Myanmar: Thách thức cho tân Tổng thống

(PLO) - Ngày 15/3, Quốc hội Myanmar - với 360 phiếu thuận trên tổng số 652 phiếu - đã lựa chọn ông Htin Kyaw, một thành viên của đảng Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ (NLD) làm Tổng thống.
Tân Tổng thống Htin Kyaw rời Quốc hội ở Naypyidaw sau khi đắc cử ngày 15/3.
Tân Tổng thống Htin Kyaw rời Quốc hội ở Naypyidaw sau khi đắc cử ngày 15/3.

Như vậy, ông Htin Kyaw là vị tổng thống lần đầu tiên được bầu một cách dân chủ tại quốc gia này kể từ năm 1962. 

Câu hỏi về quyền lực

Ông Htin Kyaw, một thân tín và có mối quan hệ lâu năm với thủ lĩnh dân chủ - nhà lãnh đạo NLD Aung San Suu Kyi - sẽ bắt đầu nhiệm kỳ vào ngày 1/4, song nhiều người đang đặt câu hỏi về quyền lực thực sự mà ông sẽ có được cũng như còn nhiều thách thức to lớn đặt ra trước mặt ông. 

Trên thực tế, mọi người đều hiểu - và cũng đúng như những gì chủ nhân giải Noel Hòa bình, bà Suu Kyi từng tuyên bố - rằng quyền lãnh đạo đất nước nằm trong tay bà. Bà là một chính trị gia rất được lòng người dân Myanmar và từng bị chính quyền quân đội quản thúc tại gia trong suốt nhiều năm nhưng chưa bao giờ từ bỏ cuộc đấu tranh vì dân chủ của mình. Tuy nhiên, theo Hiến pháp Myanmar (do quân đội soạn thảo), bà không thể trở thành tổng thống của quốc gia Đông Nam Á này do có chồng và con trai mang quốc tịch nước ngoài. Bà từng tuyên bố cho dù ai ngồi vào chiếc ghế tổng thống thì người đó cũng sẽ phải phục tùng mệnh lệnh và chịu sự chỉ đạo của bà. 

Nhiều chuyên gia cho rằng việc bà Suu Kyi mới là người nắm thực quyền có thể sẽ luôn “làm nóng” chiếc ghế tổng thống của ông Htin Kyaw, và khiến đây trở thành điểm yếu dễ bị những tướng lĩnh quân đội muốn khôi phục quyền lực lợi dụng. Mặc dù trên danh nghĩa là người đứng đầu đất nước song ông Htin Kyaw sẽ chỉ có rất ít quyền hạn trong việc đưa ra các quyết sách cụ thể, mặc dù Quốc hội hiện do NLD kiểm soát. Nhiều người thậm chí còn cảnh báo nguy cơ nhiều chính quyền và lãnh đạo nước ngoài sẽ phớt lờ ông và trực tiếp liên hệ với bà Suu Kyi, gián tiếp gạt nhà lãnh đạo này ra ngoài lề. 

Tuy nhiên, ông Htin Kyaw vẫn sẽ được nhắc đến trong lịch sử là tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar, người đứng đầu chính quyền lần đầu tiên được xây dựng từ các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Bà Suu Kyi không đưa ra bất kỳ bình luận nào về kết quả các cuộc bầu cử. Ông Htin Kyaw nói: “Đây là chiến thắng của tất cả người dân chúng ta”. Ứng cử viên của quân đội cho chức vụ tổng thống, Tướng Myint Swe, Thủ hiến khu vực Yangon, về nhì trong cuộc đua gồm 3 ứng cử viên, và sẽ trở thành Phó Tổng thống thứ nhất. Thiếu tướng hồi hưu này vẫn có tên trong sổ đen của chính phủ Mỹ, và các công dân Mỹ bị cấm làm ăn với ông. Ông Henry Van Thio thuộc đảng NLD, là một tín đồ Kitô giáo đến từ bang Chin, về thứ ba trong cuộc biểu quyết ngày 15/3 và sẽ trở thành Phó Tổng thống thứ hai. Tân chính phủ sẽ lên nắm quyền vào ngày 1/4/2016.

