Ông Donald Trump bị tố bí mật liên lạc 18 lần với Nga

(PLO) - Các quan chức Mỹ đương nhiệm và về hưu cho biết, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn và các cố vấn khác trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã ít nhất 18 lần bí mật liên lạc với các quan chức Nga, thông qua điện thoại hoặc email trong 7 tháng cuối cùng của cuộc đua vào vị trí tổng thống Mỹ năm 2016. 
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Theo Reuters, những thông tin trên dựa trên tiết lộ từ các quan chức Mỹ đang đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu hiểu biết về vấn đề. Những cuộc trao đổi chưa được tiết lộ trước đây là một phần trong hồ sơ đang được FBI và các nhà điều tra Quốc hội xem xét về nghi án Nga can thiệp tiến trình bầu cử Mỹ cũng như sự tiếp xúc giữa nhóm tranh cử của ông Trump và Nga. 

18 lần liên lạc bí mật với Nga

Các thành viên của Ủy ban Tình báo thượng viện và hạ viện Mỹ đã tới trụ sở Cơ quan tình báo trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) để xem xét các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ. 

Được biết, 18 cuộc gọi và email bắt đầu diễn ra từ tháng 4-11/2016, thời điểm mà tin tặc tấn công thư điện tử của bà Clinton. Việc này được các tình báo Mỹ hồi tháng 1/2017 cho rằng là hoạt động nằm trong chiến dịch của điện Kremlin để hạ bệ uy tín của bà Clinton và giúp ông Trump giành chiến thắng. 

Nguồn tin từ 3 quan chức đương nhiệm và về hưu, trong số các lần liên lạc có ít nhất 6 lần là các cuộc điện đàm giữa ông Sergei Kislyak- Đại sứ Nga tại Mỹ  với các cố vấn của ông Trump trong đó bao gồm cả ông Flynn - cựu Cố vấn An ninh quốc gia. Không những thế, các cuộc thảo luận giữa ông Flynn và ông Sergei tăng lên sau cuộc bỏ phiếu ngày 8/11/2016 khi hai quan chức này thảo luận về thiết lập kênh liên lạc giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Cũng vào hồi tháng Giêng, Nhà Trắng ban đầu phủ nhận mọi liên hệ với các quan chức Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016, tuy nhiên sau đó lại xác nhận đã có 4 cuộc gặp diễn ra giữa ông Sergei và các cố vấn của ông Trump trong suốt cuộc tranh cử. 

Ngoài 6 cuộc điện thoại liên quan đến ông Sergei Kislyak, còn có thêm 12 cuộc điện thoại, tin nhắn văn bản và email giữa các quan chức Nga với các cố vấn của Trump. Cụ thể trong đó có một cuộc liên lạc với Viktor Medvedchuk- chính trị gia người Ukraine. Cuộc liên lạc có nói tới hợp tác Mỹ-Nga, tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ ông Medvedchuk đã liên lạc với ai.  Điều đáng chú ý nữa là, Tổng thống Putin là cha đỡ đầu của con gái ông Medvedchuk. Tuy nhiên, phía ông Medvedchuk lại bác bỏ mọi liên hệ với bất cứ ai trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, “Tôi không quen với bất kỳ người cộng sự vào của Donald Trump, do đó không có cuộc đối thoại nào như vậy diễn ra”. 

Bên cạnh ông Medvedchuk và Kislyak, danh tính của những người thân cận, quen biết với Tổng thống Putin liên lạc với phía Trump vẫn đang được phân loại. Tên của các cô vấn cho ông Trump ngoài ông Flynn ra vẫn còn được “niêm phong” trong các báo cáo tình báo do bảo vệ tính riêng tư của công dân Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức có thể yêu cầu được tiết lộ vì mục đích tình báo.

Nga phản pháo

Ngay sau khi biết thông tin về sự vụ, phía Nga cũng ngay lập tức đưa ra phản hồi của mình. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, ông không thấy có điều gì là bí mật trong cuộc gặp với ông Trump vì thông tin liên quan từng được nhắc đến trước đó. “Theo tôi nhớ, khoảng một hay hai tháng trước, chính quyền ông Trump có lệnh cấm mang laptop lên máy bay từ 7 nước Trung Đông và điều đó có liên quan trực tiếp tới một mối đe dọa khủng bố. Tôi không thấy có gì bí mật ở đây”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng thẳng thắn tuyên bố,  Moscow sẵn sàng cung cấp cho Thượng viện và Quốc hội Mỹ bản tốc ký ghi nội dung các cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng thống Donald Trump, nếu Washington có mong muốn như vậy. 

Cựu Giám đốc FBI phụ trách điều tra cáo buộc Trump-Nga

Trong một diễn biến liên quan, ngày 18/5 Bộ Tư pháp Mỹ mới đây đã bổ nhiệm cựu Giám đốc FBI Robert Mueller làm cố vấn đặc biệt để điều tra về các cáo buộc giữa Tổng thống Trump và Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ. 

Theo Reuters, động thái này được cho là để kiềm chế làn sóng chỉ trích quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey của Tổng thống Trump, trong bối cảnh ông Comey đang đẩy mạnh việc điều tra mối liên hệ giữa đội ngũ tranh cử của vị tỷ phú này và giới chức Nga. Không những thế, Đảng Dân chủ và một số đảng viên Đảng Cộng hòa cũng đã yêu cầu điều tra độc lập về việc liệu Nga có dính líu đến kết quả cuộc bầu cử Mỹ nhằm ủng hộ Trump và chống lại ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton. 

Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein đã chọn ông Robert Mueller- cựu Giám đốc FBI là người tiếp nhận cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang về cáo buộc “Nga tìm cách can thiệp bầu cử Mỹ 2016 và các vấn đề liên quan”. Ông Rosenstein cho rằng, việc bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt là cần thiết để người Mỹ tin tưởng hoàn toàn vào kết quả chung cuộc, chứ không phải nhằm truy tìm tội phạm hay truy tố ai. Ông cũng khẳng định rằng, một cố vấn đặc biệt là cần thiết trong bối cảnh này để người dân Mỹ có thể tin tưởng vào kết quả điều tra cuối cùng. 

Trả lời phỏng vấn CBS News, ông Mueller tuyên bố: “Tôi chấp nhận trọng trách này và sẽ thực hiện nó một cách tốt nhất”. Được biết, ông Robert Mueller (72 tuổi), từng phục vụ quân đội ở vị trí sĩ quan thủy quân lục chiến. Ông cũng từng là công tố viên liên bang, được cựu Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm chức vụ Giám đốc FBI một tuần trước vụ tấn công lịch sử 11/9/2001. Năm 2011, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, ông được tín nhiệm giao tiếp tục lãnh đạo Cục điều tra liên bang trong 2 năm nữa. Ông chuyển giao chức vụ cho James Comey vào năm 2013.

Trong một tuyên bố sau khi Bộ Tư pháp đưa ra quyết định trên, ông Trump nói rằng muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề, “Như tôi đã nói nhiều lần, một cuộc điều tra kỹ lưỡng sẽ xác nhận những gì đã xảy ra, không hề có sự thông đồng nào trong chiến dịch tranh cử của tôi với bất kỳ tổ chức nước ngoài nào cả. Tôi mong chờ vấn đề này kết thúc nhanh chóng. Đồng thời, tôi sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh vì người dân và các vấn đề quan trọng nhất đối với tương lai đất nước chúng ta”, Tổng thống Trump cho biết.