Nawaz Sharif bị hạ bệ - 'Bão' sẽ nổi?

(PLO) - Việc Tòa án Tối cao Pakistan đình chỉ chức vụ của Thủ tướng Nawaz Sharif, buộc ông phải từ nhiệm và đề cử em ruột lên thay thế đã nhanh chóng tạo nên một “cơn bão” dư luận. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là việc hạ bệ  này có tác động như thế nào tới chính trường Pakistan và tiềm ẩn những rủi ro gì?
Ông Nawaz Sharif
Ông Nawaz Sharif

Ngày 31/7, đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) cầm quyền đã lựa chọn ông Shahbaz Sharif - Tỉnh trưởng Punjab, em trai cựu Thủ tướng Sharif - làm ứng cử viên Thủ tướng mới của Pakistan; chỉ định cựu Bộ trưởng Dầu khí Shahid Khaqan Abbasi làm Thủ tướng lâm thời.

Những lộ trình

Hãng tin AFP nhận định, việc Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif buộc phải từ chức để lại một “lỗ hổng” quyền lực lớn tại quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân này, song nhiều nhà phân tích cho rằng tình hình trong dài hạn không có gì bất ổn. 

Chuyên gia Michael Kugelman, hiện đang làm việc tại Trung tâm Wilson, được AFP dẫn lời nhận định: “Tại một quốc gia dễ bất ổn như Pakistan, có nhiều lý do để người ta lo ngại về những nguy cơ nảy sinh sau khi Thủ tướng từ nhiệm… Tuy nhiên, tôi cho rằng mọi chuyện sẽ sớm bình ổn trở lại, một người kế nhiệm sẽ được lựa chọn và chính phủ sẽ tiếp tục nhiệm kỳ của mình”. Nhà phân tích chính trị Hasan Askari cho rằng, với bối cảnh Quốc hội hiện tại của Pakistan, chính phủ sẽ không có nhiều xáo trộn cho dù Tòa án Tối cao có phế truất một thủ tướng dân cử. Hiện PML-N cũng đang nắm thế đa số tại Quốc hội. 

Theo Tân Hoa xã, mặc dù việc ông Nawaz Sharif buộc phải từ chức chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực tới các chính sách đối nội và đối ngoại mà ông theo đuổi, song việc chuyển giao quyền lực cho em trai mình sẽ giúp ông đảm bảo việc tiếp nối các chính sách này, kể cả cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. 

Các cuộc tổng tuyển cử tại Pakistan sẽ diễn ra vào năm tới, và câu hỏi đặt ra là liệu các đảng phái đối lập tại Pakistan có đủ sức tận dụng cơ hội này hay không. Thủ lĩnh đối lập Imran Khan nhanh chóng nhấn mạnh các khẩu hiệu chống tham nhũng của đảng mình và chỉ trích kế hoạch chuyển giao quyền lực cho em trai của ông Sharif. Tuy nhiên, thực tế là đảng Tehreek-e-Insaf (PTI), nắm quyền kiểm soát 1 trong 4 tỉnh của Pakistan, cho tới nay vẫn chưa thể khiến mình thành một chính đảng dân tộc. Ông Askari cho rằng dù PTI có thể sẽ thu được danh tiếng sau khi ông Sharif bị hạ bệ, song đảng này sẽ chỉ được lợi từ các cuộc bầu cử sớm, khi dư luận vẫn đứng về phía họ. Tuy nhiên, khả năng tổ chức bầu cử sớm là khó xảy ra bởi Quốc hội do PML-N kiểm soát có thể sẽ giữ kế hoạch bầu cử theo đúng lịch trình. 

