"Nhiễu" thông tin về vị trí cuối cùng của máy bay mất tích

(PLO) - Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Hãng hàng không Malaysia Airlines ngày 12/3 đã được mở rộng ra cả một khu vực rộng lớn của Đông Nam Á, từ biển Đông đến vùng lãnh hải của Ấn Độ. 
Các nước vẫn đang tích cực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích
Các nước vẫn đang tích cực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích
Ngày 12/3, sự hỗn loạn về địa điểm tìm kiếm đã khiến cho một trong những vụ mất tích máy bay bí ẩn nhất trong lịch sử hàng không hiện đại càng trở nên huyền bí. Tại buổi họp báo cùng ngày ở Kuala Lumpur, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết hiện đã có 12 quốc gia tham gia tìm kiếm cứu nạn, với tổng cộng 42 tàu và 39 máy bay.
Giới chức Malaysia ban đầu nói rằng chuyến bay mang số hiệu MH370 biến mất khoảng 1 giờ sau khi cất cánh khỏi sân bay quốc tế Kuala Lumpur  khi đang bay qua biển Đông, phía Nam Cà Mau của Việt Nam. Máy bay không phát đi bất kỳ tín hiệu cấp cứu hay tin nhắn nào. Các nỗ lực tìm kiếm ban đầu được tập trung vào vùng biển giữa Malaysia và Việt Nam. Cuộc tìm kiếm sau đó được mở rộng tới Eo biển Malacca và biển Andaman, ngoài khơi phía Tây bờ biển Malaysia, trong lúc có các thông tin cho rằng máy bay có thể đã quay trở lại. 
Ngày 12/3, người đứng đầu lực lượng không quân Malaysia Rodzali Daud thừa nhận việc radar quân sự của nước này đã nhận được tín hiệu có thể là của máy bay MH370 tại một khu vực phía Bắc Eo biển Malacca. Ông Daud thừa nhận tín hiệu mà radar quân sự nhận được là lúc 2h15 sáng 8/3 vừa qua (giờ địa phương) – tức khoảng 45 phút sau khi chiếc máy bay MH370 biến mất khỏi màn hình theo dõi không lưu giữa bờ biển phía Đông Malaysia và Việt Nam. Theo ông Daud, tín hiệu mà radar quân sự thu được ở vị trí cách đảo Penang ở bờ biển phía Tây Malaysia khoảng 320km. 
Tuy nhiên, ông Daud nhấn mạnh rằng thông tin này cần phải được các chuyên gia người Mỹ xác nhận và cần phải chứng thực với các radar theo dõi của các nước láng giềng. “Lực lượng không quân Hoàng gia Malaysia không được cung cấp bất kỳ kết luận chính thức nào về đường bay của máy bay cho đến khi có sự chắc chắn cao và đã được xác nhận” – ông Rodzali cho biết trong một tuyên bố hôm 12/3. 
Trong một diễn biến có liên quan, Malaysia Airlines trong một thông cáo cho hay hãng này “bị chấn động” trước những cáo buộc chống lại ông Fariq Ab Hamid - phi công phụ trong chuyến bay bị mất tích. Thông cáo trên được đưa ra sau khi khách du lịch người Nam Phi Jonti Roos nói rằng cô và bạn của mình đã được mời vào phòng lái cùng với ông Fariq Ab Hamid và Cơ trưởng trong chuyến bay từ Phuket, Thái Lan tới Kuala Lumpur hồi tháng 12/2011 – một sự vi phạm rõ ràng quy tắc ngành hàng không. Malaysia Airlines cho biết hãng này xem tin nói trên là “rất nghiêm trọng”. Tuy nhiên, hãng này cũng đã tuyên bố không có lý do gì cho rằng phi hành đoàn đã khiến máy bay biến mất.

Đọc thêm