Nga 'chảy máu' phi công sang châu Á?

(PLO) - Các hãng hàng không của Nga đang rất lo ngại về tình trạng “chảy máu” phi công sang châu Á, với thực tế là trong 2 năm rưỡi qua, hơn 300 cơ trưởng và phi công Nga đã chuyển sang làm việc cho các hàng hàng không châu Á. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong đó, gần 100 người làm việc tại Trung Quốc, 400 người khác đang trong quá trình tìm việc tại thị trường này. Tình trạng này đã buộc một số hãng hàng không Nga như VIM-Avia phải cắt giảm chương trình bay hoặc thuê phi công nước ngoài. 

Lương thấp?

Theo Bộ Vận tải Nga, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ khoảng cách quá lớn về lương bổng trong bối cảnh đồng ruble Nga mất giá. 300 phi công này đều là những phi công có kinh nghiệm, giỏi tiếng Anh, gồm cả các cơ trưởng và cơ trưởng hướng dẫn.

Hãng VIM-Avia đã mất cùng lúc 12 cơ trưởng và buộc phải cắt giảm số chuyến bay của mình. Hãng này cho biết phi công của mình đã chuyển sang làm việc tại Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Nguyên nhân chính các nước châu Á đã “mời chào” bằng những điều kiện hết sức thuận lợi cho phi công và không có hạn ngạch hạn chế số phi công nước ngoài. 

Trung Quốc có 59 hãng hàng không và 218 sân bay, phục vụ hơn 1 tỷ lượt khách mỗi năm. Năm 2016 có 50.500 phi công, trong đó 25.200 là phi công lái thuê (tăng 2.300 người trong một năm). Theo số liệu của hãng sản xuất máy bay Mỹ Boeing, trong 20 năm tới, các hãng hàng không của Trung Quốc sẽ thu hút khoảng 5.500 phi công mỗi năm, tăng tổng số phi công tại nước này lên 111.000 người vào năm 2035. 

Trung Quốc: “Miền đất hứa”?

Nguồn tin trong một hãng tuyển dụng nước ngoài của tờ Kommersant cho biết tình trạng “chảy máu” phi công từ Nga trùng lặp với thực tế suy giảm lượng hành khách và chuyến bay của hãng hàng không Transaero vào mùa thu năm 2015, khi hơn 10.000 người xin thôi việc tại hãng. Cũng theo nguồn tin này, Trung Quốc hấp dẫn các phi công bằng mức lương cao hơn tới 4 lần mức lương tại Nga, lên tới 17-25.000 USD/tháng, thời gian bay – 80 giờ so với 90 giờ/tháng tại Nga, ít nhất 96 ngày nghỉ so với 70 ngày tại Nga.

Từ năm 2016, Trung Quốc còn đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép hành nghề cho phi công. Đối tượng thu hút chính của Trung Quốc là các cơ trưởng có số giờ bay từ 2.500 giờ trở lên. Hiện có khoảng 100 phi công và cơ trưởng Nga đang làm việc tại Trung Quốc, 100 người khác đang trong quá trình ký hợp đồng lao động. 

Ngay cả hãng hàng không lớn nhất Nga là Aeroflot cũng xác nhận đang thiếu hụt phi công do tình trạng “chảy máu” sang châu Á và Trung Quốc, nơi mức lương cao hơn từ 1,5 đến 2 lần đang chờ họ. Aeroflot đã tiến hành 5 lần tăng lương. Hiện mức lương cho phi công thứ hai của hãng đạt 320.000-350.000 ruble/tháng (hơn 6.000 USD), cơ trưởng thì vào khoảng 470.000 ruble, còn phi công hướng dẫn được nhận hơn 500.000 ruble. Tuy nhiên, hãng vẫn không thể giữ chân các phi công và hiện đang phải xin chỉ tiêu thuê thêm 40 phi công nước ngoài. 

Tình trạng “chảy máu” phi công không chỉ gây thiệt hại cho các hãng vận tải hàng không, mà còn cho cả nền kinh tế Nga nói chung, vì đa số các phi công đi làm việc tại nước ngoài đều được đào tạo bằng nguồn tiền nhà nước và họ không đóng lương hưu và bảo hiểm khác trong khi làm việc theo hợp đồng ngắn hạn với các hãng nước ngoài. 

Trong khi các hãng hàng không báo động về tình trạng này và đề nghị nâng tầm vấn đề từ cấp ngành lên cấp nhà nước, Bộ Vận tải Nga cho rằng “thực trạng không quy mô như vậy” và lý do chỉ là vì tỷ giá đồng ruble.

Tuy nhiên, hiện các đề xuất để ngăn “dòng chảy” phi công ra nước ngoài làm việc đang được thảo luận với Hiệp hội các nhà khai thác vận tải hàng không và sẽ được đưa ra thảo luận công khai trong thời gian tới đây. Trong lúc này, các hãng hàng không cũng đã tự đặt ra các rào cản trong phạm vi chức trách của mình, ví dụ như từ chối xác nhận giấy phép hành nghề của phi công với các hãng nước ngoài với giải thích là để bảo vệ thông tin cá nhân.