Nhận diện những thủ đoạn tấn công khủng bố mới

(PLO) -Bất chấp các biện pháp chống khủng bố được chính phủ châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) tiến hành, số lượng và tần suất các vụ tấn công khủng bố vẫn ngày càng gia tăng với những thủ đoạn và chiêu thức tinh vi hơn.
 
13 vụ tấn công khủng bố gần đây nhất khiến khoảng 58 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương ở châu Âu.
13 vụ tấn công khủng bố gần đây nhất khiến khoảng 58 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương ở châu Âu.

Mặc dù các nước châu Âu tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, song động lực đằng sau các cuộc tấn công khủng bố vẫn chưa bị dập tắt, thậm chí còn có khuynh hướng gia tăng. Anh, Pháp, Bỉ và thậm chí là cả khu vực Bắc Âu và Nam Âu vốn tương đối yên bình đều phải hứng chịu các "làn sóng" tấn công khủng bố. 

Tăng tần suất, nhằm vào “mục tiêu mềm”

Tính đến cuối tháng 8 vừa qua, toàn châu lục đã chứng kiến ít nhất 13 vụ tấn công khủng bố, khiến khoảng 58 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương tại Bỉ, Anh, Phần Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển và một số nước khác. Theo đánh giá của các nhà quan sát, những kẻ khủng bố không tìm kiếm kết quả “ngoạn mục” từ việc sử dụng nhiều nguồn lực mà chúng muốn tăng cường tần suất để gây bất ổn. Ở thời điểm hiện tại, cứ mỗi 4 đến 6 tuần lại có một vụ tấn công tại châu Âu. 

Các tổ chức khủng bố quốc tế như al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chủ tâm nhằm vào "các mục tiêu mềm", hoặc các khu vực công cộng đông người, ở châu Âu. Đây chính là một phần trong chiến lược của chúng. 

Giới chuyên gia cho rằng, các cuộc tấn công nhằm vào "những mục tiêu mềm" gây thương vong lớn cho dân thường có thể gieo rắc nỗi kinh hoàng cho công chúng, từ đó giúp thổi phồng "sự nghiệp" của các tổ chức khủng bố. Cho dù các biện pháp an ninh được thắt chặt nhằm ngăn một cuộc tấn công tiềm tàng tại các khu vực mang tính biểu tượng xung quanh các thành phố, song giới chuyên gia cảnh báo rằng an toàn của người dân vẫn không được đảm bảo 100%. 

Những “con sói đơn độc”

Không giống như các cuộc tấn công khủng bố được tổ chức một cách tinh vi như vụ tấn công 11/9/2001, các hoạt động khủng bố trong thời gian gần đây chịu ảnh hưởng của các vụ tấn công kiểu "con sói đơn độc" và được chuẩn bị công phu.

Báo cáo của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) chỉ ra rằng "những con sói đơn độc" liều chết có thể do chính IS chỉ đạo hoặc đơn thuần chúng được truyền cảm hứng bởi ý thức hệ và những phát biểu hùng hồn của IS. Những kẻ khủng bố liều chết được cho là đã sử dụng rất nhiều loại vũ khí, trong đó có cả dao, súng trường tự động, chất nổ và ô tô, và trong tương lai, có thể chúng sẽ tiếp tục sử dụng các loại vũ khí này. 

Thêm vào đó, trong nhiều trường hợp, những nghi can của các vụ tấn công khủng bố là người bình thường, chưa từng có tiền án, khiến công tác điều tra của cảnh sát sau vụ tấn công khó khăn hơn. Việc các kẻ tấn công sử dụng mạng xã hội cũng như các công cụ thường ngày khi phạm tội cũng làm cho các cuộc tấn công khó bị phát hiện và ngăn chặn hơn. 

Các vụ khủng bố gần đây chịu ảnh hưởng của các vụ tấn công kiểu "con sói đơn độc" và được chuẩn bị công phu
Các vụ khủng bố gần đây chịu ảnh hưởng của các vụ tấn công kiểu "con sói đơn độc" và được chuẩn bị công phu

Mối nguy từ “kẻ trở về”

Cơ quan phụ trách Quốc phòng - An ninh thuộc EU cho biết, khoảng hơn 5000 người châu Âu đã gia nhập IS tại Syria hoặc Iraq, trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2016. Trong số đó, có từ 1.200 đến 3.000 người có thể trở lại lãnh thổ châu Âu. Europol coi đây là mối quan ngại nghiêm trọng. Theo giới phân tích, nếu như vương triều của IS bị thất bại về mặt quân sự hoặc sụp đổ, số lượng các chiến binh nước ngoài quay trở lại châu Âu (đặc biệt là tại Áo, Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển và Anh) dự kiến sẽ tăng lên. 

Tại nhiều quốc gia, có không ít “người trở về” akhông phủ nhận hệ tư tưởng của họ, thậm chí mơ ước được tiếp tục chiến đấu trong hàng ngũ của IS. Các chuyên gia cảnh báo những “người trở về” vẫn duy trì liên hệ với IS tại các khu vực xung đột thông qua các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội và đặc biệt là qua dịch vụ Telegram và nguy cơ tấn công khủng bố trong lòng châu Âu là rất lớn. 

Cao ủy phụ trách an ninh EU Julian King đã cảnh báo về sự trở lại của các tay súng cực đoan nước ngoài từ các vùng chiến sự khi IS bị mất các vùng lãnh thổ, đồng thời cho rằng đây là một mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng đối với các nước châu Âu.

Trên thực tế, những kẻ chủ mưu các vụ tấn công khủng bố ở châu Âu có thể là người nước ngoài, rất nhiều trong số đó có thể đã sinh sống tại EU trong một thời gian dài, và cũng có thể là những người dân trưởng thành ở ngay chính quốc gia mà chúng tấn công. Đối với lực lượng cảnh sát, việc giám sát hàng nghìn kẻ bị tình nghi là một nhiệm vụ bất khả thi.

