Ông Putin nói gì về cáo buộc Nga đầu độc Navalny?

(PLVN) - Trong cuộc họp báo cuối năm 2020, Tổng thống Nga Putin một lần nữa bác bỏ cáo buộc lực lượng an ninh Nga đứng sau vụ đầu độc chính trị gia đối lập Alexei Navalny, đồng thời hi vọng Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden có thể giúp giải quyết một số vướng mắc trong quan hệ giữa Matxcơva và Washington.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo cuối năm thường niên, năm nay được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: Mikhail Klimentyev / Tass
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo cuối năm thường niên, năm nay được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: Mikhail Klimentyev / Tass

Tổng thống Putin đã phủ nhận cáo buộc  Nga đứng sau vụ đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny, gọi cuộc điều tra gần đây của Bellingcat là một "sự giả mạo".

Trong phản ứng công khai đầu tiên của Điện Kremlin trước sự việc trên, ông Putin nói rằng, ông Alexei Navalny, người hiện đang điều trị y tế ở Đức, có sự hỗ trợ của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, nhưng đó không phải là lý do để đầu độc ông ta.

"Bệnh nhân Berlin này có sự hỗ trợ của cơ quan tình báo Mỹ. Nếu vậy, các cơ quan tình báo nên để mắt đến anh ta. Nhưng đó không phải là lý do để đầu độc anh ta, tại sao lại phải làm như vậy?"

“Ai cần đầu độc anh ta”, ông nói, phủ nhận rằng cơ quan gián điệp FSB của Nga có liên quan, "Nếu họ muốn (đầu độc anh ta) thì có lẽ họ đã làm được rồi."

Tổng thống Nga cho biết ông đã được nghe báo cáo của Bellingcat cáo buộc FSB cử một đội tấn công đầu độc Navalny bằng chất độc thần kinh Novichok.

Ông cũng gọi Bellingcat, tập thể điều tra do Eliot Higgins thành lập, là một bình phong cho các cơ quan tình báo nước ngoài. “Đây không phải là một cuộc điều tra, mà là hợp pháp hóa các tài liệu của các cơ quan tình báo Mỹ”, ông nói.

Phát biểu trong cuộc họp báo cuối năm thường niên, ông Putin cũng đề cập đến dịch bệnh COVID-19 đã giết chết 48.000 người ở Nga, theo số liệu thống kê chính thức. Ông cho biết ông "vẫn chưa tiêm phòng vắc-xin" song khẳng định "chắc chắn sẽ tiêm phòng". Ông Putin nhấn mạnh, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bào chế thành công và bắt đầu sản xuất vắc-xin có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm vào khoảng 96-97% theo ý kiến các chuyên gia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng kêu gọi Mỹ gia hạn thêm một năm cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) - dự kiến hết hạn vào đầu tháng 2/2021. Hiệp ước được ký vào năm 2010 này đặt ra giới hạn đối với số lượng đầu đạn, tên lửa và máy bay ném bom hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga được phép sở hữu.

Đặc biệt, ông Putin cho biết Nga đang phát triển vũ khí mới để chống lại tên lửa hạt nhân của nước ngoài và nói Mỹ là bên khởi động cuộc chạy đua vũ trang mới, buộc Nga đáp lại bằng cách phát triển vũ khí siêu thanh.

Ông Putin nói hi vọng tổng thống đắc cử Joe Biden có thể giúp đỡ giải quyết một số vướng mắc trong quan hệ giữa Matxcơva và Washington. Ông cũng khẳng định tin tặc Nga không can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 để hỗ trợ Tổng thống Donald Trump.

Đọc thêm