Nga – Anh: Quan hệ thăng trầm nhiều thập kỷ

(PLO) - Vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal tiếp tục khiến quan hệ giữa Anh và Nga leo thang căng thẳng, ngày 14/3, sau những lời cảnh báo, Thủ tướng Theresa May đã chính thức trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh và đình chỉ hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga.
Mối quan hệ Nga - Anh từ lâu đã rơi vào tình trạng tương đối căng thẳng
Mối quan hệ Nga - Anh từ lâu đã rơi vào tình trạng tương đối căng thẳng

Tuyên bố trên được Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra tại Quốc hội ngày 14/3/2018. Theo đó, những nhà ngoại giao bị trục xuất sẽ có một tuần để rời khỏi nước Anh. Đồng thời, Anh sẽ đình chỉ hoạt động tiếp xúc song phương cấp cao với Nga và rút lại lời mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới thăm Anh. 

Căng thẳng quan hệ song phương

Phát biểu trước Quốc hội, bà May cho rằng, vụ trục xuất lớn nhất khỏi Anh trong vòng 30 năm qua sẽ làm giảm các khả năng tình báo của Nga tại Anh trong những năm tới. Nữ Thủ tướng còn nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ đóng băng những tài sản nhà nước Nga tại bất cứ đâu mà chúng tôi có bằng chứng rằng những tài sản này có thể được sử dụng để đe dọa cuộc sống hoặc tài sản của công dân Anh hoặc những người dân tại đây".

Trước quyết định trên của London, Bộ Ngoại giao Nga đã ra thông cáo chỉ trích động thái này của Anh khi cho rằng London đã lựa chọn đối đầu thay vì hợp tác. Thông cáo nói, quyết định của Anh nhằm trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga là "hành động khiêu khích chưa từng có". Trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News, Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko nói: “Chắc chắn sẽ có biện pháp trục xuất nhà ngoại giao (Anh). Quý vị cũng hiểu rằng theo thông lệ ngoại giao, phía Nga sẽ có phản hồi”.

Ngày 14/3/2018, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Valentina Matvienko cho rằng, việc London cáo buộc Moskva đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng những động thái nhằm vào Nga của Anh là "hành động khiêu khích". Theo đó, Nga nên có các hành động đáp trả "cứng rắn, nhanh chóng và tương xứng".

Thủ tướng Theresa May tuyên bố trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh
Thủ tướng Theresa May tuyên bố trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh

Trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 14/3, đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cũng khẳng định những nghi ngờ của Anh là "hoàn toàn không thể chấp nhận", đồng thời yêu cầu London đưa ra bằng chứng xác đáng. Ông khẳng định không thể cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc trên một cách vô căn cứ.

Liên quan đến vụ việc, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết vụ đầu độc bằng chất độc thần kinh là "không thể chấp nhận được" và kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra toàn diện. Người phát ngôn chính phủ Pháp Benjamin Griveaux cho biết, hiện vẫn quá sớm để Paris quyết định đưa ra phản ứng về vụ trên. Ông Griveaux cho biết Pháp đang đợi có bằng chứng cụ thể trước khi quyết định liệu có đưa ra bất kỳ biện pháp đáp trả nào cùng "đồng minh chiến lược" London.

Về phía Đức, Thủ tướng Angela Merkel cho biết Liên minh châu Âu (EU) có lập trường chung trong vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal. EU coi những cáo buộc của London là nghiêm túc, song cho rằng nên tiếp tục duy trì liên lạc và đối thoại với Moskva để giải quyết những bất đồng giữa hai bên.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, ông Mã Triều Húc tuyên bố Bắc Kinh hy vọng các bên liên quan sẽ tiến hành một cuộc điều tra toàn diện dựa trên thực tế và phù hợp với quy định quốc tế để có thể đi đến một kết luận dựa trên bằng chứng xác thực có thể được kiểm chứng. 

Căng thẳng giữa Anh và Nga xoay quanh cái chết của ông Skripal đã kéo dài nhiều ngày qua. Năm 2004, ông Skripal bị Cơ quan an ninh liên bang Nga bắt giữ và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội phản bội tổ quốc, đồng thời bị tước bỏ mọi chức vụ và danh hiệu. 6 năm sau, điệp viên hai mang này được trao cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi điệp viên. Ngày 4/3 vừa qua, ông Skripal và con gái Yulia được tìm thấy trong trạng thái bất tỉnh trên một chiếc ghế trong công việc tại thành phố Salisbury, Tây Nam nước Anh. Hiện hai người đang được điều trị trong bệnh viện và trong tình trạng nguy kịch.

