Nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn ở mức cao

(PLO) - Nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn ở mức cao như những năm diễn ra cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô, hãng tin TASS dẫn lời ông Andrei Bystritsky – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổ chức hỗ trợ và phát triển Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai – nhận định.
Ông Andrei Bystritsky. Ảnh: Gettyimages
Ông Andrei Bystritsky. Ảnh: Gettyimages

Ngày 22/6/1973, lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev và Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã ký thỏa thuận tại Washington, theo đó nêu rõ các bên nhất trí rằng mục tiêu chính sách của mỗi nước là dỡ bỏ mối nguy hiểm của chiến tranh hạt nhân và việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo ông Bystritsky, mối đe dọa hạt nhân kể từ đó cho đến nay dù không gia tăng nhưng cũng không giảm xuống.

“Tôi nghĩ rằng mức độ rủi ro tổng thể vẫn cao, vẫn có nguy cơ một số phương pháp sử dụng vũ khí hạt nhân vô tình được triển khai. Ngoài ra, với sự xuất hiện của một số cường quốc hạt nhân mới, tỉ lệ đe dọa hạt nhân đã thay đổi”, ông Bystritsky nhận định.

Theo vị chuyên gia trên, đó chính là lý do để thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Nga cần được tiếp tục thực hiện. “Chừng nào còn vũ khí hạt nhân, chừng đó tất cả các thỏa thuận liên quan đến hạt nhân vẫn cần được thực thi vì chúng ta không nên đánh giá thấp mối đe dọa lớn này”, ông Bystritsky nói thêm.

Cùng với đó, theo ông này, mối đe dọa xung đột hạt nhân toàn cầu cũng có một số khía cạnh tích cực vì vũ khí hạt nhân là một trong những công cụ quan trọng nhất để duy trì hòa bình trên thế giới. “Bằng việc tạo ra một đe dọa lớn hơn, những nguy cơ sử dụng hạt nhân nhỏ hơn sẽ bị loại bỏ”, ông này  lý giải.

Ông Bystritsky cũng cho rằng ý tưởng xây từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên toàn cầu là hấp dẫn nhưng việc phát triển một thỏa thuận quốc tế như vậy cần cẩn trọng nhằm tạo sức răn đe với những đe dọa hạt nhân mới nổi.