Chia rẽ

Quan hệ giữa lực lượng quân đội và bà Suu Kyi sẽ quyết định việc Myanmar có thực sự thoát khỏi quyền kiểm soát của quân đội hay không - tiến trình quan trọng nhất của nước này - kể từ khi quân đội nắm quyền từ năm 1962, dù Hiến pháp Myanmar ngăn bà được giữ vị trí tổng thống. 

Nhà lãnh đạo dân chủ cho biết bà sẽ điều hành đất nước cho dù có người khác làm tổng thống, và sự lựa chọn của bà được Quốc hội ủng hộ bởi đảng NLD của bà đang nắm đa số ghế sau chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2015. 

Đại tướng Than Soe - thành viên trong Ủy ban Quốc hội được thành lập để xét lý lịch các ứng cử viên - đã bỏ phiếu trắng cho ông Htin Kyaw bởi ông này không phải là một nghị sĩ đắc cử, dù Hiến pháp không quy định ứng cử viên phải là nhà lập pháp. Theo Chủ tịch Quốc hội Mahn Win Khaing Than, Đại tướng Than Soe phản đối ông Henry Van Thio bởi quân đội cần thời gian để xét xem liệu việc ông sống ở nước ngoài có khiến ông bị loại khỏi danh sách ứng cử hay không. 

Các nhà lập pháp NLD cũng bí mật cho biết, việc quân đội lựa chọn ứng cử viên Myint Swe đã đi ngược lại tinh thần tái hòa giải mà bà Suu Kyi đang tìm kiếm thúc đẩy. Trong chính quyền quân đội, ông Myint Swe là người đứng đầu bộ máy tình báo quân đội và đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.

Trong bình luận công khai đầu tiên kể từ khi ông Myint Swe được chọn là ứng cử viên, khi trả lời câu hỏi về cách thức quân đội lên kế hoạch để hợp tác với NLD, Thiếu tướng Tin San Naing, Người phát ngôn của quân đội trong Quốc hội, nói với hãng tin Reuters rằng bà Suu Kyi chỉ “giống như một người ngoại quốc”. Ông nhắc lại quan điểm phản đối của quân đội với bất kỳ thay đổi nào với Hiến pháp do chính quyền quân đội soạn thảo vốn ngăn cấm bà được giữ chức tổng thống bởi các con của bà là người Anh. Ông Tin San Naing nói: “Bà Suu Kyi không đủ tiêu chuẩn cho chức tổng thống theo Hiến Pháp, bởi bà có liên hệ với nước ngoài. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia. Việc sửa đổi Hiến pháp là không thể xảy ra”. 

Tiến sĩ Zaw Myint Maung, Phát ngôn viên của NLD và là lãnh đạo cấp cao của đảng, đã phản đối bình luận trên và nhấn mạnh rằng, cha của bà Suu Kyi, ông Aung San là người sáng lập quân đội quốc gia thời hiện đại. Phát biểu với Reuters, ông nói: “Tướng Aung San là “cha đẻ” của quân đội. Bà Aung San Suu Kyi là con ruột của hai công dân Miến Điện. Thật đáng buồn khi họ nói rằng bà là người ngoại quốc”. 

Gánh nặng thách thức

NLD và nhất là bà Suu Kyi bắt đầu nổi tiếng trên chính trường vào năm 1988, khi các cuộc nổi dậy của người dân chống lại lực lượng quân đội cầm quyền độc đoán sau cuộc đảo chính năm 1962. Sau khi đàn áp cuộc nổi dậy và khiến hàng nghìn người thiệt mạng, giới tướng lĩnh quân đội đã áp đặt hình thức quản thúc tại gia đối với bà Suu Kyi từ năm 1989. Quân đội đã tổ chức một cuộc bầu cử vào năm 1990 và NLD khi đó đã giành chiến thắng áp đảo. Tuy nhiên, các tướng lĩnh quân đội đã phớt lờ kết quả và tiếp tục nắm quyền. 

