Ngoại trưởng Mỹ thăm Đông Bắc Á: Cả khu vực trong tầm ngắm Mỹ?

(PLO) -Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo vừa có chuyến công du tất cả bốn nước ở khu vực Đông Bắc Á. Ông Pompeo trở thành bộ trưởng ngoại giao Mỹ mới được có nửa năm mà đã bốn lần tới khu vực này, bốn lần tới Triều Tiên và lần đầu tiên tới tất cả bốn nước trong khu vực. Mục đích chính của chuyến công du đặc biệt này của ông Pompeo là xử lý chuyện quan hệ của Mỹ với Triều Tiên và Trung Quốc, vì thế liên quan trực tiếp tới cả hai nước còn lại.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Bình Nhưỡng, ngày 7/10/2018.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Bình Nhưỡng, ngày 7/10/2018.

Cả khu vực này hiện ở trong tầm ngắm chiến lược của Mỹ. Điều đó có thể thấy được rất rõ ở hoạt động ngoại giao này của ông Pompeo. Sau cuộc cấp cao liên Triều vừa qua, không chỉ có mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tiếp tục được bình thường hoá và cải thiện, tức là tiến  trình hoà bình và hoà giải được tiếp tục thúc đẩy; mà còn cả cơ hội mới cũng có được cho cũng tiến trình ấy giữa Mỹ và Triều Tiên hướng tới những bước phát triển mới; mà biểu hiện cụ thể nhất sẽ là cuộc gặp nhau lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. 

Phía Triều Tiên muốn có cuộc gặp này và ông Trump cũng không hẳn không sẵn sàng. Vấn đề quyết định chỉ là Triều Tiên có nhượng bộ đủ mức cho Mỹ để ông Trump có thể đồng ý hay không mà thôi. Ông Trump cần sự nhượng bộ này để vừa đối phó với áp lực trong nội bộ vừa quảng bá nó làm thành tích cầm quyền.

Cụ thể ở đây là nhượng bộ hoặc ít nhất là một vài bước đi mới của Triều Tiên trong chuyện phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên mà phía Triều Tiên đã cam kết. Ông Pompeo lưu lại ở Triều Tiên chỉ có 3 giờ đồng hồ nhưng tỏ ra rất hài lòng sau những cuộc trao đổi với lãnh đạo Triều Tiên. Qua đấy có thể thấy là phía Mỹ đã đạt được mong muốn và chuyến đi Triều Tiên này đã thành công đối với ông Pompeo.

Trước khi đến Triều Tiên, ông Pompeo dừng chân ở Nhật Bản và sau Triều Tiên, ông Pompeo thăm Hàn Quốc. Cả hai nước này đều là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ. Họ đều có lợi ích chiến lược liên quan trực tiếp đến diễn biến tình hình chính trị an ninh trên bán đảo Triều Tiên, đến chuyển biến tình hình trong mối quan hệ của Triều Tiên với họ và với Mỹ.

Tiến trình hoà bình và hoà dịu giữa Hàn Quốc với Triều Tiên và giữa Mỹ với Triều Tiên liên quan mật thiết với nhau, tác động và chi phối lẫn nhau, chỉ có thể đồng hành và song hành theo cùng định hướng chứ không thể theo những lối đường riêng. Vì thế, việc thống nhất quan điểm và phối hợp hành động giữa Mỹ và Hàn Quốc trong quan hệ với Triều Tiên không chỉ rất cần thiết mà còn rất quyết định đối với tốc độ diễn biến và triển vọng thành công của cả tiến trình. 

Vì thế, ông Pompeo phải tới Hàn Quốc để thông báo cho phía Hàn Quốc về kết quả những cuộc trao đổi trước đó với lãnh đạo Triều Tiên. Cứ theo chiều hướng diễn biến tình hình như hiện tại giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên thì nhiều khả năng ngoài cuộc cấp cao Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai sẽ còn có cả cuộc cấp cao giữa ba nước này trong thời gian tới. Việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên gắn liền với việc tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo và ký kết hiệp ước hoà bình giữa Triều Tiên với Mỹ và với Hàn Quốc. 

Điều Nhật Bản quan tâm và Mỹ không thể không để ý là giữa Nhật Bản và Triều Tiên vẫn còn một số chuyện vướng mắc mà lâu nay Triều Tiên chưa giải quyết cho Nhật Bản theo mức độ yêu cầu của Nhật Bản; và Nhật Bản lo ngại Triều Tiên càng không sẵn sàng hoặc bị chịu áp lực phải nhượng bộ một khi đã bình thường hoá quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc. Ngoài ra, Nhật Bản còn muốn có vai trò nhất định trong những gì hiện đang xảy ra ở khu vực Đông Bắc Á.

Ông Pompeo cần tranh thủ Trung Quốc hậu thuẫn Mỹ xử lý vấn đề Triều Tiên nhưng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện rất căng thẳng và trắc trở. Bởi vậy, sứ mệnh chính của ông Pomeo ở Trung Quốc là duy trì cầu quan hệ và giữ dư địa cho hai bên rồi đây đi vào dịu giọng với nhau mà không bị tổn hại thể diện và bị coi là yếu thế. Trung Quốc cũng có nhu cầu ấy nên mới đón tiếp ông Pompeo. Mỹ nhằm vào cả khu vực vì những mục tiêu ấy và cũng còn bởi vì bị thúc ép bởi tình thế và thời cuộc như thế.

Cuộc gặp gỡ giữa ngoại trưởng Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên hôm 7/10/2018 được đánh giá là “hữu ích”. Bình Nhưỡng đánh tiếng mời thanh tra ngoại quốc đến bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri, để nhìn tận mắt cơ sở này đã bị phá hủy theo đúng cam kết của Triều Tiên.

Theo phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, hai bên đề cập cả bốn điểm thỏa thuận trong bản Tuyên bố chung sau thượng đỉnh Singapore ngày 12/06/2018: thiết lập quan hệ mới giữa Washington-Bình Nhưỡng, xây dựng hoà bình lâu dài, khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo và trao trả hài cốt quân nhân Mỹ. Hai bên cũng thảo luận về khả năng tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, về ngày giờ và địa điểm.