Mỹ đưa Thủ tướng Nga vào danh sách có thể bị trừng phạt

(PLO) - Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố bản danh sách các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Nga có thể bị trừng phạt theo một đạo luật được thông qua nhằm trừng phạt Moscow vì cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử đã đưa ông Donald Trump lên nắm quyền.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump

Theo AFP, bản danh sách dài 7 trang của Bộ Tài chính Mỹ được công bố trước nửa đêm ngày 29/1 - là hạn chót phải công bố theo Đạo luật Chống lại những đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA) được Quốc hội Mỹ thông qua hồi năm ngoái, bất chấp sự phản đối của ông Trump.

Danh sách này bao gồm tổng cộng 114 chính trị gia, trong đó có hầu hết các thành viên cấp cao trong Chính phủ của Tổng thống Nga như Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và các quan chức hàng đầu trong các cơ quan tình báo của Nga.

Ngoài ra, bản danh sách cũng liệt kê tên của 96 doanh nhân được phía Mỹ coi là những “đầu sỏ kinh tế” có quan hệ gần gũi với ông Putin, với tổng tài sản mỗi người ít nhất là 1 tỉ USD như giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Rosneft hay người đứng đầu Sberbank.

Theo hãng tin Sputnik của Nga, một số người trong danh sách này đã nằm trong số những cá nhân bị Mỹ trừng phạt. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo có một phần bí mật trong bản “Báo cáo Kremlin” có thể có những cái tên không nằm trong phần tài liệu được công khai. 

Bản danh sách của phía Mỹ được cho là sẽ khiến Tổng thống Nga Putin tức giận. Bởi, dù không có nghĩa là các biện pháp trừng phạt như đóng băng tài sản hay cấm cấp thị thực được áp đặt đối với những cá nhân được nêu tên nhưng các lệnh trừng phạt như vậy có thể sẽ được đưa ra trong tương lai, đe dọa sẽ ngăn chặn các quan chức và các doanh nghiệp của Nga tiếp cận hệ thống tài chính thế giới. 

Ngày 29/1 cũng là hạn chót để đưa ra danh sách trừng phạt theo đạo luật CAATSA nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày cuối cùng này đã không trừng phạt thêm bất cứ doanh nghiệp của Mỹ hay nước ngoài nào về cáo buộc giao dịch với các công ty vũ khí của Nga với lý do động thái này là không cần thiết vì các lệnh trừng phạt hiện tại đã khiến Nga thiệt hại hàng tỷ USD cho các hợp đồng quốc phòng. Dẫn các nguồn tin trong giới ngoại giao Mỹ, hãng tin Sputnik cho biết, trước khi báo cáo được công bố, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo chính phủ và các công ty của các nước đang kinh doanh với Nga về khả năng Mỹ có các biện pháp trừng phạt chống lại họ.

Reuters dẫn lời Thượng nghị sỹ Bob Corker – Chủ tịch Ủy ban quan hệ đối ngoại của Thượng viện Mỹ, một trong những tác giả của luật trừng phạt – cho biết ông không quan tâm về việc chính quyền không công bố lệnh trừng phạt Nga vào hạn chót 29/1. “Mùa trừng phạt đã bắt đầu. Chúng tôi hài lòng về tiến trình”, ông Corker nói và cho biết Ủy ban của ông vẫn đang xem xét nghiêm túc về các lệnh trừng phạt.

Trước động thái của Mỹ, Sputnik dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố các biện pháp trừng phạt là vô nghĩa và Nga không sợ hãi trước những hành động như vậy. Còn thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố Nga coi bản báo cáo của Mỹ là một nỗ lực trực tiếp để gây ảnh hưởng đến chiến dịch bầu cử tại Nga sẽ diễn ra tới đây.