Mỹ, Nhật thách thức vùng phòng không của Trung Quốc

(PLO) - Hai máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã bay qua quần đảo đang tranh chấp trên biển Hoa Đông mà không hề thông báo cho Bắc Kinh, trong khi các hãng hàng không chính của Nhật Bản cũng phớt lờ giới chức Trung Quốc khi cho máy bay của họ bay qua vùng phòng không mới lập trong ngày 27/11. 
Theo thông tin từ giới chức Mỹ, 2 máy bay ném bom B-52 của nước này không mang theo vũ trang, xuất phát từ đảo Guam hôm 25/11 là một phần của cuộc tập trận thường xuyên trong khu vực. “Chúng tôi đã thực hiện các hoạt động ở vùng đảo Senkaku. Chúng tôi vẫn tuân theo các thủ tục thông thường, trong đó có việc không gửi hành trình bay, không liên lạc điện đàm trước và không đăng ký tần sóng của chúng tôi”, Đại tá Steve Warren, Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho hay. 
Vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc và của Nhật
 Vùng nhận diện phòng không
của Trung Quốc và của Nhật
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố đã giám sát toàn bộ tiến trình bay của các máy bay ném bom của Mỹ qua vùng phòng không mà nước này mới lập ra. Tuy nhiên, một người phát ngôn của Lầu Năm Góc thì khẳng định các máy bay của Mỹ đã không hề bị máy bay Trung Quốc giám sát hay liên lạc trong suốt chuyến bay. 
Về phía Nhật Bản, sau yêu cầu từ Chính phủ Nhật Bản, các hãng hàng không Japan Airlines và ANA Holdings đều cho biết họ đã ngừng cung cấp kế hoạch bay và các thông tin khác cho giới chức Trung Quốc trong ngày 27/11. Các hãng này cho biết thêm, không có hãng nào gặp vấn đề gì khi bay qua khu vực mà Trung Quốc tuyên bố vùng phòng không. 
Theo các chuyên gia, hành động bất chấp của Nhật Bản và đồng minh của nước này là Mỹ đã dấy lên những nguy cơ trong tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật và Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và có thể khiến Trung Quốc đưa ra các động thái mới. “Nếu Mỹ tiến hành thêm 2 hoặc 3 chuyến bay như vậy nữa thì Trung Quốc sẽ buộc phải có hành động. Nếu Trung Quốc chỉ phản ứng bằng lời thì điều này thật nhục nhã” – Giáo sư Sun Zhe, tại Trung tâm quan hệ Mỹ - Nhật thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh tuyên bố. 
Một số chuyên gia cho rằng, động thái thành lập vùng phòng không mới của Trung Quốc là nhằm làm suy yếu các tuyên bố về quyền kiểm soát đối với khu vực của Tokyo, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, ông Brad Glosserman – Giám đốc điều hành CSIS – cho rằng, hành động của Trung Quốc có thể phản tác dụng. “Đây là sự xác nhận quan điểm đen tối hơn của Trung Quốc tại châu Á. Người Trung Quốc lại một lần nữa đẩy Mỹ tới gần Nhật Bản hơn cũng như Hàn Quốc tới gần quan điểm của Nhật Bản hơn” – ông Glosserman nhận định. 
Trong một động thái có liên quan, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đưa tin, Tokyo đang xem xét mở rộng khu vực nhận dạng phòng không của nước này ở Thái Bình Dương. Theo tờ báo này, mặc dù đảo Ogasawara trước đây được cho là không có nguy cơ bị nước ngoài xâm lấn nhưng các hành vi của Trung Quốc đã dấy lên các cuộc tranh luận giữa các quan chức thuộc đảng cầm quyền, theo đó yêu cầu đưa đảo này vào vùng phòng không của Nhật Bản. Ngoài ra, tờ báo cũng cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật cũng đang cân nhắc đặt các máy bay chiến đấu tại các căn cứ ở khu vực này.