Nghi án quản lý cấp cao Trung Quốc 'bán mình' cho nước ngoài

(PLO) - Giới chức Trung Quốc tuần qua cho biết đã bắt giữ và đang tiến hành điều tra đối với Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC) Sun Bo. Đây được cho là vụ điều tra nghiêm trọng nhất liên quan đến nhân sự quản lý cấp cao tại các tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc thời gian gần đây.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Hình ảnh do hãng tin Tân Hoa xã công bố.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Hình ảnh do hãng tin Tân Hoa xã công bố.

Nghi án chuyển bí mật cho Mỹ

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 16/6 bất ngờ cho biết Tổng giám đốc CSIC Sun Bo đang bị điều tra vì bị nghi ngờ “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và pháp luật” - cụm từ thường được dùng để chỉ cáo buộc tham nhũng. 

Nghi vấn này đã được xác nhận bởi Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, theo đó cho biết ông Sun đang bị tạm giam để phục vụ việc điều tra về cáo buộc tham nhũng.

Trên cương vị Tổng giám đốc, ông Sun Bo chính là nhân vật quyền lực số 2 tại Tập đoàn đóng tàu lớn nhất của Trung Quốc CSIC, chỉ sau Chủ tịch Hu Wenming. Là người trực tiếp phụ trách công tác quản lý hoạt động của tập đoàn, lần cuối cùng ông Sun xuất hiện trước công chúng là hôm 11/6, khi ông tới kiểm tra một công ty con chuyên về hậu cần của CSIC. 

Trong các thông báo được công bố, giới chức Trung Quốc không nêu rõ những sai phạm mà ông Sun Bo bị nghi ngờ đã phạm phải. Song, tờ Thời báo châu Á ngày 21/6 dẫn các nguồn tin cho biết, ông Sun được cho là đã chuyển cho các điệp viên của Mỹ những thông tin có độ mật cao, trong đó có các bản thiết kế và thông số kỹ thuật của tàu sân bay Liêu Ninh. 

Cụ thể, theo các tờ Sina Military và Apple Daily, ông Sun có thể đã chuyển cho các điệp viên của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) một số bản vẽ và thông tin về con tàu do Liên Xô chế tạo cũng như các thông tin về việc cải tạo con tàu được Trung Quốc thực hiện trong những năm 2000.

Tàu Liêu Ninh bắt đầu được đưa tới Nhà máy đóng tàu Đại Liên thuộc CSIC vào tháng 3/2002. Sau quá trình cải tạo, tàu này đã hoàn tất các cuộc chạy thử nghiệm trên biển vào tháng 9/2012. 

Ông Sun Bo năm nay 57 tuổi, có bằng tiến sĩ ngành thiết kế và đóng tàu tại Đại học Công nghệ Đại Liên. Trước khi trở thành lãnh đạo của CSIC, ông ta từng giữ vị trí lãnh đạo nhà máy đóng tàu Đại Liên. Thời gian ông ta làm việc tại nhà máy này cũng là thời gian tàu sân bay Liêu Ninh được nâng cấp tại đây. 

Các nguồn tin trên cho rằng việc chuyển tài liệu mật của ông ta nhiều khả năng diễn ra trong thời gian CSIC phụ trách việc đại tu tàu tại nhà máy Đại Liên. Sau Liêu Ninh, Trung Quốc đã bắt tay vào việc đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này hiện được gọi với cái tên Type 001A chứ chưa có tên chính thức.

Do đó, cáo buộc Sun chuyển tin mật về tàu Liêu Ninh cho CIA cũng đã dấy lên những nghi ngờ rằng ông ta cũng đã bán luôn cả những thông tin mật liên quan đến các chi tiết kỹ thuật của tàu sân bay Type 001A bởi thiết kế của tàu này được cho là sao chép khá nhiều từ thiết kế của tàu Liêu Ninh, trong đó có phần sàn chứa máy bay.

Tàu Type 001A đã được hạ thuỷ hồi tháng 4/2017 và dự kiến sẽ được đưa vào biên chế vào năm 2020, sau quá trình thử nghiệm trên biển và trang bị vũ khí.

Theo các nguồn tin, vụ việc của Sun Bo nhiều khả năng là một vụ đổi tin mật lấy tiền. Song, kết quả điều tra nhiều khả năng sẽ không được công bố vì vụ việc nhạy cảm này có liên quan đến thành viên quản lý cấp cao ở một đơn vị quốc phòng chủ chốt của Trung Quốc.

Ông Sun Bo (thứ 3 từ trái sang) thăm một công ty con của CSIC hôm 11/6.
Ông Sun Bo (thứ 3 từ trái sang) thăm một công ty con của CSIC hôm 11/6.

Là 1 trong 2 tập đoàn mũi nhọn phục vụ cho nỗ lực hiện đại hóa hàng hải của Trung Quốc, CSIC là công ty phụ trách việc đóng các tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường của Trung Quốc. Tập đoàn này cũng chính là đơn vị đã đóng tàu thám hiểm biển sâu Jiaolong mà theo giới chức Trung Quốc có thể lặn sâu tới độ sâu kỷ lục 7.062m.

