Nối lại đàm phán Mỹ - Triều: Những bất đồng cần vượt qua

(PLVN) - Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên khi được nối lại sau cuộc gặp giữa lãnh đạo 2 nước tới đây sẽ cần gạt bỏ những bất đồng đã nổi lên từ các cuộc đàm phán trước đó.
Ông Trump và ông Kim tại cuộc gặp ngày 30/6
Ông Trump và ông Kim tại cuộc gặp ngày 30/6

Theo Reuters, ngày 30/6, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp đầy ngẫu hứng tại khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên. Tại đây, ông Trump cũng đã bước sang lãnh thổ của Triều Tiên, trở thành Tổng thống Mỹ đang tại nhiệm đầu tiên từng đặt chân lên đất Triều Tiên.

“Việc nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên và Mỹ có những cái bắt tay lịch sử tại Panmunjom là một sự kiện đáng kinh ngạc”, hãng thông tấn KCNA đưa tin. KCNA mô tả việc một Tổng thống Mỹ đang tại nhiệm đặt chân lên đất Triều Tiên là “thời khắc lịch sử”.

KCNA cũng cho biết, tại cuộc gặp, 2 nhà lãnh đạo đã đồng ý “nối lại và thúc đẩy các cuộc đối thoại hữu ích để tạo ra một bước đột phá mới trong phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”. Hai bên đã nhất trí thành lập các nhóm để tiến hành các cuộc đàm phán cấp chuyên viên vốn đã bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa 2 nước diễn ra hồi tháng 2 vừa qua.

Tuy nhiên, vẫn còn những khác biệt rất lớn mà 2 nước phải giải quyết để việc đàm phán có thể đạt được kết quả như mong muốn, trong đó có việc phi hạt nhân hóa và bình thường hóa quan hệ - cái nào diễn ra trước, cái nào diễn ra sau và mức độ Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ đối với kho hạt nhân của nước này.

Tại hội nghị thượng đỉnh thứ 2 diễn ra hồi tháng 2 vừa qua, Tổng thống Trump đã đưa ra yêu cầu phá bỏ tất cả các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, bao gồm vận chuyển các vũ khí và vật liệu liên quan tới Mỹ trong khi Chủ tịch Kim chỉ đề nghị đóng cửa tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Theo Reuters, hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy Triều Tiên và Mỹ đã tiến gần hơn tới việc giải quyết những khác biệt về cách đạt được phi hạt nhân hóa, thời gian và lệnh trừng phạt nào sẽ được dỡ bỏ. Về cơ bản, các bên vẫn đang thiếu một định nghĩa chung về phi hạt nhân hóa. 

Một số chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump đã sai lầm khi tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Chủ tịch Kim tại Singapore hồi năm ngoái đưa việc xây dựng mối quan hệ mới lên ưu tiên hàng đầu trong tuyên bố chung trong khi việc phi hạt nhân hóa chỉ xếp thứ 3. Tờ New York Times ngày 1/7 dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Mỹ đang tìm cách làm mềm cách tiếp cận của nước này đối với vấn đề này, để ngỏ ý tưởng chấp nhận đóng băng hạt nhân, thay vì tháo dỡ hoàn toàn và thừa nhận ngầm rằng Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.

Cùng với đó, việc dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên đã được nước này đề nghị tại hội nghị thượng đỉnh với Mỹ hồi tháng 2 vừa qua cũng là một vấn đề phức tạp. Theo các chuyên gia, ngay cả khi các cuộc đàm phán cấp độ làm việc được hồi sinh dẫn đến việc đóng cửa lò phản ứng Yongbyon, quá trình này có thể sẽ mất nhiều năm, thậm chí sau khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc.

Mong muốn của Triều Tiên cũng là vấn đề cần làm rõ. Bình Nhưỡng đã công khai kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ và Liên Hợp quốc áp đặt. Bước đi đầu tiên này có thể giúp chính thức chấm dứt chiến tranh liên Triều và thiết lập văn phòng liên lạc giữa 2 bên. 

Bên cạnh đó, Triều Tiên từ lâu cũng kêu gọi ký hiệp ước hòa bình với Mỹ để bình thường hóa quan hệ và chấm dứt tình trạng chiến tranh về kỹ thuật giữa các bên. Hàn Quốc cho hay việc mở cửa trở lại khu công nghiệp Kaesong và các tour du lịch tới núi Kumgang cùng các dự án liên Triều có thể đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Song, hiện cũng có những ý kiến lạc quan về việc Triều Tiên đổi người đàm phán.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, vòng đàm phán mới nhiều khả năng sẽ diễn ra giữa tháng 7 tới, trong đó phái đoàn của Mỹ sẽ do đặc phái viên về Triều Tiên Stephen Biegun dẫn đầu. Về phía Triều Tiên, người đứng đầu phái đoàn của nước này thay thế ông Kim Yong Chol – một tướng quân đội có quan điểm cứng rắn – vẫn chưa được công bố.

Các nhà phân tích cho rằng, đại diện đàm phán mới của Triều Tiên có thể đồng nghĩa với việc sẽ có cơ hội tốt hơn để đạt được những đột phá về phi hạt nhân hóa.