Nữ Tổng thống đối mặt phiên luận tội

(PLO) - Không những ghế Tổng thống, mà cả sự nghiệp chính trị của nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff sẽ được định đoạt tại cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện, dự kiến sẽ diễn ra vào thượng tuần tháng 5. 
Tổng thống Dilma Rousseff
Tổng thống Dilma Rousseff

Nếu bị kết tội, bà Dilma Rousseff sẽ là Tổng thống đầu tiên bị luận tội trong hơn 20 năm qua tại Brazil - quốc gia có cử tri nữ nhiều hơn cử tri nam, nhưng chỉ có khoảng 10% trong tổng số 513 ghế tại Hạ viện là phái đẹp, nơi vừa phê chuẩn luận tội nữ Tổng thống đầu tiên. 

Cuộc đảo chính ở Quốc hội

Ngày 19/4, phát biểu tại buổi lễ ở thủ đô Caracas, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho rằng, “cuộc đảo chính ở Quốc hội” Brazil là mối đe dọa đối với cả châu Mỹ và coi đây là chiến dịch chống phá của đế quốc nhằm vào các chính phủ nhân dân nhằm tái lập mô hình chủ nghĩa tự do mới ở khu vực này. Tổng thống Nicolas Maduro nhiều lần bày tỏ tình đoàn kết với Tổng thống Dilma Rousseff. 

Cùng ngày, khi phát biểu tại cuộc họp báo ở Brasilia, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff tuyên bố, khởi động quá trình luận tội nhắm vào bà sẽ gây tổn hại đến sự ổn định chính trị của Brazil và đây là việc làm "phá hoại nền dân chủ". Bà tố cáo việc làm của phe đối lập là hành động đảo chính và khẳng định, việc phế truất Tổng thống là không có cơ sở pháp lý.

Ngoài ra, bà Dilma Rousseff còn cảnh báo, tiến trình luận tội sẽ làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay và cho rằng, khả năng luận tội bà mang tính chất kì thị giới tính. Trước đó, bà Rousseff khẳng định những cáo buộc của phe đối lập là hoàn toàn vô lý bởi các tổng thống trước đây cũng từng làm như vậy (đó chỉ là những con số báo cáo mang tính kỹ thuật) và chưa bao giờ bị đưa ra xét xử vì vi phạm pháp luật. 

Theo giới truyền thông, bà Dilma Rousseff bị cáo buộc vi phạm Luật Trách nhiệm tài chính do đã thay đổi các con số thống kê nhằm giảm bớt tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2014, sử dụng kinh phí bổ sung không có trong dự toán ngân sách, nhưng Hạ viện không biết việc này. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil diễn ra trong thời điểm nước này đang chìm trong khủng hoảng kinh tế - năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%, mức tồi tệ nhất trong ¼ thế kỷ.

Bên cạnh đó, nước này còn phải đối mặt với thâm hụt ngân sách cao, nợ công tương đương 65% GDP, mức tiêu dùng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, đồng nội tệ real mất giá gần 50%, lạm phát ở mức hơn 10%. Cùng với những khó khăn kinh tế, vụ bê bối tham nhũng ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil Petrobras đang khiến tình hình chính trị tại Brazil càng rơi vào bế tắc.

Cựu Tổng thống Lula da Silva vừa tố cáo giới "tinh hoa" Brazil âm mưu lật đổ bà Dilma Rousseff và phá hoại nền dân chủ. Hơn 1 tháng trước, Tòa án Sao Paulo đã ra lệnh tạm giam cựu Tổng thống Lula da Silva, bởi có liên quan tới hoạt động rửa tiền, che giấu tài sản và làm giả giấy tờ. 

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff (phải) và Phó Tổng thống Michel Temer

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff (phải) và Phó Tổng thống Michel Temer

Vì đâu nên nỗi

"Luận tội!" là hàng tít lớn trên tờ Folha de Sao Paulo, hay "Sắp cáo chung" là hàng tít của tờ Globo và giới truyền thông Brazil đều cho rằng, bà Dilma Rousseff “bắt đầu nói lời giã biệt nhiệm kỳ tổng thống của mình". Động thái này diễn ra sau khi Hạ viện biểu quyết với tỉ lệ áp đảo 367 phiếu thuận và 137 phiếu chống để bắt đầu quá trình luận tội Tổng thống Dilma Rousseff.

Theo người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng Edinho Silva thừa nhận, hoàn cảnh hiện nay của Tổng thống Dilma Rousseff là khó khăn. Chỉ trong khoảng 1 tháng đã có tới 4 đảng tham gia liên minh với chính phủ lần lượt rời nội các, quay ra ủng hộ phe đối lập bỏ phiếu phế truất bà Dilma Rousseff. Ngày 12/4, đảng Tiến bộ (PP) rút khỏi liên minh cầm quyền. Cùng ngày 12-4, 22 nghị sĩ đảng Cộng hòa Brazil (PRB) cũng nhận lệnh bỏ phiếu ủng hộ động thái kể trên. 

Theo giới chuyên môn, cuộc bỏ phiếu luận tội bà Rousseff ở Hạ viện hôm 17/4 là chưa từng có. Và việc luận tội bà Dilma Rousseff là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1/4 thế kỷ bởi năm 1992, ông Fernando Collor de Mello đã phải rời ghế Tổng thống sau khi bị luận tội. Kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện có thể là khởi đầu cho sự kết thúc quyền lực của Tổng thống Dilma Rousseff và Công đảng cầm quyền. Để xảy ra thảm cảnh kể trên, trách nhiệm trước hết thuộc về Công đảng và bà Dilma Rousseff khi bị cáo buộc đã dối trá về các con số phục vụ cho tranh cử của mình và không xử lý thỏa đáng sau khi bị “réo tên”.

