'Nóng' dần cuộc đua vào Điện Elysée

(PLO) -5 ứng cử viên đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trong cuộc đua vào Điện Elysée vừa có cuộc tranh luận trực tiếp trên kênh truyền hình TF1 và LCI tối ngày 20/3/2017. 
5 ứng cử viên hàng đầu trong cuộc tranh luận trực tiếp trên kênh truyền hình TF1 và LCI tối ngày 20/3.
5 ứng cử viên hàng đầu trong cuộc tranh luận trực tiếp trên kênh truyền hình TF1 và LCI tối ngày 20/3.

Đây là lần đầu tiên các ứng cử viên tổng thống Pháp cùng được mời tham gia một chương trình tranh luận trực tiếp trước khi diễn ra cuộc bầu cử vòng một dự kiến vào ngày 23/4 tới. 

Sôi nổi và hấp dẫn

5 ứng cử viên tham gia cuộc tranh luận gồm: cựu Thủ tướng François Fillon - đại diện cho cánh hữu và đảng Những người Cộng hòa (LR), cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon - đại diện cho cánh tả và đảng Xã hội (PS), bà Marine Le Pen  - Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), ứng cử viên trung dung - cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron và nhà lãnh đạo phong trào cực tả "Nước Pháp bất khuất" Jean-Luc Mélenchon.

Cuộc tranh luận được chia thành ba phần với các chủ đề: mô hình xã hội, mô hình kinh tế và vị trí của Pháp trên trường quốc tế. Tại cuộc tranh luận, các ứng cử viên đã so sánh, tranh luận về từng vấn đề cụ thể như giải pháp cho nạn thất nghiệp, tuổi nghỉ hưu, tuần làm việc 35 giờ, chăm sóc y tế, cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề tước quốc tịch, quan hệ với các nước lớn như Nga và Mỹ…

Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất do hãng Elabe tiến hành cho kênh truyền hình BFMTV, ứng cử viên Emmanuel Macron đã vượt lên dẫn đầu với 25,5% ủng hộ, bà Marine Le Pen đứng thứ hai với 25% (giảm 1%), cựu Thủ tướng François Fillon chỉ còn nhận được 17% (giảm 1,5%) trong khi hai ứng cử viên Benoît Hamon và Jean-Luc Mélanchon bám đuổi nhau sít sao với 13,5% và 13%. 

 “Cuộc đua” của 11 ứng cử viên

Theo luật bầu cử Pháp, một ứng cử viên tổng thống phải có được ít nhất 500 phiếu bảo trợ đến từ ít nhất 30 tỉnh. Các phiếu này là của các nghị sỹ, thị trưởng, ủy viên hội đồng vùng, tỉnh và trên toàn nước Pháp. Có khoảng 42.000 người có quyền bỏ phiếu bảo trợ như vậy. Danh sách các ứng cử viên đủ điều kiện tham gia bầu cử đã được chốt vào ngày 17/3 vừa qua.

Theo Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Laurent Farbius, số lượng ứng cử viên lần này nhiều hơn một người so với cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2012, trong đó có 9 nam và 2 nữ. Tổng cộng năm nay có 11 ứng cử viên và nổi bật lên trong đó vẫn là cựu Thủ tướng François Fillon, cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon, bà Marine Le Pen, và cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron. 

Tuy nhiên, vừa bị tòa án truy tố với cáo buộc “lạm tiêu công quỹ”, “lạm dụng tài sản công” và “khai báo không đầy đủ với Cơ quan Minh bạch công vụ”, thì khả năng chiến thắng của cựu Thủ tướng Fillon rất mong manh.

Cựu Bộ trưởng giáo dục Benoit Hamon cũng không giành được sự tín nhiệm cao trong các cuộc thăm dò gần đây bởi kết quả điều hành yếu kém cùng sự chia rẽ trong đảng Xã hội (PS) cầm quyền khiến một số thành viên chủ chốt của PS từ chối ủng hộ. 

Dư luận cho rằng, nhiều khả năng bà Marine Le Pen và cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron sẽ là hai ứng cử viên vượt được qua cuộc bầu cử vòng 1 (ngày 23/4) và cùng bước vào vòng 2 trong cuộc đua tranh chức tổng thống Pháp (ngày 7/5). Nhưng bà Le Pen cũng đang vướng vào cáo buộc lạm dụng công quỹ của Nghị viện châu Âu (EP) để trả lương cho các trợ lý. 

“Ẩn số” được xem là có thể gây bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017 chính là ứng cử viên Macron, 39 tuổi, ứng cử viên độc lập và không theo phe tả hay hữu, đang thu hút sự ủng hộ, đặc biệt là của giới trẻ. Tuy nhiên, ông Macron lại chưa đưa ra được chi tiết chương trình hành động nhằm giúp nước Pháp đối phó với những thách thức kinh tế và an ninh hiện nay. 

Càng gần sát đến ngày bầu cử, các ứng cử viên sẽ tận dụng mọi cơ hội để tìm ra những điểm yếu của nhau. Vì vậy cuộc đua vào Điện Elysée sẽ còn nhiều diễn biến kịch tính và khó đoán.

Đọc thêm