Những người Mỹ không chạy theo giá trị vật chất

(PLVN) - Ở Mỹ, người dân thường có lối suy nghĩ "càng to càng tốt", luôn thích khoai tây chiên cỡ bự, ôtô khổng lồ và mũ cao bồi rộng vành. Tuy nhiên, hiện ngày càng nhiều người đang thu hẹp không gian sống của mình, hài lòng với cuộc sống tối giản trong những ngôi nhà nhỏ xinh có diện tích chưa đầy 40 m2.
Brandy Jones chỉnh tivi trong căn nhà nhỏ của mình ở Reading, Pennsylvania
Brandy Jones chỉnh tivi trong căn nhà nhỏ của mình ở Reading, Pennsylvania

Loại bỏ những thứ phù phiếm

Cuộc cách mạng nhà nhỏ, gồm nhà lắp ghép và nhà di động, bắt đầu ở Mỹ vài thập niên trước, nhưng khủng hoảng tài chính 2008 đã tạo cho nó động lực mới. Các chương trình truyền hình về cải tạo nhà đã thúc đẩy xu hướng này, truyền cảm hứng cho khách hàng cá nhân hóa không gian sống nhỏ cho riêng mình.

Dù có nhiều ưu điểm, phong trào sống trong nhà nhỏ ở Mỹ vẫn chưa được mở rộng. Ước tính ở Mỹ chỉ có hơn 10.000 ngôi nhà nhỏ xinh. Khó khăn đầu tiên là vấn đề tài chính, bởi chủ nhà sẽ khó vay tiền mua nhà có diện tích nhỏ hơn so với nhà truyền thống. Ngân hàng thường cung cấp các gói vay trung hạn lên tới 7 năm với lãi suất cao hơn đáng kể so với các khoản vay thông thường. Nhưng trở ngại chính liên quan tới luật pháp, khi luật pháp nhiều bang yêu cầu nhà ở phải có diện tích tối thiểu 83 m2.  

Nhưng ngôi nhà của Berrier có nội thất hoàn hảo với bồn tắm, phòng tắm nắng và màn hình chiếu phim. "Có quá nhiều định kiến. Người ta chưa nhìn toàn diện. Xu hướng này rất mới mẻ và tôi nghĩ đó là vấn đề", anh nói.

Những ngôi nhà nhỏ giống nhà của Berrier do Liberation Tiny Homes thi công được xây "như nhà bình thường" và sử dụng vật liệu giống nhau, Stoltzfus giải thích. Công ty đã hoàn thành hơn 65 dự án từ khi ra mắt năm 2015. Để giải quyết rắc rối giấy tờ, một số người mua nhà tìm đến địa điểm chưa được cấp phép quy hoạch, nhưng đa số lựa chọn các khu vực cho phép xây nhà nhỏ, có giấy tờ đầy đủ đang mọc lên khắp nơi.

Chi phí là một trong những yếu tố thúc đẩy họ hướng đến lối sống này. Một ngôi nhà nhỏ 40m2 gồm nội thất giá khoảng 50.000 USD, giúp tiết kiệm khoản tiền lớn so với một ngôi nhà rộng rãi ở vùng ngoại ô.

"Chúng tôi gặp khủng hoảng tìm nhà, quanh khu chúng tôi ở toàn nhà đổ nát, thật khó để tìm được một nơi ở chất lượng tốt với giá phải chăng", Brandy Jones, một người nội trợ sống cùng chồng và hai con trai, nói.

Tám tháng trước, họ chuyển tới một ngôi nhà nhỏ ở Reading, Pennsylvania, cách Philadelphia khoảng 100 km. Nếu tìm nhà mới ở khu này, họ phải chi 300.000 USD. Nhà nhỏ "tạo khác biệt lớn, khiến cuộc sống dễ chịu hơn", theo Jones.

Marcus Stoltzfus, giám đốc bán hàng và tiếp thị công ty Liberation Tiny Homes ở Leola, gần Reading, cho biết người Mỹ thích xây những ngôi nhà đồ sộ có diện tích trung bình khoảng 240 m2 trong 40 năm qua. Nhưng giờ đây, ở một số vùng, người ta nhận ra lối sống tối giản có lợi hơn.

