Mỹ: Mua bán “ăn lời” trên thi thể người hiến tặng

(PLO) - Mới đây, câu chuyện của ông Harold Dillard đã phần nào hé lộ những góc tối trong hoạt động kinh doanh mua đi bán lại thi thể người chết, thay vì mục đích ý nghĩa ban đầu mà người chết mong muốn là được cống hiến cho khoa học tại Mỹ.
Cô Farrah Fasold uất ức khi biết thi thể của cha mình bị đem ra mua bán, chứ không phải để phục vụ cho khoa học
Cô Farrah Fasold uất ức khi biết thi thể của cha mình bị đem ra mua bán, chứ không phải để phục vụ cho khoa học

Ở Mỹ, thi thể người hiến tặng đóng một vai trò quan trọng và thiết yếu trong việc giáo dục, đào tạo và nghiên cứu đối với y học. Những bộ phận cơ thể người thật sẽ được sử dụng để giúp sinh viên y khoa, bác sĩ, y tá, nha sĩ có thể thực hành trực tiếp, bởi không có gì tốt hơn bằng việc tiếp xúc trực tiếp dưới cơ thể người.

Ngoài ra, cũng nhờ vào thi thể người chết các nhà nghiên cứu phát triển các dụng cụ phẫu thuật mới, các kỹ thuật cấy ghép, thậm chí là phát triển một loại thuốc mới để điều trị bệnh. Tuy nhiên, thực trạng thiếu giám sát và chưa có các quy định rõ ràng của chính phủ Mỹ khiến việc hiến cơ thể cho khoa học mang đầy ý nghĩa nhân văn biến tướng thành thực trạng kinh khủng, đó là mua bán kiếm lời trên thi thể người hiến tặng.  

Uất ức nhưng không thể khởi tố

Sự vụ đau lòng mới được phát hiện ra gần đây của ông Harold Dillard đã hé lộ ra phần nào câu chuyện hiến xác cho khoa học. Ông Harold Dillard ở thành phố Albuquerque, bang New Mexico được bác sĩ chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối vào năm 2009. Trước khi chết ông muốn làm một việc ý nghĩa, do vậy đã quyết định hiến tặng cơ thể mình phục vụ khoa học thông qua công ty môi giới thi thể Bio Care. Người con gái là cô Farrah Fasold cũng đồng tình với ý nguyện của cha. 

Nhưng sau khi ông Dillard chết, con gái của ông bắt đầu nghi ngờ khi nhiều tuần liền Bio Care vẫn không chịu bàn giao tro cốt của ông. Đến khi nhận được, cô cảm thấy đó không phải là tro cốt vì nó trông giống cát và là cô đã đoán đúng. Đến tháng 4/2010, cô Fasold được chính quyền thông báo đầu của cha cô nằm trong số nhiều bộ phận thi thể được tìm thấy tại một lò đốt y tế. Đó cũng là lần đầu tiên cô biết Bio Care là công ty chuyên kinh doanh thi thể người. “Tôi vô cùng sốc. Chúng tôi sẽ không bao giờ đồng ý đăng ký hiến tặng nếu biết họ đem thi thể người chết ra bán. Đó cũng không phải là điều cha tôi muốn”, cô Fasold nói. 

Khi tiến hành khám xét, cơ quan chức năng đã tìm thấy 127 bộ phận cơ thể của 45 người khác nhau. “Tất cả các bộ phận đã được cắt rời bằng những dụng cụ thô sơ, chẳng hạn như cưa máy”, một cảnh sát cho biết. Sau đó, ông chủ của Bio Care là Paul Montano bị buộc tội lừa đảo, nhưng ông này nhất quyết chối tội. Các công tố viên sau đó phải rút lại cáo trạng vì họ không chứng minh được hành vi lừa đảo hay tội ác. Đơn giản vì không có luật liên bang nào quy định việc xử lý xác hiến tặng hoặc bảo vệ người thân của người hiến xác. Sau cùng, cơ quan chức năng cũng chỉ có thể thu gom những phần cơ thể của ông Harold Dillard và trả lại cho cô Fasold mai táng. 

Một hoạt động kinh doanh “bẩn”

Không chỉ Bio Care, Southern Nevada cũng là một công ty chuyên môi giới thi thể người hiến tặng. Công ty này hứa hẹn giúp trang trải chi phí hỏa táng, đổi lại họ chỉ cần đồng ý hiến xác người đã khuất “cho y học”. Nhưng sự thật đằng sau đó là họ thu thập thi thể người chết, phân ra thành nhiều mảnh và bán cho các nhà nghiên cứu khoa học, bác sĩ, các tổ chức giáo dục và những người muốn mua nhằm thu lời. Được biết, các công ty này thường mồi chài những đối tượng là người nghèo, người có thu nhập thấp. Nhiều gia đình đã đồng ý bàn giao thi thể người thân, vừa tiết kiệm chi phí mai táng lại vừa có thể cống hiến cho khoa học. 

Vào mùa thu năm 2015, những người dân sinh sống lân cận khu này phàn nàn về mùi hôi thối và những vết máu có trong thùng rác. Đến tháng 12, các cơ quan chức năng bắt đầu nhận được những khiếu nại từ người dân về những hoạt động bí ẩn diễn ra trong sân của một nhà kho. Khi tiến hành kiểm tra Southern Nevada, tất cả các thi thể được nhân viên ở đây dùng vòi xịt vườn, nước thải không được xử lý mà để chảy tràn lan ra đường. Công tác bảo quản, rã đông thi thể người hiến xác không đúng quy trình và rất cẩu thả, nhưng lực lượng chức năng đã không làm được gì ngoài việc phạt công ty này tội làm ô nhiễm môi trường. 