Hiện nay, tập đoàn đóng tàu lớn nhất của Bắc Kinh đang tập trung vào các dự án đóng tàu sân bay quy mô của Trung Quốc cũng như các tàu khu trục tân tiến cho lực lượng hải quân nước này. Tập đoàn cũng tham gia các hoạt động đóng tàu dân sự.

Bê bối nghiêm trọng nhất

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi”. Đến nay, tổng cộng đã có hơn 1,5 triệu quan chức Trung Quốc “ngã ngựa” về các cáo buộc nhận hối lộ, tham ô và các hành vi sai trái khác.

Tháng 2/2018, Trung Quốc cũng đã thành lập Ủy ban Giám sát Quốc gia - siêu ủy ban có thẩm quyền điều tra tất cả các cán bộ thực thi công quyền, bao gồm từ các quan chức, quản lý tại các công ty nhà nước hay quản lý tại các trường công… - để đẩy mạnh cuộc chiến này. 

Với CSIC, đây không phải là lần đầu tiên một lãnh đạo của tập đoàn này bị cơ quan giám sát chống tham nhũng của Trung Quốc điều tra. Trước đó, hồi năm 2016, người đứng đầu bộ phận kỷ luật của Tập đoàn này là ông Liu Changhong cũng đã bị khai trừ khỏi Đảng. Đến tháng 10/2017, ông này chính thức bị khởi tố về tội danh tham nhũng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin, vụ ông Sun Bo bị điều tra mới là vụ điều tra tham nhũng nghiêm trọng nhất liên quan đến nhân sự quản lý cấp cao tại không chỉ CSIC mà còn là tại 10 tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 2009 cho đến nay. Mốc thời gian 2009 là khi Tổng giám đốc của Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc Zhang Zhixin bị điều tra tham nhũng.

CSIC được thành lập năm 1999, khi giới chức Trung Quốc tiến hành cải tổ ngành công nghiệp đóng tàu của nước này. Tập đoàn này được giao quyền kiểm soát các nhà máy đóng tàu nhà nước ở miền bắc và miền trung của Trung Quốc. Trong mấy năm gần đây, thị trường đóng tàu dân sự của Trung Quốc bị dư thừa.

Việc này cộng thêm với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty đóng tàu của Hàn Quốc đã khiến doanh thu của các công ty đóng tàu của Trung Quốc giảm mạnh. Song, hoạt động kinh doanh của CSIC vẫn ổn định nhờ các đơn đặt hàng của Hải quân Trung Quốc. 

Trong năm ngoái, lợi nhuận của tập đoàn này được thông báo đã đạt mức hơn 50 tỷ USD. Cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, có những thông tin cho rằng CSIC sẽ hợp nhất với Tập đoàn đóng tàu lớn thứ hai của Trung Quốc là CSSC – Tập đoàn đang kiểm soát các công ty đóng tàu lớn nhất tại Thượng Hải và Quảng Châu – để tạo thành một tập đoàn đóng tàu lớn nhất thế giới, vượt trội các đối thủ cạnh tranh từ Hàn Quốc như Hyundai, Samsung hay Daewoo Shipbuilding. Tuy nhiên, cả CSIC lẫn CSSC sau đó đã bác bỏ thông tin về ý định hợp nhất.

Trong những tháng gần đây, chính phủ Trung Quốc được cho là đang tích cực nghiên cứu những phương án khác nhau để tái cơ cấu ngành công nghiệp đóng tàu của nước này. Theo ông Kashin, có thể kế hoạch này đã dẫn tới việc giới chức Trung Quốc tăng cường số lượng các đợt thanh tra, dẫn tới phát hiện sai phạm và mở cuộc điều tra về cáo buộc tham nhũng đối với Tổng giám đốc CSIC Sun Bo.

Ngoài ra, ông Kashin cũng không loại trừ khả năng có đấu đá nội bộ của Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc trước khi kế hoạch cải tổ được thực hiện. 

CSIC hồi tháng 2 vừa qua cũng đã công bố kế hoạch đóng tàu sân bay chạy bằng hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc nhằm thực hiện lộ trình nâng cấp vũ khí cho hải quân Trung Quốc đến năm 2025. Việc đóng tàu như vậy nhiều khả năng sẽ được tiến hành ở Nhà máy đóng tàu Bohai ở tỉnh Liêu Ninh. Đây cũng là nơi Trung Quốc đã đóng tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của nước này.

Do vậy, việc Sun Bo bị bắt giữ đang dấy lên lo ngại sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đầy tham vọng của CSIC. Trong thông báo trên mạng xã hội ngày 20/6, Chủ tịch của Tập đoàn này là ông Hu Wenming đã nhấn mạnh về tính cấp thiết của việc trung thành với Đảng và ngăn chặn nguy cơ bị xâm nhập cũng như hối lộ trong nội bộ tập đoàn.