Mỹ, Nhật, Hàn tập trận chung - Triều Tiên, Trung Quốc phản đối

(PLO) - Trong tuần qua, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung về phòng thủ tên lửa nhằm ngăn chặn nguy cơ tên lửa từ CHDCND Triều Tiên.
Mỹ, Nhật, Hàn tiến hành tập trận chung.
Mỹ, Nhật, Hàn tiến hành tập trận chung.

Được biết, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã gửi đi một thông điệp cứng rắn cảnh báo Triều Tiên, đồng thời phái tàu khu trục trang bị tên lửa công nghệ cao Aegis đến cùng một khu vực, nơi Bình Nhưỡng đã cho bắn 4 tên lửa đạn đạo hôm 6/3 nhắm mục tiêu giả tưởng vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản, 3 trong số các tên lửa sau đó đã rơi xuống vùng lãnh hải của Nhật Bản. 

Tập trận chung cảnh báo Triều Tiên 

Theo CNN, cuộc tập trận có sự tham gia của 3 tàu khu trục được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, gồm Sejongdaewang (Hàn Quốc), Curtis Wilbur (Mỹ) và Kirishima (Nhật Bản) tiến hành tập trận nhằm cải thiện khả năng bắn hạ các tên lửa đạo đạo đối phương. Trước đó Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành ba cuộc tập trận tương tự vào tháng 6, tháng 10 năm ngoái và tháng 1 năm nay.

Các tàu này sẽ phát hiện sớm cũng như theo dõi mục tiêu tên lửa được giả định do Bình Nhưỡng phóng. Đồng thời, ba bên cũng tận dụng thời điểm này để trao đổi thông tin quân sự. Hải quân Mỹ gọi cuộc tập trận là “cuộc tập dượt ba bên cảnh báo tên lửa”, theo đó sẽ triển khai hệ thống kết nối dữ liệu để các tàu trong cuộc tập trận được trao đổi thông tin tình báo. “Cuộc tập trận sẽ kéo dài 2 ngày, sử dụng hệ thống dữ liệu chiến thuật kết nối với thông tin tình báo và các loại dữ liệu khác giữa các tàu trong cuộc tập trận”, Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ tại Nhật Bản cho biết.

Tầm quan trọng của đợt tập trận chung lần này được nâng cao do các tàu tham gia được trang bị công nghệ Aegis, với khả năng phát hiện nguy cơ tên lửa và theo dõi tên lửa để chặn đánh. Các tên lửa đạn đạo có quỹ đạo cao, hình vòng cung để nhắm trúng mục tiêu. Được trang bị radar AN/SPY-1 tối tân, tàu Aegis có thể phát hiện được tên lửa khi chúng mới ở giai đoạn xuất phát. Với khả năng đó, những tàu này có thể đánh chặn tên lửa sớm, hoặc gửi dữ liệu theo dõi đi xa hơn, gia tăng khả năng phá hủy tên lửa ở điểm cao nhất.

Phát ngôn viên của Hải quân Mỹ lần thứ 7 Hạm đội nói rằng, cuộc tập trận lần này nằm trong kế hoạch cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. “Sự hợp tác giữa 3 nước là rất quan trọng trong việc ngăn chặn hành vi gây hấn của Triều Tiên”.

Bình Nhưỡng, Bắc Kinh phản đối

Ngay sau khi có thông tin về cuộc tập chung giữa 3 nước, Bộ  Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức phản ứng mạnh mẽ, kêu gọi tất cả các bên kết thúc “vòng luẩn quẩn có thể sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát”. Trung Quốc nói các cuộc tập trận không có ích gì trong việc làm giảm căng thẳng, “CHDCND Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về chương trình tên lửa hạt nhân của mình, nhưng thay vì giải quyết bằng nhiều cách, Mỹ, Hàn và bây giờ cả Nhật Bản đã cố gắng xoáy sâu gây hấn với Triều Tiên bằng cách tiến hành tập trận quân sự siêu quy mô”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói.

Trước đó, Trung Quốc cũng luôn phản đối mạnh mẽ việc triển khai một hệ thống tên lửa tiên tiến của Mỹ tại Hàn Quốc. Trong khi Mỹ và Hàn Quốc nói hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) là để phòng chống mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên, nhưng Trung Quốc lo ngại radar cực mạnh của hệ thống này có thể thăm dò sâu vào lãnh thổ Trung Quốc, làm ảnh hưởng đến an ninh nước này.

Phía Bình Nhưỡng cáo buộc Mỹ đang chuẩn bị “tấn công phủ đầu”, “Nếu họ xâm phạm chủ quyền của chúng tôi, thậm chí chỉ một chút, quân đội của chúng tôi sẽ không nhân nhượng mà chống trả quyết liệt mọi phía từ mặt đất, trên biển và cả trên không”, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho biết. “Chỉ trong ngày 11/3, nhiều máy bay từ hàng không mẫu hạm của đối phương đã bay theo hướng gần không phận và vùng lãnh hải của nước CHDCND Triều Tiên để thực hiện các cuộc tập trận thả bom và tấn công bất ngờ vào các mục tiêu trên bộ của quân đội”, KCNA nói thêm. 

Theo ông Carl Schuster- Giáo sư tại Đại học Hawaii Pacific và cựu Giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo liên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết, cả Bình Nhưỡng và Bắc Kinh sẽ phải cẩn trọng hơn nữa bởi Hàn Quốc và Nhật Bản đang tiến hành củng cố và phát triển toàn diện hơn nữa về mặt quân sự.