Được biết hàng năm, có tới hàng ngàn người Mỹ quyên góp thi thể của mình với niềm tin rằng họ đang đóng góp một phần cho khoa học. Nhưng trên thực tế, nhiều người đã trở thành món hàng hóa, tạo lợi nhuận cho công ty kinh doanh “bẩn” kiểu như Southern Nevada. 

Liên kết giữa nhà mai táng và công ty môi giới

Những kẻ hành nghề môi giới thi thể ngày càng len sâu và bám chặt vào ngành công nghiệp tang lễ ở Mỹ. Reuters đã xác định được 62 điểm tổ chức tang lễ dàn xếp làm ăn với giới môi giới buôn bán xác người. Thông qua nhà tang lễ, kẻ môi giới có thể tiếp cận được những “con mồi” tiềm năng. Mỗi vụ, chúng lại quả cho phía tổ chức tang lễ 300-1.430 USD gọi là phí giới thiệu, theo sổ sách của một số công ty môi giới và hồ sơ tòa án. 

Trong năm 2009, các chủ  nhà tang lễ ở Darin, Darin Corbett và Hal Ezzell đã đầu tư 650.000 USD, chiếm 50% cổ phần, vào một công ty khởi nghiệp do các cựu thành viên ban quản trị một công ty môi giới thi thể lớn ở Phoenix lập nên. Và theo Reuters, thông báo kêu gọi đầu tư cho biết ước tính doanh thu của công ty mới trong vòng 5 năm sẽ đạt được khoảng 13,8 triệu USD dựa trên 2.100 thi thể hiến tặng. 

Hãng Reuters cũng xác định Southern Nevada và 33 cơ quan môi giới khác đang hoạt động trên khắp nước Mỹ trong 5 năm qua. 25 trong số 34 công ty môi giới cơ thể là các công ty vì lợi nhuận; phần còn lại là phi lợi nhuận. Chỉ riêng trong 3 năm, một nhà môi giới vì lợi nhuận đã kiếm được ít nhất 12,5 triệu USD từ kinh doanh thi thể người chết. 

Dữ liệu thu thập được từ các bang New York, Virginia, Oklahoma và Florida cung cấp một cái nhìn tổng quát. Reuters tính từ năm 2011 - 2015, các công ty môi giới cá nhân đã nhận được ít nhất 50.000 thi thể và bán ra hơn 182.000 bộ phận trên cơ thể. Cũng như các mặt hàng khác, giá của các bộ phận và bộ phận cơ thể dao động theo điều kiện thị trường. Một nhà môi giới có thể bán một thi thể hiến tặng với giá từ 3.000 USD-5.000 USD, thậm chí gấp đôi lên tới 10.000 USD. Nhưng thường họ sẽ phân chia một thi thể người thành sáu phần để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tài liệu mà Reuters điều tra được từ nội bộ 7 công ty môi giới cho thấy một loạt các giá cả cho từng bộ phận cơ thể: 3.575 USD cho một thân với chân; 500 USD cho một đầu; 350 USD cho một chân; 300 USD cho cột sống.

Chưa có luật rõ ràng

Hiện Mỹ vẫn chưa có luật liên bang kiểm soát các công ty môi giới. Trong khi đó, chưa có cơ quan chính phủ nào được thành lập hoặc giao trách nhiệm riêng cho công tác giám sát các thi thể được hiến cho nghiên cứu khoa học và giáo dục y khoa. Các công ty môi giới này cũng rất khôn ngoan trong việc lách luật. Hầu hết họ sử dụng một ngôn ngữ đặc biệt để mô tả những gì họ làm và cách họ kiếm tiền. Họ gọi những cái còn lại là “mô” chứ không phải các bộ phận cơ thể người. Và họ ghét cụm từ “công ty môi giới” và tự nhận mình là “ngân hàng mô không cấy ghép”. Có nghĩa là chúng khác biệt với ngành cấy ghép mô và nội tạng, cái mà chính phủ Mỹ hiện đang quản lý rất chặt chẽ. 

Họ cũng nhấn mạnh rằng họ không “bán” thi thể người chết thay vào đó họ chỉ tính “phí” các dịch vụ. Không những thế, theo luật ở Mỹ, bán tim, thận, dây chằng… cho việc cấy ghép là bất hợp pháp. Nhưng ở các bang chưa có luật nào quy định về bán xác hoặc bộ phận cơ thể người cho mục đích nghiên cứu hoặc giáo dục là bất hợp pháp. Năm 2006, ngành công nghiệp mua bán thi thể người càng phát triển mạnh. Chỉ có bốn bang New York, Virginia, Oklahoma và Florida yêu cầu các công ty môi giới đăng ký với cơ quan y tế bang, phải xin phép khi muốn vận chuyển ra khỏi bang. Thế nhưng chỉ duy nhất bang New York có hồ sơ theo dõi và ghi chép chi tiết về ngành công nghiệp kỳ lạ này. 

Trước đó năm 2004, trong nỗ lực chấm dứt tình trạng buôn bán thi thể bị thả nổi, một ủy ban y tế liên bang từng kêu gọi Chính phủ Mỹ điều chỉnh ngành công nghiệp phức tạp này nhưng bất thành. Từ đó tới nay, hơn 2.357 phần thi thể rơi vào tay những bên môi giới từ ít nhất 1.638 người hiến tặng bị sử dụng trái ý nguyện của họ cũng như người thân, bị lạm dụng hoặc thậm chí bị đối xử theo kiểu có thể gọi là báng bổ.