Mỹ: Việc làm vẫn là thách thức lớn nhất với người khuyết tật

(PLO) - Theo bà Helena Berger - Chủ tịch kiêm CEO của Hội Người khuyết tật Mỹ (AAPD), Mỹ đã đạt được rất nhiều  tiến bộ trong việc đảm bảo quyền của người khuyết tật. Tuy nhiên, mục tiêu tự chủ về kinh tế đến nay vẫn chưa thực hiện được nhiều.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại cuộc nói chuyện về chủ đề “Quyền của người khuyết tật Mỹ: những tiến bộ và thách thức” mới đây, bà Berger cho biết, năm 1990, Mỹ đã thông qua Luật Người khuyết tật. Luật đặt ra 4 mục tiêu, bao gồm cơ hội bình đẳng, sự tham gia đầy đủ, sống tự lập và tự chủ về mặt kinh tế.

Qua 28 năm thi hành luật, đến nay Mỹ đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong việc đảm bảo quyền của người khuyết tật, nhất là trong hai mục tiêu đầu tiên. Song, mục tiêu tự chủ về kinh tế tức mục tiêu việc làm cho người khuyết tật vẫn chưa thực hiện được nhiều. Đây vẫn là một trong những thách thức lớn nhất đặt ra đối với người khuyết tật Mỹ.

“Theo số liệu mới nhất vào tháng 7/2018, tỷ lệ người khuyết tật tham gia thị trường lao động ở Mỹ là 20% trong khi tỷ lệ tham gia thị trường lao động của những người không khuyết tật là 69%. Ở một vế khác, tỷ lệ thất nghiệp của người khuyết tật là 6,5%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở những người không khuyết tật là 3,9%”, bà Berger cho hay.

Theo Chủ tịch Hội Người khuyết tật Mỹ, những rào cản thái độ trong xã hội đã ngăn cản việc làm với người khuyết tật. Bà Berger cho rằng, rất khác với các rào cản về mặt vật lý cũng như rào cản về mặt hệ thống, những rào cản về mặt thái độ không dễ dàng vượt qua, khắc phục được thông qua các văn bản quy phạm pháp luật và chính những rào cản về thái độ như vậy đã dẫn đến phân biệt đối xử đối với người khuyết tật.

“Cách tốt nhất để có thể xóa bỏ những rào cản như vậy là việc làm quen, có nghĩa là để người khuyết tật và người không khuyết tật cùng giao lưu cùng làm việc với nhau, lâu dần họ sẽ quen, tôn trọng lẫn nhau”, bà Berger nhận định. 

Bà Berger cũng cho biết, hiện nay ở Mỹ, khi một người được nhận những sự trợ giúp từ chính phủ thì họ phải nằm trong ngưỡng thu nhập và tài sản nhất định nào đó, nếu vượt quá thì họ sẽ không được hưởng hỗ trợ. Đây cũng là một trong những rào cản đặt ra đối với người khuyết tật vì điều này có nghĩa là người khuyết tật phải đứng trước sự lựa chọn hoặc tiếp tục không làm việc để được hưởng phúc lợi mà chính phủ dành cho mình hoặc đi làm để có mức thu nhập mà nếu vượt qua ngưỡng nhất định nào đó thì họ sẽ không được hưởng sự trợ cấp nữa. “Nhiều người đã lựa chọn phương án thứ nhất, tức là chỉ ở nhà để nhận phúc lợi”, bà cho biết.

Theo bà Berger, Hội Người khuyết tật Mỹ đã đưa ra chỉ số về công bằng liên quan đến người khuyết tật “DEI”. Đây là bộ công cụ hỗ trợ tiêu chuẩn mang tính chất toàn diện, đã được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và những người vận động vì quyền của người khuyết tật cùng nhau xây dựng để giúp các doanh nghiệp lớn ở Mỹ có thể đánh giá mức độ thúc đẩy sự hòa nhập cũng như bao trùm trong tự chủ cuộc sống của người khuyết tật của doanh nghiệp. Theo báo cáo, trong năm 2018 có 145 doanh nghiệp Mỹ tham gia khảo sát, tăng 32% so với năm ngoái. Các doanh nghiệp này đã tuyển dụng và tạo việc làm cho khoảng 7,8 triệu người trên toàn cầu.

“Nhiều doanh nghiệp Mỹ hiện nay đã nhận thấy những người khuyết tật chính là những thành viên cực kỳ quan trọng mà họ chưa khai thác hết vì chính những người khuyết tật này sẽ mang đến cho họ những giải pháp mang tính chất đổi mới và sáng tạo, giúp cho doanh nghiệp của họ có thể giải quyết tốt hơn các vấn đề của mình. Những doanh nghiệp này cũng đã nhận thấy việc hòa nhập người khuyết tật không chỉ là một việc làm đúng đắn mà họ cần làm mà còn là cơ hội để họ cải thiện kết quả kinh doanh của mình”, bà Berger cho hay.

Theo bà Berger, những thách thức khác ở Mỹ hiện nay đối với người khuyết tật bao gồm những loại giao thông mới chưa tiếp cận đối với người khuyết tật; làm thế nào để người khuyết tật có thể tiếp cận dễ dàng với vấn đề nhà ở; tăng tỉ lệ sinh viên người khuyết tật tại các trường đại học và cao đẳng; đảm bảo quyền của những bậc cha mẹ là những người khuyết tật…

“Quyền của người khuyết tật cũng là dân quyền và muốn thúc đẩy dân quyền thì cần phải có sự thay đổi trong xã hội. Rất tiếc là những thay đổi đó không thể sinh ra một sớm một chiều mà cần phải có thời gian và không có một sự thay đổi nào trong xã hội xuất phát duy nhất từ hành động và biện pháp của chính phủ mà những sự thay đổi trong xã hội. Như vậy phải xuất phát từ sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng thì mới tạo ra những thay đổi trong xã hội”, bà Berger nói. 

Bà Berger đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật hòa đồng với xã hội, đảm quyền bình đẳng trong các lĩnh vực. Thăm Việt Nam lần này, bà tập trung vào các hoạt động tăng cường khả năng kết nối giữa các tổ chức vì quyền của người khuyết tật ở Mỹ với các tổ chức vì quyền của người khuyết tật ở Việt Nam, tạo cơ hội huy động nguồn lực, chia sẻ các thông lệ tốt nhất vì một cuộc sống tốt hơn cho người khuyết tật ở cả 2 nước.

Đọc thêm