Mỹ - Iran: “Gập ghềnh” con đường bình thường hóa quan hệ

(PLO) - Quan hệ Mỹ - Iran tưởng như đang có nhiều tiến triển trong thời gian gần đây, lại có nguy cơ bị “đóng băng” trở lại, do liên quan đến việc Mỹ ban hành Đạo luật trừng phạt Iran. 
Tổng thống Mỹ Obama cho phép ban hành Đạo luật trừng phạt Iran
Tổng thống Mỹ Obama cho phép ban hành Đạo luật trừng phạt Iran

Động thái này khiến nỗ lực bình thường hóa quan hệ Mỹ - Iran ngày càng trở nên khó khăn.

Đạo luật trừng phạt

Hôm qua - 15/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từ chối ký gia hạn lệnh trừng phạt chống Iran, tuy nhiên lại cho phép ban hành Đạo luật trừng phạt Iran (ISA). 

Nhà Trắng cho biết ông Obama dự kiến ký gia hạn lệnh trừng phạt Iran thêm 10 năm, song hạn chót là nửa đêm 14/12 đã qua mà người đứng đầu Nhà Trắng vẫn chưa phê chuẩn việc gia hạn này. Mặc dù vậy, theo Thư ký báo chí của Nhà Trắng Josh Earnest, ông Obama đã quyết định cho phép ban hành đạo luật này mà không cần chữ ký của ông.  

Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống có 10 ngày sau khi Quốc hội thông qua dự luật để ký, phủ quyết hoặc cho phép ban hành luật mà không cần ký nếu Quốc hội vẫn họp. Mặc dù các nghị sĩ đã trở về nhà để nghỉ lễ, nhưng Quốc hội Mỹ vẫn họp liên tục và đang tổ chức các phiên họp mang tính “hình thức” trong tuần này.

Trước đó, ngày 1/12, với 99 phiếu thuận và không có phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã gia hạn ISA. Theo đó, các biện pháp trừng phạt hiện tại nhằm vào Iran sẽ kéo dài thêm 10 năm. Tháng 11, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật này với tỉ lệ gần như tuyệt đối.

Phản ứng trước việc Mỹ ban hành ISA, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng hành động này sẽ làm tổn hại đến uy tín quốc tế của Washington. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi tuyên bố quyết định ban hành ISA của Mỹ vi phạm thỏa thuận hạt nhân đạt được vào năm 2015, đồng thời cảnh báo Iran sẽ đáp trả “thích hợp”. Ông Ghasemi nhấn mạnh, Iran đã chứng minh việc tuân thủ các thỏa thuận quốc tế, song Iran cũng có những phản ứng thích hợp cho mọi tình huống”.

Chông gai

Nhìn lại lịch sử mối quan hệ Mỹ - Iran, các nhà phân tích đã cho rằng đây là mối quan hệ của “hai kẻ thù không đội trời chung”. Năm 1979, Mỹ đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran kể từ sau vụ nhóm sinh viên Iran đột kích và bắt cóc 52 nhà ngoại giao Mỹ làm con tin tại Đại Sứ quán Mỹ ở Tehran.

Kể từ đó, mối quan hệ giữa hai nước không ngừng xấu đi. Mặc dù sau đó, giữa nhà lãnh đạo hai nước cũng đã có những cuộc trao đổi thư từ, nhưng thường là những bức thư với nội dung không thân thiện, còn nếu không thì cũng bị đáp lại bằng sự nghi kỵ. 

Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran còn trở nên xấu đi khi cuộc chiến tranh Iraq nổ ra năm 1990 và 1991. Khi đó, Iran thường xuyên cáo buộc Mỹ và Anh âm mưu phá hoại an ninh của Iran, coi sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq là mối nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia và đã từng đề nghị Mỹ rút quân khỏi Iraq. Trong khi đó, Mỹ đã bác bỏ các cáo buộc trên và cho rằng Iran tiếp tay cho các phần tử vũ trang người Shiite nhằm chống lại quân đội Mỹ cũng như các lực lượng ở Iraq.

