Mỹ lo ngại luật bảo vệ bờ biển của Trung Quốc “có thể gây leo thang tranh chấp hàng hải“

(PLVN) - Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm 19/2  rằng Hoa Kỳ lo ngại về luật bảo vệ bờ biển được ban hành gần đây của Trung Quốc sẽ giúp nước này khẳng định chủ quyền bất hợp pháp và có thể gây leo thang tranh chấp hàng hải.
Tàu tuần duyên Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: Reuters (chụp ngày 15/4/2014).
Tàu tuần duyên Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: Reuters (chụp ngày 15/4/2014).

Trung Quốc, quốc gia có tranh chấp chủ quyền hàng hải với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và với một số quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông, tháng trước đã thông qua luật bảo vệ bờ biển, lần đầu tiên cho phép lực lượng tuần duyên của họ nổ súng vào các tàu nước ngoài.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói trong một cuộc họp thường kỳ rằng Washington “lo ngại về ngôn ngữ trong luật liên quan rõ ràng việc sử dụng vũ lực tiềm tàng, bao gồm cả vũ trang, của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc với việc thực thi các yêu sách của Trung Quốc và các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải đang diễn ra trên Biển Đông”.

Ông nói lời lẽ trong luật "ngụ ý mạnh mẽ rằng luật này có thể được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng trên biển (của Trung Quốc)."

Cũng theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ: “Chúng tôi còn lo ngại rằng Trung Quốc có thể viện dẫn luật mới này để khẳng định các yêu sách hàng hải trái pháp luật của họ ở Biển Đông, đã bị bác bỏ triệt để bởi phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016”.

Ông Price cho biết Mỹ đã tái khẳng định một tuyên bố vào tháng 7 năm ngoái, trong đó Ngoại trưởng (khi đó là Mike Pompeo) đã bác bỏ các tuyên bố của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông vì "hoàn toàn trái pháp luật."

Ông nói thêm rằng Mỹ "giữ vững lập trường" trong các cam kết liên minh với cả Nhật Bản và Philippines. Mỹ có các hiệp ước phòng thủ chung với cả hai nước trên và thường xuyên tuần tra hải quân trong khu vực để thách thức các tuyên bố chủ quyền trên biển rộng lớn của Trung Quốc.

Tháng trước, Philippines cho biết họ đã đệ đơn phản đối ngoại giao đối với luật mới của Trung Quốc, mô tả đó là “mối đe dọa chiến tranh”.