Lãnh đạo Công đảng cầm quyền ở Hạ viện Jose Guimaraes tuyên bố, những kẻ âm mưu đảo chính đã thắng, nhưng coi đó chỉ là "thất bại tạm thời", cuộc chiến sẽ tiếp tục trên đường phố và tại Thượng viện. Bộ trưởng Tư pháp Jose Eduardo Cardozo coi cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện là "một cuộc đảo chính chống lại dân chủ".

Theo quy trình, từ nay đến ngày 11/5, Thượng viện sẽ xem xét bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nữ Tổng thống, phiên do Chánh án Tòa án Tối cao chủ trì. Giới bình luận coi việc Hạ viện bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà Dilma Rousseff là bước tiến lớn của sự chấm dứt 13 năm nắm quyền của Công đảng tại quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới. Và cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Brazil là "một trang tồi tệ nhất" trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này.

Theo kết quả thăm dò ý kiến, có tới 60% trong 200 triệu người dân Brazil ủng hộ luận tội bà Dilma Rousseff. Theo hãng AFP, trong khi Hạ viện họp, khoảng 53.000 người mặc quần áo màu xanh và vàng đã biểu tình ủng hộ luận tội nữ Tổng thống, và khoảng 26.000 người mặc quần áo màu đỏ ủng hộ bà Dilma Rousseff.

Vai trò của PMDB

Nếu 41 trên tổng số 81 nghị sĩ tại Thượng viện thông qua đề xuất phế truất, Tổng thống Dilma Rousseff sẽ phải rời nhiệm sở trong vòng 180 ngày sau đó. Phó Tổng thống Michel Temer, người của đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) từng tham gia liên minh cầm quyền với Tổng thống Dilma Rousseff, nhưng đã chấm dứt việc này hôm 29/3, sẽ nắm quyền (theo quy định của Hiến pháp) tới hết nhiệm kỳ vào ngày 31-12-2018.

Mặc dù làm Phó Tổng thống từ năm 2011, nhưng trong nhiệm kỳ thứ hai bắt đầu từ năm 2015 của bà Dilma Rousseff, quan hệ giữa ông Michel Temer và nữ Tổng thống xuất hiện rạn nứt, đặc biệt từ cuối năm ngoái. Và ngày 29/3, đảng PMDB của ông Michel Temer, chính đảng lớn nhất Brazil đã quyết định rời khỏi nội các của Tổng thống Dilma Rousseff.

Tuy là người thay thế duy nhất, nhưng ông Michel Temer cũng đang bị Tổng thống Dilma Rousseff, giới truyền thông và dư luận coi là kẻ phản bội, kẻ cơ hội chính trị và bị nêu tên trong vụ tham nhũng tại Petrobas. Và ông Michel Temer cũng không hoàn toàn “sạch sẽ” trong vụ bê bối của bà Dilma Rousseff. Tổng thống Dilma Rousseff từng cáo buộc đây là âm mưu đảo chính và chỉ đích danh Phó Tổng thống Michel Temer và Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha là chủ mưu.

Trước đó, trả lời báo giới, bà Dilma Rousseff  tuyên bố, sẽ chiến đấu tới giờ phút cuối cùng để chống lại âm mưu đảo chính đang diễn ra tại Quốc hội. Bà đặc biệt phẫn nộ về đoạn ghi âm bị rò rỉ hôm 11/4, bởi trong đó ông Michel Temer tập dượt bài phát biểu sau khi nữ Tổng thống bị luận tội.

Theo số liệu của Congresso em Foco, tổ chức giám sát tham nhũng có danh tiếng ở Brazil, hơn 300 nghị sỹ biểu quyết chống lại bà Dilma Rousseff đang bị điều tra tham nhũng, gian lận hoặc vi phạm bầu cử, thậm chí Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha, đang bị cáo buộc nhận hối lộ 5 triệu USD trong vụ Petrobas. Bộ trưởng Tư pháp Jose Eduardo Cardozo từng tố cáo Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha (một trong những người chủ mưu thúc đẩy việc xét xử Tổng thống Dilma Rousseff) nằm trong đường dây nhận hàng triệu USD từ Petrobras. 

Hơn 1 tháng trước, Tòa án Tối cao Brazil đã cho phép truy tố ông Eduardo Cunha, dựa theo cáo buộc của Trưởng công tố Rodrigo Janot và người phát ngôn của Ủy ban Đạo đức Hạ viện Brazil. Ông Eduardo Cunha và ông Solange Almeida đã tham gia vào quá trình thuê các tàu trắc địa của Tập đoàn Samsung Hàn Quốc với giá hàng tỷ USD, qua đó bỏ túi “hoa hồng” lên tới 40 triệu USD.

Khi trả lời trước Ủy ban Đạo đức của Hạ viện, doanh nhân Leonardo Meirelles, người đã đồng ý hợp tác với cơ quan điều tra trong vụ bê bối của Petrobras cho biết, có đủ biên lai ngân hàng về việc chuyển tiền cho ông Eduardo Cunha.

Ông Leonardo Meirelles tuyên bố đã giao số tiền kể trên cho doanh nhân Alberto Yousseff, và người này chuyển hơn 5 triệu USD cho Chủ tịch Hạ viện. Số tiền hối lộ này được dùng để Tập đoàn Samsung Hàn Quốc giành được hợp đồng thuê 2 giàn khoan dầu của Petrobras trong năm 2012. 30 nghị sỹ từng yêu cầu ông Eduardo Cunha phải từ chức vì bị tình nghi nhận hối lộ của Petrobras. Và cơ quan điều tra cũng đã phát hiện 5 tài khoản của Chủ tịch Hạ viện và người thân tại ngân hàng Thụy Sĩ, trong đó có nhiều khoản thu bất chính.../.

Đọc thêm