Nhân đạo sao mới phải đạo?

(PLO) - Ở  TP Cologne của nước Đức mới rồi có một phán xử rất đặc biệt của tòa án. Nó đặc biệt ở chỗ vụ xét xử xoay quanh quan niệm về tính nhân đạo và vì thế tòa không thể xét xử và phán xử theo luật được vì luật đâu có quy định cụ thể như thế nào thì được coi là nhân đạo. Bởi vậy, tòa phải đi từ việc định nghĩa thế nào là nhân đạo để rồi xem xét và phán xử như thế nào để đảm bảo được tính nhân đạo.

Chuyện này liên quan trực tiếp và trước hết đến một con vượn tên là Robby năm nay đã 47 tuổi. Nó ra đời năm 1971 và bị chính mẹ nó xua đuổi, không chấp nhận. Từ năm 1975, con vượn này sống trong gia đình của ông Klaus Koehler ở TP Cologne. Người này nuôi con vượn từ đó đến nay, bình đẳng như 6 đứa con của mình.

Robby về sau được huấn luyện và tham gia trình diễn trong nhóm xiếc của gia đình này. Như thế có nghĩa là từ bé đến bây giờ, con vượn sống hoàn toàn trong thế giới của con người và với con người. Cách nuôi nó và cách sống này của nó bị các nhà khoa học và những người bảo vệ động vật cho rằng “không thuận tự nhiên” và “không đúng với lối sống đặc thù của chủng loại động vật”.

Họ kiện lên tòa yêu cầu tòa phán quyết buộc gia đình ông Koehler phải giao nộp con vượn cho một trung tâm ở Hà Lan chuyên về dần thích ứng hoá động vật nuôi trong nhà để rồi thả chúng trở lại môi trường thiên nhiên. Họ cho rằng nhân đạo thì phải như thế.

Gia đình ông Koehler lại cho rằng con vượn đã ở thời gian dài đến vậy với họ nên bây giờ không thể tự tồn tại được trong tự nhiên và cũng đã quá muộn để nó có thể dần thích ứng trở lại. Ngoài ra, gia đình ông Koehler đã trở thành gia đình của nó. Chính vì nhân đạo thì phải để nó tiếp tục sống với người như lâu nay. Tòa đồng ý với biện luận của gia đình ông Koehler và nhấn mạnh nhân đạo không giáo điều và cứng nhắc, định nghĩa nhân đạo là cái lẽ phải theo cái tình chứ không phải ngược lại.

Đọc thêm