Mỹ hoãn tập trận vô thời hạn với Hàn Quốc

(PLO) - Trong tuần vừa qua, theo cam kết của Tổng thống Donald Trump trong hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un,  Mỹ sẽ hoãn tập trận vô thời hạn với Hàn Quốc. Đây là sự thay đổi quan trọng trong cách thức mà quân đội Mỹ và Hàn Quốc làm việc cùng nhau trong nhiều thập kỷ qua. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Trump khiến cho mọi người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi ông nói rằng các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ là “không thích hợp” trong khi Washington ký kết một thỏa thuận toàn diện với Bình Nhưỡng. “Chúng tôi sẽ ngừng các cuộc tập trận và sẽ giúp tiết kiệm tiền của chúng tôi cho đến khi chúng tôi thấy cuộc đàm phán trong tương lai không đi theo hướng mà lẽ ra nó phải đi”, ông Trump cho biết. Thậm chí, ông Trump cũng nói rằng “vào một thời điểm nào đó” ông muốn rút binh lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc về nước.

Ngừng tập trận vô thời hạn 

Theo Lầu Năm Góc, việc dừng các cuộc tập đã được chính thức thảo luận trong cuộc điện đàm kéo dài 30 phút ngày 14/6 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Hàn quốc Song Young-moo. “Hai Bộ trưởng đã nhất trí không ngừng tăng cường nỗ lực để cung cấp hỗ trợ về phòng thủ, trên cơ sở mối quan hệ đồng minh Hàn Quốc-Mỹ vững chắc, đối với việc thực hiện nhanh chóng và có trách nhiệm thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên”, thông báo nêu rõ. 

Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ, “các cuộc tập trận quân sự lớn đã được ngừng vô thời hạn trên bán đảo Triều Tiên”. Theo đó, cuộc tập trận Người bảo vệ Tự do Ulchi với quân đội Hàn Quốc dự kiến tổ chức vào tháng 8 tới có thể bị đình chỉ. Đây là cuộc tập trận thường niên có quy mô rất lớn. Trong cuộc tập trận năm 2017, 17.500 binh sĩ Mỹ, 50.000 lính Hàn Quốc và hơn 3.000 binh sĩ đến từ các quốc gia khác đã tham gia vào một trong những bài tập chiến tranh lớn nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng thông báo rằng Seoul có thể xem xét tạm dừng các cuộc tập trận chung với Washington nhằm xây dựng lòng tin và xoa dịu căng thẳng với Bình Nhưỡng.

Ông Moon Jae-in khẳng định, nếu Triều Tiên thực thi các biện pháp phi hạt nhân hóa và các cuộc đối thoại chân thành giữa Seoul và Bình Nhưỡng, Triều Tiên và Mỹ vẫn tiếp diễn nhằm làm dịu mối quan hệ thù địch giữa các bên. Hàn Quốc cũng sẽ linh hoạt thay đổi sức ép quân sự nhằm vào Triều Tiên đúng theo tinh thần xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau mà lãnh đạo hai nước đã nhất trí trong Tuyên bố chung Pamunjom ngày 27/4. Tổng thống Hàn Quốc cũng đã chỉ đạo các thành viên NSC, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng, phối hợp chặt chẽ với giới chức Mỹ trong vấn đề này.

Trung Quốc ủng hộ 

Ngay sau hội nghị Mỹ - Triều vừa diễn ra, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thực hiện các chuyến công du đến Hàn Quốc và Trung Quốc. Tại Seoul, ông Pompeo khẳng định Mỹ cam kết một tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược của Triều Tiên. 

Trung Quốc vốn là đồng minh thân cận nhất, đồng thời chiếm khoảng 90% thương mại của Bình Nhưỡng. Do vậy, việc Mỹ-Triều cùng ngồi vào bàn đàm phán rất được Trung Quốc ủng hộ. Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò tích cực, mang tính xây dựng để thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa hai nước. Tại Bắc Kinh, ông Pompeo nói với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi có một lộ trình hướng đến phía trước sau quá nhiều năm để mang lại hòa bình”. 

Tuy nhiên ông Pompeo cũng cảnh báo “vẫn còn nhiều nguy cơ rằng chúng ta sẽ không đạt được” mục tiêu đó và cần thêm nhiều hành động để hiện thực hóa mục tiêu.

Được biết, lực lượng quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã huấn luyện cùng nhau trong nhiều năm và diễn tập thường xuyên với nhau mọi thứ từ đổ bộ bờ biển đến chống trả một cuộc xâm lược từ Triều Tiên hay thậm chí là các cuộc không kích nhắm vào Bình Nhưỡng. Cuộc tập trận này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1976. Thời điểm tập trận thường diễn ra vào tháng 8 hoặc tháng 9 hàng năm. Trải qua 42 năm, Người bảo vệ Tự do Ulchi đã trở thành một biểu tượng cho sự hợp tác quân sự giữa liên minh Mỹ - Hàn. Phía Triều Tiên luôn tức giận trước các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, gọi đó là hành động khiêu khích. Để đáp trả, chính quyền Kim Jong-un đã phóng các tên lửa đạn đạo bay qua vùng biển Nhật, gây lo ngại toàn cầu. 

Đọc thêm