Pháp: Dùng Luật Lao động 'giải bài toán' việc làm

(PLO) - Cải tổ Luật Lao động nhằm đem lại việc làm cho hơn 3,5 triệu người thất nghiệp trên đất Pháp chính là hồ sơ đầu tiên trong nhiệm kỳ của tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. 
Đem lại việc làm cho hơn 3,5 triệu người thất nghiệp là nhiệm vụ nặng nề của tân Tổng thống Pháp E.Macron
Đem lại việc làm cho hơn 3,5 triệu người thất nghiệp là nhiệm vụ nặng nề của tân Tổng thống Pháp E.Macron

Rút kinh nghiệm từ người tiền nhiệm François Hollande - vị Tổng thống đã mất 2 năm để thông qua các biện pháp cải tổ luật doanh nghiệp nhưng thành quả lại đến quá trễ để có thể giúp ông ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai - ông Macron đã ngay lập tức bắt tay vào việc. 

“Cởi trói” thị trường lao động

Chưa đầy 10 ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Macron đích thân tiếp các công đoàn đại diện cho người lao động và lãnh đạo hiệp hội giới chủ Pháp để “nhanh chóng xúc tiến cải tổ”. Chủ nhân điện Elysée đề ra mục tiêu là luật mới phải được áp dụng kể từ mùa thu này. 

Chương trình cải tổ guồng máy kinh tế Pháp do ông Macron chủ xướng bao gồm rất nhiều các lĩnh vực, từ cải tổ hệ thống bảo hiểm thất nghiệp đến quy chế hưu bổng, từ các khoản đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội của giới chủ đến việc giảm thuế doanh nghiệp; tuy nhiên, hồ sơ khẩn cấp nhất vẫn là đẩy lui nạn thất nghiệp. Để đạt mục tiêu này, tân Tổng thống Pháp cho rằng “cởi trói” cho thị trường lao động là chìa khóa dẫn tới thành công, theo đó, ông chủ trương nới lỏng các quy định về thời gian làm việc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng nhân viên. 

Dự án cải tổ được ông Macron đề xuất bao gồm 3 biện pháp chính: Thứ nhất, trong một giới hạn nào đó, mỗi doanh nghiệp sẽ có quyền hạn rộng rãi hơn trong việc thương lượng với nhân viên về các điều kiện lao động, về khối lượng giờ làm việc hay mức lương. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu hay số giờ làm việc là 35 tiếng một tuần… vẫn được duy trì. Thứ hai, ấn định mức bồi thường tối đa trong trường hợp chủ và nhân viên kiện nhau trước tòa Prud’hommes khi người lao động bị sa thải mà không có lý do chính đáng. Thứ ba là sáp nhập 3 định chế đại diện cho người lao động thành một định chế trong một cơ quan. 

Không dễ dàng

Tuy nhiên, liệu kế hoạch cải tổ đó có giúp nước Pháp đẩy lui thất nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 3,5 triệu người dân đang bị gạt ra ngoài thị trường lao động hay không? Nhiều chuyên gia cho rằng, không dễ khẳng định rằng nạn thất nghiệp ở Pháp hiện tại là do lỗi của Luật Lao động quá gò bó. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu và hầu hết đều cho thấy không có mối liên hệ rõ ràng nào trong việc Luật Lao động ở Pháp quá khắt khe đến mức khiến các công ty ngại tuyển dụng nhân viên vì trên thực tế, nếu một hãng cần tuyển dụng người thì họ vẫn mượn thêm nhân công. 

Ngược lại, Luật Lao động có dễ dãi cho giới chủ nhiều thế nào đi chăng nữa mà không có tăng trưởng, tức là hàng sản xuất ra không có người mua, hay không có ai yêu cầu được cung cấp một dịch vụ nào đó thì chủ nhân cũng không thể nào tuyển dụng thêm người. Không có ngõ thoát cho nạn dư thừa lao động. 

Tuy nhiên, trong chương trình cải tổ, ông Macron quan niệm nếu như luật chơi được quy định rõ ràng, cả về phương diện pháp lý lẫn mức bồi thường thiệt hại thì các doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn khi cần tuyển thêm người. Lẽ dĩ nhiên là tất cả các đề nghị cải tổ Luật Lao động sẽ phải đem ra bàn tranh luận giữa một bên là đại diện của phía chính phủ và bên kia là các công đoàn bảo vệ quyền lợi cho giới chủ và người làm công. 

Một hướng cải tổ khác là việc ông Macron muốn thay đổi thứ tự ưu tiên theo hướng tiếng nói của mỗi doanh nghiệp là quan trọng hơn hết. Pháp hiện đã có Luật Lao động chung cho tất cả mọi ngành nghề và tất cả mọi người. Ở một cấp thấp hơn, mỗi ngành nghề, chẳng hạn như công nghiệp luyện kim hay giáo dục, lại có những đòi hỏi khác nhau. Do vậy, bên cạnh Luật Lao động chung, còn có những thỏa thuận riêng cho từng ngành. Ở một cấp thứ ba, thỏa thuận của từng công ty giữa chủ và nhân viên cũng là điều cần thiết. 

Tân Tổng thống Pháp muốn đạt được 3 mục tiêu cùng một lúc: “cởi trói” cho thị trường lao động để khuyến khích các doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng nhân viên; bảo vệ người lao động; và giảm chi tiêu công cộng. Đạt được cả 3 mục tiêu này là nhiệm vụ bất khả thi. Lý do là bởi nếu muốn bảo vệ giới làm công, bắt buộc Nhà nước phải can thiệp và chắc chắn là chính phủ phải tăng ngân sách; trong khi đó, ông Macron lại chủ trương giảm chi tiêu. 

Ông Macron đối mặt 2 vấn đề: tính cứng nhắc của thị trường lao động tại Pháp và nhu cầu đơn giản hóa Luật Lao động. Bộ luật này được ban hành từ năm 1910 và từ đó đến nay đã rất nhiều lần được sửa đổi. Câu hỏi đặt ra là cách Chính phủ Pháp thương lượng với các đối tác về bộ luật được sửa đổi đó sẽ như thế nào. Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế của Pháp mới chỉ đạt hơn 1% nhưng lại tạo được thêm 200.000 việc làm, là bằng chứng cụ thể nhất cho thấy thị trường lao động Pháp đang khởi sắc trở lại.

Chìa khóa giải quyết thất nghiệp là tăng trưởng, chứ không phải do hợp đồng lao động có mang tính ràng buộc quá hay không. Ngoài tính hiệu quả, trước mắt để cải tổ Luật Lao động Pháp, Tổng thống Macron cần nhận được sự đồng thuận của các công đoàn và sau đó, dự luật còn phải được Quốc hội và Hội đồng Bảo hiến thông qua trước khi có hiệu lực. Tham vọng để một bộ luật mới được ra đời và áp dụng kể từ mùa thu năm nay, gần như chắc chắn là nhiệm vụ bất khả thi.