Nhà báo Arab Saudi mất mạng tại lãnh sự quán ở Thổ Nhĩ Kỳ: “Vụ che đậy tồi tệ nhất lịch sử”?

(PLO) - Ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh hiện không có chuyện nào gây ồn ào sôi động, thu hút sự quan tâm chung của dư luận cũng như làm cho cả khu vực bị rung chuyển như vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại trong lãnh sự quán của Arab Saudi ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà báo Jamal Khashoggi
Nhà báo Jamal Khashoggi

Cho tới thời điểm hiện tại, phía chính quyền Arab Saudi đã xác nhận nhà báo này bị sát hại ở đó và thi thể đã bị phi tang, nhưng không cho biết thủ phạm cụ thể là ai và thi thể nhà báo này hiện ở đâu. Cách giải thích chính thức của phía Arab Saudi  là nhà báo này đã bị thiệt mạng do ẩu đả với nhân viên an ninh và tình báo, sau đó xác được giao cho kẻ khác ở Thổ Nhĩ Kỳ phi tang không được thiên hạ chấp nhận.

Ngay đến cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, người trong vụ việc này luôn tìm cách bảo vệ thanh danh cho chính quyền Arab Saudi, cũng phải công khai đánh giá đấy là “vụ che đậy tồi tệ nhất lịch sử”. 

Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết là có đầy đủ bằng chứng và thông tin về diễn biến vụ việc, về kẻ chủ mưu... nhưng cũng lại chỉ úp úp mở mở chứ không công khai hết mọi thông tin có được. Sự thật về vụ việc này chưa được sáng tỏ và có nguy cơ sẽ không bao giờ được làm cho sáng tỏ bởi bản chất và hệ luỵ chính trị của nó.

Một khi là chuyện chính trị, mà lại còn liên quan đến nhiều quốc gia khác nhau nữa, chứ không phải chỉ là chuyện hình sự hay ẩu đả thuần tuý; thì sự thật về cái chết của Jamal Khashoggi sẽ mãi là câu đố không được các bên liên quan cung cấp lời giải.

Jamal Khashoggi là người Arab Saudi , phải tỵ nạn ở Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bởi có quan điểm bất đồng với chính quyền và là người phê phán đặc biệt quyết liệt Thái tử của vương triều này Mohammad bin Salman. Jamal Khoshaggi làm việc cho tờ nhật báo Washington Post của Mỹ.

Lực lượng chức năng Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm bằng chứng tại một bãi đỗ xe ở Istanbul, nơi có chiếc xe thuộc sở hữu của lãnh sự quán Arab Saudi
Lực lượng chức năng Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm bằng chứng tại một bãi đỗ xe ở Istanbul, nơi có chiếc xe thuộc sở hữu của lãnh sự quán Arab Saudi

Ở Arab Saudi , Thái tử Mohammad bin Salman được coi là người hiện nắm thực quyền vì vua Salman đã già. Vì thế, thủ tiêu người bất đồng chính kiến có thể gây nguy hại nhiều nhất như nhà báo kia được gán ghép ngay làm mục đích và động cơ của Mohammad bin Salman trong chuyện này. 

Có thể đúng thế nhưng cũng có thể không đúng như thế. Nhưng dẫu có như thế nào thì người này vẫn bị mang tiếng, vẫn bị coi là cả lý gian và tình gian; hoặc lý dẫu có ngay thì tình vẫn gian. Mọi chứng cứ đã được phía Thổ Nhĩ Kỳ công bố cũng như đã được báo chí và truyền thông thế giới đưa ra và cả cách xử lý khủng hoảng truyền thông của chính quyền Arab Saudi  đều cho thấy vị thái tử kia có liên quan, không trực tiếp thì cũng gián tiếp, tới chuyện sát hại nhà báo.

Điều hiện có thể chắc chắn được là nhà báo kia đã bị chính quyền Arab Saudi  sát hại. Vì thế, thanh danh và uy tín của vương triều Arab Saudi  hiện đã và vẫn còn tiếp tục bị tổn hại trầm trọng. Mối quan hệ của vương triều này với những đồng minh và đối tác chiến lược quan trọng nhất là Mỹ và EU không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực.

Ở trong nước, địa vị quyền lực của Mohammad bin Salman và của vua Salman hiện chưa bị rung chuyển nhiều, nhưng môi trường đối ngoại của vương triều này đã trở nên xấu đi và bất lợi rõ rệt. 

Chìa khoá cho lời giải về sự thật của vụ việc nằm trong tay của phía Thổ Nhĩ Kỳ và vì thế vương triều Arab Saudi có lợi ích sống còn hiện tại trong việc dàn xếp với Thổ Nhĩ Kỳ để được tiếng là quyết tâm và thành tâm làm sáng tỏ vụ việc nhưng lại chỉ công khai hoá những thông tin không đe doạ tương lai chính trị quyền lực của thái Tử Mohammad bin Salman.

Số phận chính trị của vị Thái tử này quyết định tương lai chính trị của cả vương triều; và tương lai của Arab Saudi  lại tác động và ảnh hưởng rất đáng kể tới cục diện tình hình chính trị an ninh và quan hệ quốc tế ở khu vực này. 

Ở đây có thể thấy phía Arab Saudi  đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng, Mỹ và EU bị đẩy vào tình thế rất khó xử và chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ là được lợi nhiều hơn cả. Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi  là hai đối thủ cạnh tranh chiến lược với nhau ở khu vực. Với vụ việc kia, Arab Saudi đã tự làm khó thêm và bất lợi thêm cho chính mình trong cuộc ganh đua ấy. 

Khashoggi biến mất từ hôm 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Arab Saudi để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Sau nhiều lần phủ nhận, Arab hôm 21/10 xác nhận nhà báo đã chết trong một vụ xô xát và đã bắt 18 nghi phạm. Tuy nhiên, các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng nhà báo này đã bị tra tấn, giết hại và thi thể bị phân tách để phi tang.

Hôm 25/10, Bộ trưởng Tư pháp Arab Saudi Shaikh Suood bin Abdullah Al Mo'jab cho biết: "Công tố viên đã nhận được thông tin từ phía Thổ Nhĩ Kỳ thông qua nhóm điều tra chung giữa Riyadh và Ankara, chỉ ra rằng các nghi phạm trong vụ Khashoggi đã mưu tính trước tội ác của họ". Xác nhận này của Arab Saudi mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của nước này rằng nhà báo Jamal Khashoggi tử vong trong lúc xô xát với nhóm người Arab tại lãnh sự quán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và được cho là do chịu sức ép lớn từ cộng đồng quốc tế.

"Công tố viên vẫn tiếp tục điều tra các nghi phạm dựa trên kết quả điều tra mới nhất để tìm ra sự thật", Bộ trưởng Tư pháp Arab Saudi nói thêm. Trong khi đó, các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục truy tìm manh mối nơi thi thể Khashoggi bị che giấu.