Tân Hoa xã cho rằng với thế đa số mà PML-N đang nắm giữ trong Quốc hội Pakistan, ông Shahbaz Sharif sẽ không vấp phải thách thức nghiêm trọng nào từ phía các đảng phái đối lập; tuy nhiên, cựu Thượng Nghị sỹ, nhà phân tích chính trị Arasiab Khattak cho rằng quyết định miễn nhiệm thủ tướng là một điều đáng tiếc bởi đã khiến hệ thống chính trị bị gián đoạn và có thể dẫn tới bất ổn. “Các vấn đề chính trị cần phải được giải quyết bằng con đường chính trị chứ không phải thông qua tòa án. Đó là một cách hành xử không lành mạnh”. Ông cho rằng với thế đa số tại Quốc hội và sự ủng hộ mạnh mẽ của các cử tri ở Punjab, anh em nhà Sharif chắc chắn sẽ không từ bỏ và càng củng cố hơn quyền lực chính trị của mình. 

Shahbaz Sharif - Tỉnh trưởng Punjab, em trai ông Nawaz Sharif – thay anh làm Thủ tướng
Shahbaz Sharif - Tỉnh trưởng Punjab, em trai ông Nawaz Sharif – thay anh làm Thủ tướng

Tiền lệ nguy hiểm

Nhưng tờ Washington Post bình luận về sự kiện này lại chạy dòng tít: “Vì sao việc Sharif từ nhiệm lại là hiểm nguy đối với Pakistan”. 

Theo tác giả bài viết, nhà báo kỳ cựu Barkha Dutt, hiện đang làm việc tại New Delhi, sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2013, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif đã nói những điều mà chưa một nhà lãnh đạo Pakistan nào từng dám đề cập đến. Ông nhấn mạnh: “Quyền dân sự phải lớn hơn quân đội… Thủ tướng là lãnh đạo, chứ không phải tướng lĩnh. Đó là điều mà Hiến pháp quy định. Chúng ta đều phải sống trong khuôn khổ Hiến pháp”. 

Theo nhà báo Dutt, ông Sharif dường như đang phải trả giá cho việc tìm cách khôi phục và củng cố quyền lực. Ông Sharif cũng thúc đẩy một chính sách đối ngoại với mục tiêu không có lợi cho giới an ninh Pakistan nhiều ảnh hưởng, vốn thường xuyên lợi dụng các nhóm khủng bố để gây bất ổn và chống lại Ấn Độ và Afghanistan. Có thể nói chính sách của ông Sharif, nhất là chính sách đối với Ấn Độ của ông, là một trong những nguyên nhân khiến ông trở thành cái gai trong mắt giới tướng lĩnh. 

Thực tế, phán quyết của Tòa án Tối cao có thể hủy hoại nền dân chủ của Pakistan và cho phép quân đội âm thầm thâu tóm quyền lực. Tòa án Tối cao thậm chí còn không cho ông Sharif có cơ hội điều trần trong một phiên tòa pháp lý, trong khi lại chấp nhận những bằng chứng từ một ban điều tra, với 2 trong số 6 thành viên thuộc giới quân đội vốn luôn muốn lật đổ ông.

Cựu Đại sứ Pakistan tại Mỹ Husain Haqqani còn cho rằng “đây là một vụ đảo chính pháp lý”: “Nếu đó là vấn đề về tham nhũng, họ phải tổ chức một phiên tòa, chứ không phải là Tòa án Hiến pháp trực tiếp can thiệp. Tòa án Hiến pháp chỉ có quyền đưa ra phán quyết về các tội ác. Quân đội Pakistan biết rõ những khó khăn nếu đảo chính quân sự, bởi vậy, những thế lực ngầm đang tìm cách lợi dụng tòa án”. Tòa án Hiến pháp Pakistan cũng từng nhiều lần phê chuẩn các cuộc đảo chính quân sự, nhấn mạnh điều mà họ gọi là “sự cần thiết”.       

Theo Washington Post, những đối thủ của ông Sharif có thể vui mừng khi ông buộc phải từ chức, song họ cần hiểu rằng phán quyết vừa qua chính là một tiền lệ vô cùng nguy hiểm...