Những vụ trộm cướp kỳ quặc thành công nhất lịch sử

(PLO) -Nhiều vụ trộm cướp được coi là hoàn hảo nhất đã được dựng lên và mô tả trong các cuốn tiểu thuyết và phim trinh thám, nhưng trong thực tế những câu chuyện như thế rất khó xảy ra. Tuy nhiên, một số kẻ đạo chích thông minh đã gây nên những vụ án “quỷ khốc thần sầu”, mãi mãi không thể phá án được do hạn chế về nghiệp vụ, kỹ thuật của cảnh sát hoặc những nguyên nhân khác. 
Chân dung Dan Cooper do FBI dựng lại để truy nã
Chân dung Dan Cooper do FBI dựng lại để truy nã

Dưới đây là “Những vụ cướp hoàn hảo nhất” do trang mạng “Oddee.com” bình chọn.

Vụ án anh em sinh đôi trộm kim cương không thể kết tội

Ngày 25/2/2009, 3 kẻ lạ mặt mang mặt nạ đột nhập công ty bách hóa Kaufhaus Des Westens lớn thứ 2 châu Âu ở Berlin. Chúng đột nhập bằng thang dây, tránh được mọi thiết bị báo động tối tân, lấy đi số kim cương, vàng ngọc trị giá 2 triệu euro. Thế nhưng, những kẻ trộm đã phạm phải một sai lầm chết người: để rơi một chiếc găng tay tại hiện trường.

Khi điều tra, cảnh sát đã tìm thấy DNA của nghi phạm để lại trên găng tay. Về lý mà nói, có DNA là đã có thể trực tiếp kết thúc vụ án, sự việc cũng phát triển theo chiều hướng thuận lợi cho đến khi cảnh sát phát hiện ra nguồn DNA đó dẫn họ tới 2 người: một cặp anh em sinh đôi. Căn cứ luật pháp Đức, mỗi cá nhân phải được định tội riêng, trong khi DNA lại là của chung 2 người.

Vì vậy, cặp anh em sinh đôi này sau khi bị bắt đã nhanh chóng được tha bổng mặc dù rất có thể cả 2 anh em họ đều tham gia vụ trộm này. Cũng theo quy định của luật pháp Đức, những nghi phạm bị kết luận là vô tội thì không được công bố tên tuổi, nên tên tuổi của “cặp anh em Zero” này đến nay vẫn còn là một điều bí mật.

Vụ D.B Cooper cướp máy bay

Đây là vụ đào thoát nổi tiếng trên toàn thế giới. Ngày 24/11/1971, trên chuyến máy bay chở khách từ Portland đến Washington, một hành khách đột nhiên đưa cho phi hành đoàn một mẩu giấy, trên có ghi: “Trong túi xách của tao có một quả bom. Nếu cần thiết tao sẽ sử dụng nó. Chiếc máy bay này đã bị tao bắt cóc!”.

Sau đó, gã hành khách tên là D.D Cooper này yêu cầu phải trả cho y 200 ngàn USD loại giấy bạc mệnh giá 20 USD tiền chuộc cùng 2 chiếc dù. Sau khi cho phép chiếc máy bay hạ cánh xuống một sân bay theo thỏa thuận để nhận tiền chuộc và cho 36 hành khách xuống, kẻ không tặc yêu cầu máy bay nạp thêm dầu rồi cất cánh bay tiếp về phía Mexico ở độ cao 3000m với tốc độ chậm nhất có thể.

Sau đó hắn mở cửa khoang phía sau chiếc Boeing 727-100 rồi tung mình nhảy xuống. Tuy một thời gian sau đó người ta đã tìm thấy khoảng 6000 USD trong số 200 ngàn USD tiền chuộc bị đốt cháy dở trong rừng, nhưng D.D Cooper thì mãi mãi biến mất không để lại dấu vết.

Richard Abath bị 2 kẻ cướp trói khi vụ án được phát hiện
Richard Abath bị 2 kẻ cướp trói khi vụ án được phát hiện

Giả mạo cảnh sát để cướp viện bảo tàng

Khoảng 1h sáng ngày 18/3/1990, hai tên cướp hóa trang thành cảnh sát đến viện bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston. Nhân viên bảo vệ trực ca hôm ấy là Richard Abath đã vi phạm quy định, để cho 2 cảnh sát giả này vào trong bảo tàng. Lập tức chống khống chế người này rồi lấy đi các tác phẩm nghệ thuật trị giá 500 triệu USD.

Tuy hóa trang làm giả cảnh sát là một biện pháp thuộc loại cổ lỗ sĩ trong giới đạo chích, thế nhưng cho đến nay vụ án này vẫn không tìm ra bất cứ manh mối gì.

Vụ cướp 300 triệu Yên ở Ngân hàng Tokyo

Ngày 10/12/1968, chiếc xe chở tiền trên có 300 triệu Yên tiền mặt của Ngân hàng Tokyo đang chạy trên đường phố thì bị một chiếc mô tô của cảnh sát chặn lại. Một sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục tiến đến nói với những nhân viên áp tải: “Theo tin mật báo, trên xe của các anh có bom”.

