống kiểm soát không lưu đã lỗi thời. Đã đến lúc rồi”, ông Trump tuyên bố. 

Còn đó những lo ngại

Nhưng cơ hội để dự luật nói trên chính thức trở thành luật cũng rất mong manh khi hiện đã có nhiều ý kiến phản đối từ cả 2 viện. Một số nghị sỹ Mỹ phản đối dự luật này vì lo ngại việc giao quyền kiểm soát không lưu cho tư nhân có thể khiến quốc hội mất đi khả năng giám sát trong vấn đề này. Ngoài ra, một số nhà làm luật ở các vùng nông thôn thì lo ngại những sân bay nhỏ, các phi công tư nhân và các máy bay tư nhân sẽ không được quan tâm và tạo điều kiện hoạt động đúng mức.

Những người chỉ trích kế hoạch trên cũng cho rằng, với nhân sự dự kiến như vậy, các hãng hàng không sẽ chiếm thế đa số trong hội đồng điều hành và không đáng tin cậy. Tuy nhiên, ông Shuster nói rằng hội đồng điều hành của công ty sẽ đảm bảo sự cân bằng về lợi ích giữa các bên trong ngành hàng không và sẽ phục vụ tối đa lợi ích của người đi lại. “FAA cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh các vấn đề an toàn hàng không. Sẽ không ai có thể thống trị được hội đồng điều hành của công ty. Nói các hãng hàng không sẽ kiểm soát được hội đồng đó hay FAA là không đúng”, ông này khẳng định.

Bên cạnh đó, những người chỉ trích đề xuất cũng nói rằng chính phủ không nên trao những thiết bị và tài sản trị giá hàng tỉ USD của FAA cho công ty tư nhân mà Hãng hàng không Delta Air Lines cũng không đồng tình với kế hoạch trên vì cho rằng quá trình chuyển giao hoạt động kiểm soát từ FAA sang cho công ty tư nhân sẽ gây những gián đoạn đáng kể. 

Còn Hiệp hội kinh doanh hàng không quốc gia, đơn vị đại diện cho các doanh nghiệp kinh doanh máy bay phản lực trong nhiều năm qua vẫn phản đối việc tư nhân hóa vì cho rằng động thái này sẽ khiến chi phí hoạt động của các đơn vị kinh doanh máy bay phản lực sẽ tăng cao đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ máy bay của khách hàng khi có nhu cầu. 

Bên cạnh đó, theo Bloomberg, một số khách hàng cũng lo ngại về mức độ an toàn khi giao việc kiểm soát không lưu cho tư nhân dù trên thực tế, kết quả khảo sát ở 5 nước mà hoạt động kiểm soát không lưu được giao cho tư nhân đảm trách đều cho thấy đảm bảo. Trên thực tế, Canada, Anh, Pháp, Đức và hàng chục nước khác trên thế giới đã thương mại hóa hệ thống kiểm soát không lưu của họ và chính phủ vẫn giữ vai trò quản lý an toàn. Trong đó, giới chức Mỹ cho rằng mô hình của Canada hoạt động hiệu quả nhất. Tại Canada, hoạt động kiểm soát không lưu do Nav Canada – một công ty phi lợi nhuận có trụ sở tại Ottawa đảm trách từ năm 1996.