Người Campuchia điêu đứng vì hạn hán nghiêm trọng

(PLO) - Người dân Campuchia hiện đang gồng mình chống chọi với một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Người dân Campuchia bên đồng ruộng khô cằn. 
Ảnh: CNA
Người dân Campuchia bên đồng ruộng khô cằn. Ảnh: CNA

Bồng đứa cháu nhỏ trên tay trong tiết trời ảm đạm, bà Huot Ka nói rằng bà không nghĩ trời sẽ mưa. “Tôi nghĩ thậm chí sẽ chẳng có mưa trong vài tháng tới” – CNA dẫn lời bà Huot Ka cho hay. Chỉ vào giếng nước trơ đáy trước nhà, bà cho biết nước ngầm chỉ chảy ra được rất ít, nếu có cũng đậm màu sét gỉ và không thể uống được.

Một người hàng xóm của bà Huot Ka tên Yean Oeun cho rằng đợt hạn hán hiện nay là đợt tồi tệ nhất mà bà từng chứng kiến. “Chúng tôi đã không có nước sạch trong 4 tháng. Chúng tôi phải tới làng khác để mua nước. Trước đây, giếng nhà tôi không bao giờ hết nước nhưng năm nay thì khác” – bà nói.

Bà Huot Ka và Yean Oeun là những nông dân tại ngôi làng nhỏ Bandey thuộc tỉnh Kampong Thom ở phía Bắc Phnom Penh. Giống như nhiều người nông dân khác trên khắp Campuchia, họ đang chật vật chống chọi với một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất tại nước này trong nhiều năm trở lại đây.

Trên khắp cả nước, người dân Campuchia đang tuyệt vọng chờ mưa xuống nhằm chấm dứt mùa khô hạn đã kéo dài suốt thời gian qua, khiến những dòng sông trở nên trơ đáy, nguồn cung nước sinh hoạt cho người dân cạn kiệt còn việc sản xuất nông nghiệp thì bị hủy hoại nghiêm trọng. Nhiều khu vực tại Campuchia từ cuối năm ngoái đã không có mưa lớn làm khoảng 2/3 người dân không có đủ nước uống.

Hạn hán và nắng nóng nghiêm trọng trong những tháng qua cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăn nuôi của người dân. Trong những tháng qua, hàng trăm gia súc, trâu, cá của người dân đã chết do sự khắc nghiệt của thời tiết.

Cả gia đình bà Huot Ka và bà Yean Oeun đều đã phải vay nợ từ các ngân hàng ở địa phương để chống chọi với tình trạng thất bát. Ngoài ra, 2 bà cho biết, những người dân khác trong làng cũng đều đã phải vay nợ.

Song, những khoản nợ này sẽ chỉ giúp họ khắc phục được trong ngắn hạn. Còn về lâu dài, họ đều không thể lạc quan về mùa vụ tới, vốn sẽ là thời điểm họ phải trả nợ. “Tôi sẽ không cố trồng lúa nếu trời không mưa. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải đi mua gạo để ăn” – bà Oeun nói.

Bên cạnh đó, hạn hán cũng đã đưa đến nhiều vấn đề về sức khỏe của người dân khi ngày càng có nhiều trẻ em và người già đổ bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy do thiếu thực phẩm và nước sạch. “Đây là năm tồi tệ nhất đối với trẻ em mà tôi từng chứng kiến” – một bác sỹ địa phương tên Lim Nim nhận định.

Trước bối cảnh này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen hồi tháng trước đã kêu gọi người dân nước này đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau khắc phục khó khăn. Tuy nhiên, người dân Campuchia cho rằng, sự cứu rỗi thực sự sẽ chỉ đến từ Mẹ Thiên nhiên và điều này thì đang khó dự đoán hơn bao giờ hết.