“Phép vua” thua “lệ làng”

(PLO) -Mối quan hệ giữa Liên minh châu Phi (AU) và các quốc gia trên Châu lục đen với Tòa án quốc tế của LHQ (ICC)  lại một lần nữa trở thành chủ đề nội dung thời sự trên chương trình nghị sự của hội nghị cấp cao thường niên của AU tổ chức tại thủ đô Kigali của Ruanda. 
Tổng thống Sudan Omar al-Bashir
Tổng thống Sudan Omar al-Bashir

Và lại một lần nữa, ICC đã không thắng nổi ICC trong chủ ý ràng buộc các nước châu Phi là thành viên AU và đã ký kết tham gia ICC vào cam kết thực hiện yêu cầu của ICC về dẫn độ đương kim tổng thống Sudan Omar al-Bashir cho ICC để ICC lôi ông Bashir ra xét xử trước vành móng ngựa của ICC ở La Haay (Hà Lan). 

ICC theo đuổi việc truy tố ông Bashir đã từ 8 năm nay với cái buộc ông Bashir phạm tội diệt chủng ở Sudan và Ruanda. AU nói chung và nhiều quốc gia châu Phi nói riêng bất hợp tác và bất tuân thủ  ICC vì cho rằng ICC xét xử không công minh, bị chi phối bởi định kiến thâm thù châu Phi và đặc sệt tính chủ nghĩa thực dân kiểu mới.

Chỉ riêng việc ông Bashir yên ổn công du ngang dọc châu Phi chứ không hề bị bắt giữ mỗi khi đi công cán ra ngoài phạm vi lãnh thổ Sudan, chẳng hạn như tới tham dự hội nghị cấp cao năm nay của AU cũng đủ để cho thấy sự bất lực của ICC. “Phép vua” thua “lệ làng” như thế.

“Phép vua” ở đây là quyền hạn của ICC được phép yêu cầu tất cả những quốc gia đã ký kết tham gia ICC phải hợp tác mỗi khi được ICC yêu cầu, đặc biệt trong việc cung cấp tài liệu liên quan, phối hợp điều tra, xuất hiện trước tòa ở La Haay để điều trần và dẫn độ những cá nhân bị ICC ra lệnh truy nã và bắt giữ quốc tế - như ông Bashir. Về phương diện pháp lý quốc tế thì các nước tham gia ICC bị ràng buộc thật sự vào trách nhiệm này.

Cho tới nay, gần như tất cả các quốc gia châu Phi đều tham gia ICC nhưng cả AU lẫn các nước này đều không đáp ứng yêu cầu của ICC đòi bắt giữ và dẫn độ ông Bashir. Cái lệ của họ ở đây là không sẵn sàng tiếp tay cho ICC, không tạo tiền lệ để ICC làm bùng xung cho ai đó ở bên ngoài châu lục can thiệp vào công chuyện nội bộ của châu lục. Cái lệ ở đây là anh em cùng một nhà trên châu lục không phản nhau để lấy lòng ICC và AU muốn gây dựng vai trò riêng.

Để áp dụng cái lệ làng đối phó với phép vua, AU không ép buộc các thành viên phải đáp ứng yêu cầu của ICC, không có quyết định chung, quan điểm thái độ chung mà để cho từng thành viên tự quyết định. Dù vậy, chủ ý của AU bất hợp tác với ICC và bất chấp yêu cầu của ICC bộc lộ rất rõ khi năm 2014 đã quyết định thành lập Tòa án Châu Phi để xử lý những chuyện liên quan đến châu lục và gạt bỏ ngay từ đầu sự can thiệp của ICC, gián tiếp phủ nhận thẩm quyền của ICC đối với những gì xảy ra trên châu lục.

Tại hội nghị cấp cao năm ngoái ở Addis Abeba (Ethiopia), AU còn tính đến việc tất cả các quốc gia châu Phi đồng loạt và đồng thời ly khai ICC, lập ra nhóm làm việc nghiên cứu ý định này để khuyến nghị lên hội nghị cấp cao AU. Trong mọi trường hợp, AU đều không coi trọng ICC và đều không đếm xỉa đến yêu cầu của ICC.

“Phép vua” của ICC thua “lệ làng” của AU không phải vì AU nói chung và các nước châu Phi nói riêng không đồng tình với tôn chỉ mục đích của ICC mà chỉ với cung cách hoạt động cho tới nay của ICC.

Một khi đã đánh giá ICC có thái độ thù địch và xét xử không công minh như thế, lại giống như sự hồi sinh của tòa án của chế độ thực dân thủa trước trong thời mới thì không có gì là khó hiểu khi AU và các nước châu Phi tạo nên lệ làng để đối phó với phép vua.

Vì ICC được thiết kế tổ chức để xét xử nhưng không có lực lượng thi hành án nên phép vua của ICC càng thêm khó thắng nổi lệ làng của AU và các quốc gia châu Phi.../.