Một năm sau, bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình và đây cũng là khoảng thời gian ông Htin Kyaw - một nhà lập trình máy tính - bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình. Bố vợ của ông Htin Kyaw là một nhà lãnh đạo nổi tiếng của NLD và vợ của ông cũng là thành viên của đảng này. Ông Htin Kyaw quen biết bà Suu Kyi từ thời tiểu học, và sau này đã trở thành cố vấn các vấn đề đối ngoại cho thủ lĩnh dân chủ Myanmar.

Hãng tin AP dẫn lời nhà lập pháp Tun Win của đảng Dân tộc Arakan nói: “Chúng tôi rất hài lòng với kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Ông ấy xứng đáng trở thành người lãnh đạo. Tôi hy vọng ông ấy có thể đem lại hòa bình, ổn định, công bằng và đảm bảo luật pháp cho đất nước”. Hnin Htet, một nhà lập pháp mới và là con gái của một cựu tù nhân chính trị, nói: “Tôi rất vui mừng cho ông, cho đảng của chúng tôi, cho nhân dân và đất nước chúng tôi”.

Mỹ cũng đã nhanh chóng chúc mừng tân Tổng thống Htin Kyaw. Hãng tin AP dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest nói rằng cuộc bầu cử đánh dấu “bước quan trọng khác tiến tới quá trình chuyển giao dân chủ tại Myanmar”. Ông Earnest cho rằng chính quyền dân sự vừa được bầu một cách dân chủ và quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình là “thời khắc đặc biệt quan trọng” trong lịch sử Myanmar, đồng thời kêu gọi quốc gia này tiến hành đồng bộ thêm các cải cách dân chủ. Tuy nhiên, Đài TNHK dẫn lời một quan chức Nhà Trắng bày tỏ lo ngại “về việc một số điều khoản trong Hiến pháp Myanmar đi ngược lại những nguyên tắc dân chủ căn bản, cản trở người dân Myanmar, không cho họ bầu cho những nhà lãnh đạo mà họ chọn lựa”.

Trên thực tế, thách thức với tân tổng thống vẫn chưa hề nhẹ vì quân đội Myanmar vẫn duy trì nhiều quyền lực trong chính quyền bởi họ nghiễm nhiên được sở hữu 25% số ghế Quốc hội và đang nắm giữ nhiều chức vụ chủ chốt trong nội các. Một quan chức quân đội giấu tên thừa nhận, sau khi NLD thành lập chính phủ, quân đội chắc chắn sẽ phải làm việc với họ. Tuy nhiên, nhiều thành viên NLD vẫn lo ngại về ảnh hưởng của giới tướng lĩnh và thực tế nhiều lợi ích nhóm tồn tại ở quốc gia này sẽ khiến vấn nạn bè phái và tham nhũng tiếp tục là thách thức đối với Myanmar. 

Nội các mới, dự kiến được thành lập vào cuối tháng 3 này, sẽ bao gồm các nhân vật tới từ mọi đảng phái chính trị bởi bà Suu Kyi từng thể hiện rõ ý định muốn thúc đẩy hòa giải dân tộc. Nội các mới sẽ đối mặt với nhiều thách thức, từ hạ tầng cơ sở xuống cấp, đói nghèo cho tới xung đột và mâu thuẫn sắc tộc, nhất là tại các khu vực biên giới nơi có nhiều cộng đồng thiểu số sinh sống. Tuy nhiên, có lẽ trọng trách quan trọng nhất mà tân nội các phải xử lý là hài hòa mối quan hệ với giới tướng lĩnh quân đội, lực lượng đang có rất nhiều ảnh hưởng trong các bộ phụ trách các vấn đề then chốt như nhà ở, quốc phòng và biên giới.../.

Đọc thêm