Phá đường dây làm giả vắcxin ngừa COVID-19 tại Trung Quốc

(PLVN) - Các hãng truyền thông Trung Quốc đưa tin cảnh sát nước này đã bắt giữ hơn 80 người tham gia sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 giả trong chiến dịch ngăn chặn các hoạt động phi pháp liên quan tới vắcxin.
Các kỹ sư làm việc tại phòng thí nghiệm vắcxin COVID-19 Sinovac Biotech ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 4/2020. (Nguồn: AFP)
Các kỹ sư làm việc tại phòng thí nghiệm vắcxin COVID-19 Sinovac Biotech ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 4/2020. (Nguồn: AFP)

Ngày 2/2, các hãng truyền thông Trung Quốc đưa tin cảnh sát nước này đã bắt giữ hơn 80 người tham gia sản xuất  vắcxin ngừa COVID-19 giả trong chiến dịch ngăn chặn các hoạt động phi pháp liên quan tới vắcxin.

Tân Hoa xã đưa tin những các nghi phạm đã tiến hành sản xuất vắcxin giả ít nhất là từ tháng 9/2020. Vắcxin giả là nước muối đẳng trương được bơm vào các lọ thủy tinh và bán với giá cao.

Cảnh sát đã thu giữ hơn 3.000 liều vắcxin giả sau khi đột kích một số địa điểm ở thủ đô Bắc Kinh và nhiều thành phố khác ở các tỉnh Giang Tô và Sơn Đông. Tuy không công bố số lượng vắcxin giả có thể đã được đưa đi tiêu thụ nhưng cảnh sát Trung Quốc khẳng định đã truy được các địa điểm mà những vắcxin này được đưa đến.

Theo báo Global Times, các đối tượng được cho là có ý định tuồn vắcxin giả ra nước ngoài để tiêu thụ.

Là quốc gia đầu tiên phát hiện dịch bệnh, Trung Quốc cũng sớm tham gia cuộc đua phát triển vắcxin. Quốc gia này cũng đã bắt đầu tiêm vắcxin phòng COVID-19 phát triển trong nước cho những người có nguy cơ cao từ giữa tháng 12/2020.

Theo số liệu mới nhất, 23 triệu người dân nước này đã được tiêm vắcxin và mục tiêu đặt ra là đến ngày 12/2 tới, sẽ có khoảng 50 triệu người được tiêm chủng.

Người dân ở Trung Quốc được yêu cầu cảnh giác cao độ và chỉ nên tiêm vắcxin tại các trung tâm tiêm chủng được cấp phép, cũng như báo ngay cho cơ quan chức năng về các trường hợp lừa đảo.

Kể từ khi dịch bùng phát hồi cuối tháng 12/2019, Trung Quốc đã bắt giữ hàng nghìn đối tượng có hành vi phạm pháp trong thời gian dịch bệnh như lan truyền thông tin giả mạo hoặc không tuân thủ quy định phòng dịch.

Đọc thêm