Do trước đó, họ đã từng nhận được tin đe dọa đánh bom nên 4 nhân viên ngân hàng trên xe lập tức ngoan ngoãn xuống xe để người cảnh sát chui vào gầm xe “kiểm tra tìm bom”. Đột nhiên gầm  xe xịt khói đen rồi có cả lửa bốc lên, 4 nhân viên ngân hàng vội chạy tán loạn để tránh nạn. Khi họ bình tĩnh trở lại thì viên “sĩ quan cảnh sát” đã biến mất cùng những thùng tiền.

Hẳn mọi người đều đoán ra: viên cảnh sát là giả, bom cũng là giả, chỉ có vụ cướp tiền trắng trợn là thật. Sau đó cảnh sát Nhật đã tiến hành một cuộc truy lùng quy mô lớn, thậm chí có người bị nghi oan đã tự tử vì bị vu khống, nhưng kẻ trộm thực sự và số tiền bị mất thì mãi đến nay vẫn chưa tìm ra được.

Chiếc mô tô của kẻ cướp mạo danh cảnh sát bị vứt lại hiện trường
Chiếc mô tô của kẻ cướp mạo danh cảnh sát bị vứt lại hiện trường

Vụ cướp kim cương ở Anvers

Trung tâm giao dịch Kim cương Anvers (Bỉ) là nơi mua bán Kim cương lớn nhất Châu Âu, dĩ nhiên cũng là nơi có biện pháp đảm bảo an ninh hoàn thiện nhất. Kho vàng của nó nằm ở tầng ngầm thứ 2, mật mã của khóa có xác suất trùng lặp 1/100 triệu, ngoài ra còn có các thiết bị cảnh báo, chống trộm tối tân, công nghệ cao như dò thân nhiệt, radar, hồng ngoại, cảm ứng từ…Ngoài ra còn có một đội bảo vệ tư nhân.

Tuy nhiên tất cả những thứ đó không trở thành vấn đề đối với Leonardo Notarbartolo. Hắn đã tiềm phục ở trung tâm này đã khá lâu với thân phận thương gia buôn bán Kim cương. Ngày 15/2/2003, hắn cùng đồng bọn đột nhập nhà kho, mở được 123 trong số 160 két bảo hiểm rồi trốn thoát.

Mặc dù sau này Leonardo Notarbartolo đã bị tóm và phải nhận án 10 năm tù giam nhưng người ta vẫn thắc mắc hắn làm thế nào để mở được khóa mật mã của 123 chiếc két có mã số riêng biệt? Trả lời phỏng vấn của báo chí, Leonardo Notarbartolo chỉ nói, hắn lập kế hoạch tổ chức vụ trộm này theo chỉ thị của một thương gia kinh doanh Kim cương để được nhận số tiền bảo hiểm cực khủng.

Vụ trộm Ngân hàng First Nation Bank

Ngày 7/10/1977, khi First Nation Bank (Ngân hàng Đệ nhất quốc gia) ở Chicago đóng cửa, một nhân viên cho 4 triệu USD tiền mặt vào hòm rồi đưa vào kho vàng. Kho vàng có lính gác cẩn mật, mọi kẻ khả nghi đều bị chặn lại trước tấm cửa sắt nặng và dày cộp.

Tuy nhiên, sau đó khi mở hòm tiền ra thì tiền đã mất…nhưng không mất hết mà chỉ mất 1 triệu USD – một lượng tiền nặng khoảng 40kg. Sau khi điều tra, FBI không phát hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ngân hàng bị đột nhập. Đến năm 1981, trong một lần truy bắt bọn buôn lậu ma túy, cảnh sát đã phát hiện ra số tiền bị mất trong vụ trộm 4 năm trước được bọn tội phạm mang ra sử dụng, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra được tung tích bọn trộm, vụ án vẫn chưa bị phá.

Vụ cướp cửa hàng vàng bạc Harry Winston

Ngày 5/12/2008, 5 tên cướp xông vào cửa hàng vàng bạc Harry Winston ở Paris, dùng súng ngắn và lựu đạn uy hiếp các nhân viên rồi cướp đi số vàng ngọc trị giá tới 108 triệu USD.

Dragan Mikic thủ lĩnh băng 'Pink Panthers' khi bị bắt
Dragan Mikic thủ lĩnh băng 'Pink Panthers' khi bị bắt

Sau khi tiến hành điều tra, cảnh sát phát hiện thấy nhóm cướp này là một băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia có tên “Pink Panthers” đã từng cướp 120 cửa hiệu vàng bạc ở hơn 20 nước. Theo Interpol, thủ đoạn của chúng rất đa dạng, tỷ lệ thành công rất cao. Trong vụ cướp cửa hiệu Harry Winston này, chúng thậm chí đã sử dụng loại mặt nạ ngụy trang trong phim “Mission: Impossible” để cải trang thành phụ nữ để hành động.

Đã có rất nhiều thành viên trong băng nhóm này bị bắt, thậm chí tên cầm đầu là Dragan Mikic cũng từng phải ngồi nhà đá, nhưng năm 2005, chúng đã tổ chức thành công cuộc cướp ngục. Đầu tiên chúng sử dụng súng máy bắn vào tường nhà tù, khi các lính gác bận đối phó với cuộc tấn công thì Dragan Mikic đã sử dụng dây thừng để vượt ngục ở một chỗ khác.../. (Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 93, ngày 27/2/2017)