Ông Trump bác nguy cơ “xung đột lợi ích” khi lên nắm quyền

(PLO) - Phát biểu tại một cuộc gặp với tờ New York Times, Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump bác bỏ ý tưởng cho rằng sẽ xảy ra xung đột lợi ích giữa việc kinh doanh của gia đình ông và vai trò của ông trên cương vị tổng thống. 
Ông Trump và vợ, con tại lễ khánh thành khách sạn mang tên ông ở Washington
Ông Trump và vợ, con tại lễ khánh thành khách sạn mang tên ông ở Washington

Theo Reuters, luật pháp Mỹ không cấm tổng thống sở hữu các công ty tư nhân đồng thời với việc đảm nhận việc lãnh đạo đất nước. Và các tổng thống Mỹ thường là những người có tiền, nếu không muốn nói là giàu có. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một tổng thống nào của Mỹ khi bước vào Nhà Trắng lại nắm trong tay khối lượng tài sản lớn như ông Donald Trump.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã công khai chi tiết tài sản tài chính dài đến khoảng 100 trang, cho thấy ông tham gia vốn trong hơn 500 pháp nhân kinh doanh và là chủ của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn rải khắp nước Mỹ và thế giới. Chính điều này đã dấy lên những lo ngại về khả năng xung đột lợi ích giữa các tập đoàn kinh doanh của ông Trump với công việc điều hành chính quyền của Tổng thống Trump khi ông này chính thức nhậm chức vào ngày 20/1 tới.

Reuters dẫn lời các chuyên gia cho rằng nhìn vào khối tài sản của ông Trump ngay tại Mỹ cũng đã thấy một số nguy cơ xung đột lợi ích. Ví dụ, một trong số các công trình xây dựng gần đây nhất của công ty do ông Trump làm chủ là một khách sạn hạng sang được xây trên mảnh đất thuê của chính quyền liên bang Washington. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, ông Trump sẽ cùng lúc đại diện cả hai bên. 

Bên cạnh đó, ông Trump đang nắm trong tay hệ thống khách sạn trải khắp từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Uruguay qua Philippines, Hàn Quốc. Ông còn sở hữu nhiều sân golf ở Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, ở Ireland hay Anh. Đây được nhận định là những tài sản có thể dễ dàng làm nảy sinh xung đột lợi ích vì tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng đến chính trị của Mỹ đối với các nước này khi ông Trump làm Tổng thống. 

Để tránh các rắc rối có thể xảy ra, trong thời gian tranh cử, ông Trump đã thông báo sẽ chuyển quyền quản lý các đầu tư cho các con. Song, một số chuyên gia cho rằng giải pháp này không thuyết phục được các nhà chuyên môn về vấn đề đạo đức điều hành chính quyền.

Ông Kenneth Gross - một luật sư ở Washington từng tư vấn cho nhiều chính khách gặp rắc rối với pháp lý - nhận định việc chuyển quyền quản lý tài sản chỉ giải quyết vấn đề thời gian dành cho nhiệm vụ tổng thống chứ không thể ngăn cản được nguy cơ xung đột lợi ích vì các lợi ích của gia đình ông, của con cái ông đều cùng tồn tại với lợi ích của chính ông.

Liên quan đến vấn đề này, Thượng Nghị sĩ Ben Cardin thuộc Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ ngày 22/11 cho biết ông sẽ đệ trình một dự thảo nghị quyết lên Quốc hội Mỹ, theo đó yêu cầu Tổng thống mới đắc cử Trump chuyển tài sản của ông vào các công ty hoạt động phi lợi nhuận hoặc các quỹ ủy thác để đảm bảo rằng việc sở hữu khối tài sản lớn của ông Trump không vi phạm Quy định về thù lao ngoài lương chính của Hiến pháp Mỹ.

Ông Cardin nhấn mạnh nếu ông Trump không tuân thủ yêu cầu này, Quốc hội Mỹ sẽ coi các vụ làm ăn giữa các doanh nghiệp do ông Trump làm chủ với nước ngoài là vi hiến vì vi phạm quy định cấm tổng thống nhận tiền từ nước ngoài.

Tuy nhiên, phát biểu ngày 22/11, ông Trump vẫn từ chối chuyển các tài sản của mình cho người khác. Thay vào đó, ông khẳng định có thể đảm nhận tốt cả 2 công việc mà không gây ra bất cứ vấn đề nào. Ông Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2017, trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ với cam kết sẽ “duy trì và bảo vệ Hiến pháp của Mỹ”. 

Đọc thêm