Philippines nhận tàu tuần tra đầu tiên của Nhật

(PLO) - Philippines ngày 18/8 chính thức tiếp nhận 1 trong 10 tàu tuần tra do Nhật Bản viện trợ theo một chương trình viện trợ phát triển chính thức nhằm cải thiện năng lực hàng hải của Manila trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với Trung Quốc đang gia tăng do các tranh chấp ở Biển Đông.
Tàu tuần tra BRP Tubbataha cập cảng Manila ngày 18/8. Ảnh: Kyodo
Tàu tuần tra BRP Tubbataha cập cảng Manila ngày 18/8. Ảnh: Kyodo

Theo hãng tin Kyodo của Nhật, tàu phản ứng đa năng có chiều dài 44m mà Philippines vừa tiếp nhận do Tập đoàn Marine United Nhật Bản đóng. Chi phí đóng tàu được lấy từ khoản vay 7,3 tỉ peso (158 triệu USD) do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cấp cho Philippines. Tàu này sau khi được Philippines tiếp nhận đã được đặt tên là BRP Tubbataha và được biên chế vào Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. 

Tàu trên là tàu đầu tiên trong dự án 10 tàu mà Philippines sẽ nhận từ Nhật Bản. Trong khuôn khổ dự án dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2018 này, chính phủ Philippines sẽ đóng góp 1,4 tỉ peso vào việc đóng tàu.

“Ai mà không tức giận trước những hành vi vi phạm luật hàng hải của chúng ta mà đôi khi dẫn đến những sự cố trên biển hoặc thậm chí gây thương vong? Các ngư dân của chúng ta vẫn bị bắt nạt ngay trong vùng biển thuộc quyền tài phán của chúng ta. Những vụ việc như vậy đã đặt ra yêu cầu cần phải có một lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines hiện đại và được trang bị đầy đủ để có thể phản ứng nhanh chóng trước những kêu gọi giúp đỡ của ngư dân, tham gia vào các nỗ lực giải cứu họ; một lực lượng bảo vệ bờ biển có đủ năng lực kỹ thuật để truy bắt những kẻ săn bắt trộm, buôn lậu, buôn bán ma túy và buôn người, có đủ năng lực để bảo vệ các công dân của chúng ta trước những kẻ bắt nạt trên biển” – William Melad, Chuẩn Đô đốc Philippines, tuyên bố tại lễ tiếp nhận tàu BRP Tubbataha.

Theo Người phát ngôn lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines Armando Balilo, sau khi được biên chế chính thức, tàu BRP Tubbataha nhiều khả năng sẽ được triển khai làm nhiệm vụ tuần tra ở vùng biển mà Philippines tuyên bố có quyền tài phán ở Biển Đông. Philippines từ lâu đã phàn nàn về việc Trung Quốc hung hăng trong việc khