Nga: Vì sao cấm thủ lĩnh phe đối lập ra tranh cử?

(PLO) - Tòa án Tối cao LB Nga đã bác đơn khiếu nại của thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny, theo đó giữ nguyên quyết định của Ủy ban bầu cử trung ương Nga cấm ông Navalny tham gia cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 tới. Vì sao vậy?
Thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny
Thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny

Đại diện của ông Navalny, ông Ivan Zhdanov ngày 6/1 xác nhận Tòa án Tối cao Nga đã bác đơn khiếu nại của ông Navalny, giữ nguyên quyết định của Ủy ban bầu cử trung ương Nga không cho phép ông Navalny đăng ký tham gia chạy đua vào Điện Kremlin. Tuy nhiên, ông Zhdanov cho biết nhóm ủng hộ ông Navalny sẽ tiếp tục gửi đơn kháng cáo lên Tòa án Nhân quyền châu Âu. 

“Cái gai”

Trước đó, với 12 phiếu thuận và 1 phiếu trắng, Ủy ban bầu cử trung ương LB Nga ngày 25/12/2017 đã thông qua quyết định chính thức cấm thủ lĩnh phe đối lập Navalny tham gia cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3 tới vì không đủ tư cách. Theo Ủy ban bầu cử trung ương LB Nga, ông Navalny đã từng bị kết án 5 năm tù án treo vì phạm tội tham ô. Ngoài ra, trong năm ngoái, ông Navalny cũng đã bị bắt giữ 3 lần và bị kết án tù 30 ngày vì tổ chức biểu tình trái phép. 

Navalny, 41 tuổi, người bị cấm xuất hiện trên truyền hình quốc gia và thậm chí còn là cái tên mà Tổng thống Vladimir Putin không bao giờ nhắc đến công khai, đang hối thúc những người ủng hộ tiến hành một cuộc biểu tình trên quy mô cả nước vào ngày 28/1, coi đó là một phần chiến dịch tẩy chay cuộc bầu cử sắp tới.

Sau khi Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga từ chối công nhận ông đủ tư cách tham gia tranh cử do cáo buộc gian lận, nhà lãnh đạo đối lập này đã viết trên trang blog cá nhân: “Giờ đây đi bỏ phiếu đồng nghĩa với việc tiếp tay cho Putin để ông ta tái đắc cử dưới vỏ bọc của một sự kiện trông có vẻ như một cuộc bầu cử”. Trong một đoạn băng ghi hình, Navalny cho rằng Putin “sợ phải cạnh tranh với tôi”. 

Dù Navalny khó có khả năng giành chiến thắng song việc nhân vật này trở thành ứng cử viên trong cuộc bầu cử sắp tới cũng đủ để tạo ra những nguy cơ không nhỏ đối với Tổng thống Putin, 65 tuổi, người chuẩn bị trở thành nhà lãnh đạo Nga tại vị lâu nhất từ thời Josef Stalin. Evgeny Minchenko, cố vấn chính trị của chính quyền Moskva bình luận: “Việc để cho Navalny tham gia cuộc bầu cử là một bất lợi lớn… Ông ta sẽ dùng chiến dịch tranh cử để tấn công Putin và đội ngũ của ông ấy”. 

Dù cơ hội để Navalny trực tiếp đối đầu ông Putin trong vòng 2 cuộc bầu cử là bằng 0 song nếu trở thành ứng cử viên tổng thống và có số phiếu bầu tương đối, nhân vật này sẽ tạo ra không ít rắc rối. Mikhail Vinogradov, Giám đốc Quỹ Chính trị St. Petersburg bình luận: “Về lý thuyết, Navalny có thể về thứ hai trong cuộc bầu cử và đó là điều mà Kremlin không hề mong muốn”. 

Navalny đã là “cái gai” trong con mắt những người ủng hộ ông Putin từ cuộc bầu cử tổng thống trước. Cựu luật sư này là một trong những người tổ chức và dẫn đầu làn sóng biểu tình nhằm phản đối cuộc bầu cử bị cáo buộc là gian lận trong các năm 2011 và 2012. Navalny trở thành một “ứng cử viên” sáng giá vào năm 2013 sau khi ông giành được 27% số phiếu trong cuộc bầu cử thị trưởng Moskva, một kết quả gần đủ để thách thức đồng minh Sergei Sobyanin của ông Putin. 

Cuộc đua

Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò dư luận được Trung tâm Levada tiến hành hồi đầu tháng 12 vừa qua, ông Navalny có khả năng chỉ giành được 2% số phiếu của các cử tri dự định tham gia cuộc bầu cử vào tháng 3 tới, trong khi Tổng thống Putin có thể giành được tới 67%. Kết quả cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy hai chính trị gia là ông Vladimir Zhirinovsky có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và nhà lãnh đạo cộng sản Gennady Zyuganov, hai ứng cử viên có được lợi thế mà ông Navalny không có là thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, mỗi người sẽ giành được 4% số phiếu bầu. 

Nhà phân tích Boris Makarenko, hiện đang làm việc tại Trung tâm Khoa học Chính trị, nhận định: “Việc bị cấm tham gia tranh cử thực tế lại là điều tốt đối với Navalny”. Theo ông Makarenko, dù có một lượng đáng kể người ủng hộ song Navalny đã phải rất chật vật xây dựng các liên minh chính trị cần thiết đủ để gây tiếng vang trong các cuộc bầu cử, kể cả việc để mất những đồng minh như cựu Thủ tướng Mikhail Kasyanov. Một kết quả tồi trong cuộc bầu cử tới rõ ràng sẽ hủy hoại đáng kể uy tín của ông Navalny. 

Người dân Nga hiện đang có những suy nghĩ tương đối tích cực về tình hình kinh tế. Sau cuộc suy thoái kéo dài nhất trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây, do tác động từ giá dầu sụt giảm và các đòn trừng phạt của phương Tây, tăng trưởng đã quay trở lại trong năm 2017 dù nhiều dự đoán cho rằng con số này sẽ chỉ giậm chân ở mức dưới 2%. Tổng thống Putin vẫn duy trì được sự ủng hộ của đông đảo người dân dù đang xuất hiện ngày càng nhiều ý kiến so sánh tình hình tại Nga hiện nay giống với giai đoạn trì trệ thời lãnh đạo Xôviết Leonid Brezhnev. 

Những người ủng hộ ông Navalny đã thành lập được 84 văn phòng khu vực với 200.000 tình nguyện viên trên khắp cả nước, bất chấp lệnh cấm và bắt giữ của giới chức. Lực lượng này tuyên bố khoảng 16.000 người đã tập trung tại 20 thành phố của Nga trong ngày 24/12 vừa qua để chính thức ủng hộ ông Navalny ra tranh cử, đồng thời khẳng định sẽ làm tất cả để hạn chế tối đa số người đi bỏ phiếu nhằm ngăn ông Putin có được một chiến thắng hợp pháp.

Vladimir Ashurkov, một trong những cố vấn hàng đầu của ông Navalny, hiện đang sống tại London, cho rằng dù kết quả cuộc bầu cử là điều ai cũng có thể đoán trước, song những tác động trong dài hạn đối quyền lực của ông Putin mới là điều khó nói. Ông Ashurkov nhấn mạnh: “Không ai có quả cầu tiên tri. Không ai dám chắc về số lượng lớn các cử tri sẽ đi bỏ phiếu vào tháng 3 và tháng 6 tới”.