Phá đường dây nô lệ hiện đại cực lớn

(PLVN) - Tuần qua tại phiên tòa, một băng đảng tội phạm đứng sau đường dây buôn bán, bóc lột nô lệ đã bị kết án. Đây là đường dây nô lệ hiện đại “tham vọng nhất, rộng và mưu mô nhất” được phơi bày ở Vương quốc Anh, thậm chí là lớn nhất châu Âu.
8 người trong đường dây nô lệ hiện đại bị kết án
8 người trong đường dây nô lệ hiện đại bị kết án

Bị lừa với mức lương bèo bọt, sống khổ sở

Theo CNN, băng nhóm này được cho là đã kiếm được hơn 2 triệu Bảng Anh từ việc buôn bán người từ Phần Lan. Nhóm băng đảng gồm 5 người, tất cả đều đến từ Phần Lan, đã bị kết án tổng cộng hơn 55 năm tù. Một số đã bị kết án từ hồi tháng 2, nhưng lệnh cấm đưa tin về vụ việc đã hạn chế, cho đến mãi ngày 5/7 vừa qua tên tuổi của chúng mới được tiết lộ.

Cảnh sát ước tính, tổng cộng khoảng 400 nạn nhân, độ tuổi từ 17 đến hơn 60, thường là người vô gia cư, cựu tù nhân hay người nghiện rượu… bị lôi kéo vào đường dây này. Họ được hứa hẹn về cơ hội việc làm và cuộc sống tốt đẹp ở Anh, nhưng đến cuối cùng lại bị ép làm việc ở nông trại và trung tâm tái chế rác thải tại vùng West Midlands và phần lớn số lương phải nộp lại cho bọn buôn người.

Họ phải làm việc với đồng lương ít ỏi: 50 xu Anh một giờ. Sau đó, băng nhóm tội phạm mở tài khoản ngân hàng dưới tên những người lao động này, rồi cướp đi thẻ ngân hàng để rút tiền vào ngày chuyển tiền lương.

Không chỉ bị ép làm việc với mức lương bèo bọt, họ bị bắt phải sống trong những khu nhà ổ chuột dơ bẩn, một số thậm chí còn không có nhà vệ sinh hay lò sưởi. Một số nạn nhân cho biết họ còn bị ép phải làm những công việc cực nhọc như giặt rửa bằng nước ở kênh rạch và phải ăn thức ăn hết hạn, một số còn bị đánh đập.

Theo cảnh sát, một số nạn nhân làm việc tại Sandfields Farms, thuộc G’s, công ty cung cấp hành, cần tây, nấm và củ cải trắng cho các siêu thị. Ít nhất 25 nạn nhân khác bị ép làm công việc chế tạo hàng rào, được đưa vào bán ở các siêu thị như Homebase, Argos, Travis Perkins và Wickes. Các nơi khác có nạn bóc lột nô lệ bao gồm các công ty xử lý rác lớn, các công ty xây dựng - hậu cần, một nông trại gà tây, và một nông trại cung cấp trứng. Các siêu thị đều nói không biết có nạn lao động cưỡng ép từ phía các nhà cung cấp.

Bị coi như hàng hóa

Trước đó, cảnh sát đã bắt đầu tiến hành các hoạt động điều tra vào từ tháng 2/2015, sau khi hai nạn nhân bỏ trốn khỏi nơi giam giữ và được tổ chức từ thiện Hope for Justice giúp đỡ. Cảnh sát trưởng, cán bộ điều tra cấp cao Nick Dale nói, băng nhóm này đã đối xử với nạn nhân như “thứ hàng hóa để phục vụ lòng tham của chúng.”

Dariusz là một trong hai nạn nhân trốn thoát. Ông là một nô lệ hiện đại đã rơi vào tay của mạng lưới buôn người lớn nhất ở Anh. Những kẻ buôn người đã trắng trợn dọa giết và chôn xác ông xuống ngôi mộ trong rừng nếu ông cố chạy thoát. Dariusz sống trong căn nhà hai phòng ngủ với tám người khác và phải ăn đồ hết hạn từ tiệm gần đó. Băng đảng kiểm soát mọi hoạt động của ông.

Công việc của người đàn ông 42 tuổi là vác những thùng hành lá nặng 20 kg từ xe tải đặt vào các khay gỗ. Hành lá sau đó sẽ được đưa vào kho rồi đóng gói nhãn hiệu các siêu thị. Ông không có tiền, cũng không có nhà khi còn ở Bydgoszcz, thành phố phía bắc Ba Lan. “Tôi tưởng đây là cơ hội tốt để ra nước ngoài và kiếm tiền. Tôi tưởng đây là sự khởi đầu mới. Nhưng thật tệ... Cuộc sống của tôi bị những kẻ đó kiểm soát toàn bộ”, Dariusz nói với Sunday Times, “Khi làm việc trên cánh đồng, tôi phải thức dậy lúc 5h sáng và lên xe chở tới chỗ làm lúc 7h sáng. Công việc vất vả. Chúng tôi được hứa trả lương tối thiểu, nhưng tôi không nhận được một xu”.

Hay theo lời kể của một nạn nhân khác, rằng anh ta đã phải tắm rửa ở một con kênh đầy nước bẩn vì không được tiếp cận với nguồn nước sạch. Khi làm việc, nếu bất kỳ ai kêu ca phàn nàn, những thành viên trong băng nhóm sẽ đe dọa, đánh đập hoặc làm nhục họ. Một nạn nhân đã từng bị lột trần trước cả nhóm người lao động, đổ chất tẩy trùng iốt lên người, rồi dọa lấy thận nếu không giữ im lặng.

Bà Emilie Martin, thuộc đơn vị chống buôn người và nô lệ hiện đại của Tổ chức từ thiện Salvation Army nói với CNN rằng nạn buôn bán lao động là vấn đề đang gia tăng ở Anh. Theo Báo cáo thường niên về nạn nô lệ hiện đại, 6.837 nạn nhân nô lệ đã được xác định ở Anh trong năm 2017. Nạn bóc lột lao động được báo cáo nhiều nhất, sau đó là lạm dụng tình dục.

Bà Emilie Martin cho biết không phải tất cả nạn nhân của nạn buôn lao động đều “nhẹ dạ cả tin”, mà đơn giản là những người tìm việc bị lừa bởi những kẻ buôn người chuyên nghiệp để đến Anh và sau đó bị lạm dụng. “Một số người có học thức, là những cá nhân có trình độ cao ứng tuyển cho một vị trí bề ngoài có vẻ thực sự tốt, đến cuối cùng nhận ra là bản thân bị rơi vào cảnh bị bóc lột”. 

Đọc thêm