Hiện tại, cuộc chiến chống khủng bố của châu Âu đang rơi vào bế tắc. Do nhiều nước châu Âu tham gia vào các chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ tại Syria, Libya, Iraq và Afghanistan, nên châu Âu hiện trở thành mục tiêu trả đũa điên cuồng của các tổ chức khủng bố. 

Lợi dụng không gian ảo

Một thách thức nữa của cuộc chiến chống khủng bố là thủ đoạn hoạt động tinh vi mới của IS trên không gian ảo. Mặc dù đang bị đánh bại trên các chiến trường Iraq và Syria, IS vẫn có một lực lượng ủng hộ hùng hậu trên mạng Internet. 

Europol cho biết sau sự suy giảm tương đối của kênh tuyên truyền chính thức của IS trong những tháng qua, các phần tử thân IS đã chuyển sang các diễn đàn và sử dụng các nền tảng Internet nhỏ hơn để hoạt động. Thực tế này cho thấy IS tiếp tục gây dựng được một nền tảng vững chắc gồm những phần tử ủng hộ trung thành trên môi trường ảo của Internet.

Ngoài sự chuyển dịch "địa bàn" hoạt động trên mạng, các đối tượng có quan điểm ủng hộ IS cũng quay trở lại sử dụng các diễn đàn trên Internet có tên gọi là “Thư viện đen”, vốn chia sẻ các liên kết dẫn tới những nội dung thánh chiến trên môi trường Internet mở. 

Sự lan truyền ý thức hệ của các tổ chức khủng bố trên mạng Internet là một mối quan ngại lớn đối với giới hoạch định chính sách châu Âu. Theo các báo cáo, tại Pháp, IS đã tuyển hàng trăm tay súng người Pháp thông qua các chiến dịch tuyên truyền trên mạng. Nguy cơ IS xây dựng mạng xã hội riêng đang đặt ra áp lực buộc các cơ quan tình báo, lực lượng cảnh sát và ngành công nghệ phải phối hợp chặt chẽ hơn để tìm ra giải pháp ứng phó.

Số lượng và tần suất các vụ tấn công khủng bố vẫn ngày càng gia tăng với những thủ đoạn và chiêu thức tinh vi hơn
Số lượng và tần suất các vụ tấn công khủng bố vẫn ngày càng gia tăng với những thủ đoạn và chiêu thức tinh vi hơn

Nhiều nguồn tài trợ khủng bố

Giới chuyên gia nhận định dù các biện pháp quốc tế nhằm siết chặt nguồn tài chính của khủng bố được thông qua sau sự kiện 11/9/2001 tại Mỹ đã có tác động và vẫn còn cần thiết, song vẫn không thể đủ để ngăn chặn hoạt động của Al Qaeda, IS hoặc các phần tử khủng bố khác. Nhà nghiên cứu Peter Neumann, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Cực đoan hóa (ICSR) tại Anh, cho rằng phần lớn các vụ tấn công chỉ cần rất ít tiền.

Những kẻ khủng bố sử dụng nhiều nguồn tiền khác nhau và chuyển tiền mà không cần phải qua hệ thống tài chính ngân hàng. Cuộc chiến chống nguồn vốn của khủng bố được tiến hành từ năm 2001 thường xuyên tốn kém và không hiệu quả, bởi vì những đối tượng cực đoan "tự cung tự cấp" để thực hiện các hành động khủng bố. 

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy từ 40 nhóm thánh chiến, từng tổ chức hoặc âm mưu tổ chức tấn công khủng bố tại châu Âu từ năm 1994 đến 2013, có đến 3/4 trường hợp sử dụng không quá 10.000 USD để chuẩn bị các vụ tấn công. Những kẻ khủng bố quyên góp, chuyển tiền và chi tiền theo cách rất bình thường. Nguồn tài chính phổ biến nhất chính là tiền lương và tiền tiết kiệm của các thành viên, tiếp theo là tiền từ các vụ phạm pháp nhỏ. Chỉ 1/4 còn lại là đã nhận tiền từ một tổ chức khủng bố quốc tế.

Tuy nhiên, không một mạng lưới nào phụ thuộc hoàn toàn vào trợ giúp từ bên ngoài. 70% các nhóm thánh chiến tự túc về tài chính một cách hợp pháp và thường xuyên thông qua lương bổng của các thành viên, nhưng cũng có nguồn gốc từ buôn bán ma tuý, vũ khí hay các tài sản khác và ăn cắp. 

Một nguồn tài chính khác, ngày càng phổ biến, là vay tiêu dùng ở các định chế tài chính chuyên biệt. Đây chính là cách tổ chức các vụ tấn công ở Pháp năm 2015. Những kẻ khủng bố cung cấp giấy tờ giả để vay tiền và chúng không có ý định hoàn trả vì hai lý do: hoặc là chúng sẽ tấn công tự sát, hoặc là chúng sẽ đến các vùng do quân thánh chiến kiểm soát nên không về nước.

Vì vậy, các nhà phân tích cảnh báo các tổ chức tín dụng này phải hết sức cẩn trọng, đặc biệt là về vấn đề giấy tờ giả. Thuê một chiếc xe tải nhỏ để tông vào đám đông là hình thức khủng bố ngày càng phổ biến ở châu Âu.

Những kẻ khủng bố chỉ mất có vài trăm euro, kể cả tiền đặt cọc. Cách tấn công này đã từng xảy ra ở Nice (Pháp), Berlin (Đức), Luân Đôn (Anh), Stockholm (Thụy Điển) và mới đây là ở Barcelona và Cambrils (Tây Ban Nha)…