Phản đối Trung Quốc xây dựng các công trình trên đảo Phú Lâm

(PLO) - Việc Trung Quốc (TQ) xây dựng nhiều công trình trên đảo Phú Lâm thuộc quần Hoàng Sa của Việt Nam là hành vi nghiêm trọng xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Người Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc. Ảnh: Internet
Người Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc. Ảnh: Internet
Theo TTXVN, ngày 14/6 Tân Hoa xã đưa tin, chính quyền cái gọi là “thành phố Tam Sa”, tỉnh Hải Nam, TQ đã động thổ dự án xây dựng nhiều công trình trên đảo “Vĩnh Hưng”, tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 
Cụ thể, nguồn tin dẫn lời Bí thư Thành ủy, Thị trưởng “Tam Sa” Tiêu Kiệt cho biết, trường học và các công trình đồng bộ liên quan là một trong những dự án dân sinh trọng điểm trong năm 2014 của “thành phố Tam Sa”. Dự án này có tổng diện tích quy hoạch là 7.924m2, tổng diện tích xây dựng là 4.650m2, tổng vốn đầu tư là 36 triệu nhân dân tệ, với nhiều công trình như: Thư viện, phòng hồ sơ tài liệu, phòng đa năng, sân chơi, nhà văn hóa... 
Nguồn tin cũng cho biết dự án sẽ hoàn công và đưa vào sử dụng sau một năm rưỡi thi công. Trường có thể mở các lớp mẫu giáo, tiểu học và triển khai các hoạt động giáo dục khác nhằm tiếp nhận khoảng 40 con em của cư dân và quân nhân đóng trên đảo phù hợp các lứa tuổi đến trường .
Những hành vi nói trên của TQ đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên biển Đông. Bởi, Việt Nam có chủ quyền lâu đời và không thể chối cãi đối với quần đảo Hoàng Sa, đơn vị hành chính thuộc thành phố Đà Nẵng. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành vi xâm phạm chủ quyền của phía TQ tại quần đảo này.
Liên quan đến những động thái của TQ trong thời gian qua, ông Gordon Watts - Thư ký Tòa soạn của tờ Phnom Penh Post  cho rằng, căng thẳng trong khu vực đã tăng cao khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phô bày sức mạnh của mình trong các tranh chấp lãnh thổ. Cụ thể, trong vòng 2 năm qua, TQ đã “vung gươm” với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam vì các tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông. 
Ông Watts trích lời Tiến sỹ William Choong - một học giả cao cấp của Đối thoại Shangri-La về an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - nhận định, về cơ bản, TQ luôn khăng khăng rằng nước này có quyền chủ quyền hợp pháp đối với các khu vực rộng lớn trên biển Đông và biển Hoa Đông. 
“Người TQ luôn tự nhắc đi nhắc lại với chính họ rằng họ không phải chú ý đến luật pháp quốc tế khi nói về những tuyên bố chủ quyền như vậy” – ông Choong khẳng định. Tiến sỹ Choong cũng lưu ý việc các nước láng giềng của TQ không chấp nhận việc Bắc Kinh không tuân theo những chuẩn mực về hành vi chung.
Ông Choong cho rằng, dù TQ luôn khẳng định muốn có hòa bình và hợp tác với các nước trong khu vực nhưng TQ sẽ không lùi bước trước những căng thẳng hay xung đột. Vị học giả nhắc lại việc TQ đã dành khoản ngân sách quốc phòng trong năm 2013 lên đến gần 120 tỉ USD, trong đó một phần để nâng cấp hạm đội hải quân như tàu sân bay và hơn 60 tàu chiến. Việc này, theo ông Choong, cho phép Bắc Kinh phô diễn sức mạnh khắp nơi, tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ biển Đông và bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của các nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Ông Choong cho rằng, nếu những hành động của TQ trên biển Đông không vấp phải phản ứng nào, dù là phản ứng quân sự hay phi quân sự, từ các nước tuyên bố chủ quyền ở trong vùng thì TQ sẽ biến ý đồ của họ thành thực tế và mở rộng cơ bản chủ quyền của mình tại vùng biển này. 
Trong khi đó, ông Watts dẫn lời ông Murray Hiebert – một chuyên gia về Đông Nam Á của CSIS – nói về việc nhiều nước Đông Nam Á lại không dám phản đối TQ bởi Bắc Kinh đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của họ và cũng là nhà tài trợ lớn nhất cho một số nước như Campuchia hay Lào. 
Vì vậy, về phía các nước ASEAN, Tiến sỹ Dino Patti Djalal – một nhà ngoại giao hàng đầu Indonesia đề xuất, các nước ASEAN cần phải sử dụng “chính sách bên miệng hố chiến tranh tích cực” hay một cách tiếp cận cứng rắn hơn để đạt được những kết quả như Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).