Nốt trầm trong nhiều thập kỷ

Mối quan hệ Nga - Anh từ lâu, đã rơi vào tình trạng tương đối căng thẳng. Sự xuống cấp quan hệ giữa hai nước này diễn ra sau cái chết của sỹ quan Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Aleksandr Litvinenko hồi năm 2006 ở London. Scotland-Yard đã kết luận rằng Litvinenko bị chết sau khi sử dụng một lượng đáng kể các chất phóng xạ hiếm với tên gọi “Polonium-210” cùng với thức ăn.

Trong vụ này, Chính quyền Anh đã buộc tội công dân người Nga Dmitry Kovtun và Andrey Lugovoi. Cả hai người này đều rời Anh và Chính quyền Nga đã từ chối dẫn độ họ quay trở lại Anh. Chính vụ việc này đã làm mối quan hệ London-Moskva trở nên tồi tệ.

Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko

Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko

Ngoài ra, Anh với tư cách là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cũng đã áp đặt các lệnh cấm vận nhằm vào Nga liên quan đến vấn đề Crimea. Tuy nhiên, sau khi nước này rút ra khỏi EU thì các hành động này sẽ bị bãi bỏ, nhưng điều này cũng không có nghĩa là Anh sẽ không áp đặt trừng phạt riêng chống Nga.

Về vụ việc trên, phía Anh cho rằng nếu bất cứ bằng chứng nào cho thấy việc bất tỉnh kỳ lạ của hai cha con ông Sergei Skripal liên quan đến Nga thì sẽ đẩy quan hệ giữa hai nước sang một giai đoạn xấu chưa từng có trong quan hệ song phương kể từ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên phía Nga kịch liệt phản bác giả thiết này. 

Tờ Thời báo dẫn nguồn tin từ các cơ quan đặc nhiệm đưa tin, Chính phủ Anh cũng có kế hoạch thảo luận với Mỹ và các đồng minh ở châu Âu về khả năng tẩy chay World Cup 2018 tại Nga vào mùa hè này. Theo tờ báo, trong trường hợp tìm ra "dấu vết Nga" trong vụ án này, một phản ứng phối hợp bao gồm các biện pháp ngoại giao, kinh tế và quân sự sẽ được chính phủ Anh đưa ra. Ngoài Anh, một số nước khác như Ba Lan, Áo và Nhật Bản cũng có thể từ chối tham gia World Cup 2018.

Những cảnh báo về các hành động đáp trả mạnh mẽ này được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Anh Theresa May cho rằng "rất có thể" Nga là nước chịu trách nhiệm cho vụ việc. Bà cáo buộc cuộc tấn công là một hành động “khiêu chiến” trực tiếp của Nga đối với Anh, hoặc chính phủ Nga đã bất lực trong việc kiểm soát chất độc thần kinh, cho phép nó rơi vào tay những kẻ khác. 

Về phía Nga, ngay lập tức phản bác cáo buộc của Anh, cho rằng lời buộc tội này chỉ là “vở kịch” và là sự khiêu khích của Anh, còn Đại sứ quán Nga tại London thì cho rằng Anh đang chơi “trò chơi nguy hiểm” khi dường như đã mặc định Nga dính líu tới vụ việc. Phía Nga đến nay vẫn cho rằng không thể lấy việc quân đội Nga sở hữu độc dược nguy hiểm Novichok làm cơ sở để khẳng định Nga đứng sau vụ việc ông Skripal và con gái đã bị đầu độc. Điện Kremlin khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác với Anh để điều tra vụ việc. 

Tuy nhiên, bất chấp tình hình quan hệ chính trị căng thẳng nhưng mối quan hệ kinh tế giữa hai nước này hoàn toàn không tệ như vậy và thậm chí còn có tín hiệu lạc quan. Năm 2017, kim ngạch thương mại Nga-Anh đạt hơn 12 tỷ USD, tăng khoảng 22,75% so với năm 2016. Tại Anh cũng có sự hoạt động kinh doanh của các doanh nhân và nhiều công ty tài chính của Nga.

Tờ Financial Times nhận định rằng mặc dù quan hệ chính trị với Moskva trở nên xấu, song Anh “đã nỗ lực làm tất cả để không làm ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế”. Báo này cho rằng trong trường hợp Anh đổ lỗi vụ việc lần này cho Nga thì quan hệ tài chính giữa hai nước có thể xuống cấp nghiêm trọng. 

Với những cáo buộc mạnh mẽ từ phía Anh cùng phản ứng đáp trả cũng khá gay gắt từ Nga đã cho thấy cuộc khủng hoảng ngoại giao Anh-Nga có thể sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Đọc thêm