Scott Berrier cùng vợ Melissa rất hạnh phúc khi chuyển tới căn nhà rộng 34m2 vài tháng trước. "Chúng tôi thực sự rất thích cách sống tối giản này, không còn cảnh ở đâu cũng thấy đồ đạc lộn xộn nữa", Berrier nói, giải thích ngôi nhà mới có nhiều chức năng hơn. "Khác biệt lớn nhất là chúng tôi tận dụng mọi không gian, không lãng phí bất kỳ chỗ nào".

Roland Figueredo định rời căn hộ ở New York vào tháng 7 để tới sống trong một ngôi nhà nhỏ tại Oregon. "Chúng tôi đang cố gắng đơn giản hóa cuộc sống, loại bỏ những thứ phù phiếm", anh nói.

Dù cái nhìn về nhà cửa đang thay đổi, không phải lúc nào người Mỹ cũng dễ dàng đi ngược lại các quy tắc xã hội và kỳ vọng vật chất. Khi Berrier kể cho bạn bè nghe về dự định của mình, vài người cảnh báo nhà mới sẽ khiến anh thấy ngột ngạt. 

Stoltzfus thừa nhận xu hướng sống trong nhà nhỏ còn chịu nhiều định kiến, nhưng tin rằng nó sẽ thay đổi theo thời gian. 

Một căn nhà di động do công ty Liberation Tiny Homes thi công tại Leola, Pennsylvania
 Một căn nhà di động do công ty Liberation Tiny Homes thi công tại Leola, Pennsylvania 

Berrier cho hay anh muốn sống tối giản để giảm tác động tới môi trường. "Bạn sẽ giảm phát thải carbon, không sử dụng nhiều điện, nước như những ngôi nhà đồ sộ truyền thống", anh nói.

Vật chất không làm nên hạnh phúc

Trào lưu sống tối giản, đã bắt đầu ở Mỹ từ nhiều năm trước, và không chỉ thể hiện trong chuyện nhà cửa. Vào năm 2009, Joshua Fields Millburn, lúc đó mới 28 tuổi, đang quản lý 150 cửa hàng viễn thông rải rác khắp miền trung nam bang Ohio, Mỹ. Anh có một căn nhà với ba phòng ngủ và có tới 70 chiếc áo sơ-mi hàng hiệu mà chưa bao giờ mặc hết.

Millburn được xã hội coi là một người thành đạt. Tiền bạc không phải là vấn đề đáng lo nghĩ. Thế nhưng vào tháng 11 năm đó, nhiều biến cố lớn trong đời liên tục ập đến với Millburn. Mẹ anh đột ngột qua đời. Hôn nhân tan vỡ. Thế giới của Millburn hoàn toàn đảo lộn. 

"Tôi từng có mọi thứ mà tôi ao ước nhưng rồi tôi chợt nhận ra với tất cả những thứ (vật chất) đó, tôi không hề hạnh phúc", Millburn nói.

Khi đang hoang mang và lạc lối, Millburn tình cờ quen Colin Wright, một người đã đi vòng quanh thế giới chỉ với một chiếc balô chứa 51 món đồ. Được truyền cảm hứng, Millburn quyết định tìm hiểu sâu hơn về những người theo chủ nghĩa tối giản. 

Ban đầu, anh chỉ dám bỏ đi những thứ có giá trị nhỏ và mỗi tháng vứt đi một đồ vật. Sau đó, anh giải phóng tủ quần áo, cho bớt những chiếc áo sơ-mi hiệu Brooks Brothers có giá khoảng 100 USD. Tiếp đến là chồng băng đĩa DVD. Khi bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn, anh nói lời tạm biệt với tất cả TV trong nhà, rồi bán bớt giầy dép, đồ làm bếp, đồ điện tử và cả tác phẩm nghệ thuật mà anh đã mất công sưu tập. Cuối cùng, Millburn dọn tới ở trong một căn nhà nhỏ hơn. 