Đặc biệt, vấn đề mâu thuẫn nổi cộm nhất giữa Mỹ và Iran trong quá khứ chính là chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran. Trong khi Iran cho rằng họ làm giàu uranium chỉ để phục vụ mục đích hòa bình nhưng Mỹ và các đồng minh nghi ngờ các nhà lãnh đạo Iran đang chế tạo vũ khí hạt nhân. Năm 1996, ISA được thông qua lần đầu để trừng phạt các đối tượng đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng Iran và răn đe việc Tehran theo đuổi tham vọng hạt nhân. ISA sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12 năm nay nếu không được gia hạn. 

Kể từ tháng 11/2011, sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố một báo cáo quan trọng về chương trình hạt nhân của Iran, thì Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, và Ðức) đã tiến hành rất nhiều vòng đàm phán, song không mang lại kết quả.

IAEA muốn Iran cho phép các thanh sát viên cơ quan này tiếp cận các địa điểm, tài liệu và các nhà khoa học mà IAEA cáo buộc liên quan kế hoạch theo đuổi vũ khí hạt nhân của Iran. Trong khi đó, Iran khẳng định các phát hiện của IAEA xoay quanh vấn đề này dựa trên thông tin tình báo sai lệch. 

Ðiểm mấu chốt gây bế tắc trong các cuộc đàm phán là do những yêu cầu không thể chấp thuận đối với cả hai bên. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và LHQ luôn áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn chống Iran, kèm theo đòi hỏi nước này phải từ bỏ chương trình làm giàu uranium, trong khi Iran luôn khăng khăng bảo vệ quyền sở hữu công nghệ hạt nhân “vì mục đích hòa bình”, trong đó có cả quyền làm giàu uranium.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif đã từng nói rằng, chính sách trước đây của phương Tây là sai lầm và không đạt kết quả, đồng thời đề nghị các cường quốc chọn cách tiếp cận mới trong vòng đàm phán hạt nhân với Iran. Iran tỏ rõ, nếu phương Tây không thay đổi, nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ tiếp tục phản kháng như họ từng làm suốt 10 năm qua. Và thực tế cho thấy, các biện pháp trừng phạt của phương Tây không làm thay đổi được việc Iran tiếp tục theo đuổi “chương trình hạt nhân dân sự” của nước này.

Kể từ khi Tổng thống theo đường lối ôn hòa Hassan Rouhani lên nắm quyền vào tháng 8/2013, ông đã chủ trương theo đuổi mục tiêu đạt được một thỏa thuận cuối cùng về hạt nhân Iran nhằm đưa Iran thoát khỏi lệnh cấm vận kinh tế mà Mỹ và phương Tây áp đặt trong nhiều thập kỷ qua. Thêm vào đó, sự thay đổi của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cách tiếp cận vấn đề hạt nhân của Iran cũng đã giúp cho các nỗ lực đàm phán của các nước phương Tây và Iran đạt được nhiều tiến triển. 

Tiến trình đàm phán đã đạt được những kết quả đáng mừng khi tháng 7-2015, Iran và Nhóm P5+1 đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), đánh dấu sự kết thúc một tiến trình đàm phán kéo dài 13 năm. Theo thỏa thuận, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ, EU và LHQ áp đặt đối với Iran được dỡ bỏ, đổi lại Iran chấp nhận hạn chế chương trình phát triển hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ nhằm mục đích chế tạo bom. Iran cũng đồng ý cho phép thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này, cụ thể là cho phép các thanh sát viên LHQ tới giám sát các cơ sở quân sự. 

Sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện, các lệnh trừng phạt Iran đã chính thức được dỡ bỏ vào tháng 1/2016. Tuy nhiên, thực tế thì Iran vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ còn duy trì một số lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran. Không những thế, những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Obama đối với thỏa thuận hạt nhân Iran cũng đang đứng trước nguy cơ sụp đổ khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trong thời gian vận động tranh cử đã nhiều lần chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1. Giới quan sát cũng nhận định không thể đảm bảo tương lai văn kiện này dưới thời chính quyền kế nhiệm của Tổng thống đắc cử Trump.

Những diễn biến này được coi là rào cản đối với nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Iran với Mỹ và các nước phương Tây. Các nhà phân tích cho rằng, với việc Mỹ ban hành Đạo luật trừng phạt Iran dường như con đường đi đến bình thường hóa quan hệ song phương giữa hai quốc gia này vẫn còn nhiều chông gai.

Đọc thêm