Mỹ, Mexico, Canada thảo luận về sửa đổi NAFTA

(PLO) - Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cơ hội biến một trong những cam kết chính trong chiến dịch tranh cử của ông thành hiện thực khi khởi động các cuộc đàm phán chính thức để thương thảo lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cùng với Mexico và Canada trong tuần này.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer

Theo AFP, trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Hiệp định NAFTA là một “thảm họa”, là nguyên nhân khiến Mỹ mất đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp đồng thời tuyên bố sẽ đưa nước Mỹ rút khỏi hiệp định này nếu đắc cử. Tuy nhiên, sau đó, ông đã có vẻ dịu giọng.

Phát biểu gần đây, Tổng thống Mỹ cho rằng đàm phán lại hiệp định nói trên là cách thức hữu hiệu nhất đối với cả Mỹ, Canada và Mexico. Chính thức có hiệu lực từ đầu năm 1994, NAFTA được Mỹ, Mexico và Canada ký kết với mục đích loại bỏ những rào cản thương mại giữa 3 nước.

Một trong những nguyên nhân chính khiến ông Trump thất vọng về NAFTA là việc cán cân thương mại của Mỹ với Mexico đã thay đổi đáng kể, từ chỗ thặng dư 1,3 tỉ USD khi Hiệp định có hiệu lực tới mức thâm hụt 64 tỉ USD hiện nay. NAFTA được xem là nền tảng của nền kinh tế Mexico, với khoảng 80% hàng hóa xuất khẩu của nước này được xuất sang nước láng giềng ở Bắc Mỹ. Hiệp định này cũng đã thúc đẩy đáng kể ngành công nghiệp ô tô của Mexico vốn phát triển mạnh mẽ nhờ nguồn cung lao động giá rẻ khi các nhà sản xuất ô tô của Mỹ đã đóng cửa nhiều nhà máy ở Mỹ để chuyển sang nước này.

Các nhà quan sát cho rằng, ông Trump sẽ có cơ hội để thực hiện lời hứa của mình khi các quan chức Mỹ, Canada và Mexico sẽ tiến hành các cuộc đàm phán chính thức để thương thảo lại các điều khoản trong Hiệp định trong tuần này. Theo thông tin từ phía Mỹ, vòng đầu tiên của việc đàm phán sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 20/8. Còn vòng đàm phán thứ 2 sẽ được khởi động vào ngày 5/9 tới tại Mexico. 

Dù ông Trump đang chịu áp lực phải đàm phán lại NAFTA nhưng trên thực tế cả Mexico và Canada cũng đã nhất trí rằng cả 3 nước đều sẽ có lợi khi đàm phán lại Hiệp định đã được thực hiện trong 1/4 thế kỷ qua, tức trước thời đại của internet. Mặc dù vậy nhưng việc thương thảo được cho là sẽ tương đối “khó nhằn”.

Giới chức Mỹ nói rằng họ muốn các cuộc đàm phán sớm đưa đến kết quả nhưng các chuyên gia nhận định việc đạt được 1 thỏa thuận “thần tốc” là khó có thể xảy ra. “Vòng đàm phán đầu tiên về cơ bản là để làm rõ hơn những ý tưởng ban đầu và giải thích các ý tưởng này. Có thể các nhà đàm phán của các bên sẽ không đề cập đến những vấn đề gây tranh cãi nhất trong vòng 1 của cuộc đàm phán”, ông Jeffrey Schott – một học giả cao cấp tại Viện kinh tế quốc tế Peterson, nhận định. 

Ông Schott cũng cho rằng những nỗ lực để thúc đẩy chính sách “nước Mỹ trên hết” của nhóm đàm phán của ông Trump có thể gây ra những vấn đề. “Cả 3 nước đều cam kết hướng tới đàm phán thành công để sửa đổi và cải thiện các quy định của NAFTA nhưng nguy cơ Mỹ thúc đẩy quá mạnh ý tưởng “nước Mỹ trên hết” gây tranh cãi có thể khiến cuộc đàm phán bế tắc là hoàn toàn có thể”, ông Schott nhận định. Một số nhà quan sát khác cho rằng việc đàm phán có thể kéo dài trong 2 năm.