Joshua Fields Millburn (trái) và Ryan Nicodemus thực hiện bộ phim tài liệu "Sống tối giản: Những điều quan trọng trong cuộc sống của bạn"
 Joshua Fields Millburn (trái) và Ryan Nicodemus thực hiện bộ phim tài liệu "Sống tối giản: Những điều quan trọng trong cuộc sống của bạn"

Joshua Becker ở bang Arizona bắt đầu sống tối giản từ năm 2008 sau khi nhận ra rằng thời gian anh dọn dẹp và chăm sóc xe cộ còn nhiều hơn thời gian anh dành cho con trai nhỏ hai tuổi.

"Tất cả những thứ vật chất mà tôi có đều không khiến tôi hạnh phúc. Tệ hại hơn, chúng làm tôi xao lãng, quên đi những điều quan trọng nhất trong đời mình," Becker nói. 

Becker thú nhận rằng hai vợ chồng anh bị ảnh hưởng bởi văn hóa tiêu dùng của người Mỹ, chạy đua với hàng xóm trong việc sắm sửa đồ đạc, cố gắng gây ấn tượng với người khác bằng nhà cửa, xe cộ và quần áo. "Tôi tự hỏi có phải mình đang cố bù đắp cho sự tự ti bằng những thứ vật chất này không?", Becker nhớ lại. 

Thống kê cho thấy người Mỹ mua sắm ngày một nhiều. Vào năm 1930, trung bình một người phụ nữ chỉ sở hữu 36 món đồ quần áo. Ngày nay, con số đó đã lên tới 120 và đáng lưu ý là 80% trong số đó không bao giờ được mặc tới. Và một bộ phận người Mỹ, đặc biệt là những người từ 18-34 tuổi chiếm hơn 1/4 dân số, đang chọn lối sống tối giản, đi ngược lại xu thế chung của xã hội.

"Thế hệ Y, tức những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000, quan tâm nhiều đến lối sống hơn là vật chất. Họ không thích mua sắm như thế hệ trước", chuyên gia bán lẻ Robin Lewis nhận xét. Theo một khảo sát, 78% những người thuộc thế hệ Y cho biết "sẵn sàng trả tiền cho những trải nghiệm hơn tiêu vào việc mua sắm vật chất".

Tại Nhật, danshari, trong tiếng Nhật có nghĩa là tiến tới lối sống tối giản, bao gồm ba ký tự Dan (từ chối), Sha (vứt bỏ), và Ri (tránh xa). Phong cách sống Danshari bắt đầu trở nên phổ biến ở Nhật.

Nhiều người theo đuổi cách sống Danshari với mục đích giúp cuộc sống trở nên đơn giản, không mất nhiều thời gian cho việc dọn dẹp và mua sắm đồ đạc. Một số khác nhận thấy sau khi rũ bỏ vật chất, những điều họ thật sự yêu thích và trân trọng trong cuộc đời sẽ thật sự trở nên rõ ràng.

Chẳng hạn như họ sẽ gặp gỡ bạn bè nhiều hơn hoặc đi du lịch thường xuyên hơn thay vì lãng phí thời gian vào việc mua sắm liên miên và chất đầy nhà những thứ mình không thực sự thích hoặc cần. 

"Con người trong xã hội hiện đại lúc nào cũng thèm muốn sở hữu vật chất nhiều hơn nữa mà không thực sự cân nhắc đến hoàn cảnh sống của mình", Hideko Yamashita, người cổ vũ cho chủ nghĩa Danshari suốt nhiều năm qua, nhận định.

"Khi sống theo chủ nghĩa Danshari, bạn sẽ phải quyết định rũ bỏ những thứ khiến mình vướng bận", Yamashita so sánh việc dọn dẹp nhà cửa cũng giống như dọn dẹp tâm trí.

Theo bà, lối sống Danshari đơn giản, khiêm tốn và thân thiện với môi trường ảnh hưởng sâu sắc bởi tôn giáo phương Đông, nhất là Thiền định trong Phật giáo. Bà Yamashita cho rằng việc tích trữ vật chất chính là nguyên nhân khiến nhiều người không cảm thấy hạnh phúc, và rũ bỏ những đồ vật hữu hình sẽ giúp họ thoát khỏi những ràng buộc vô hình.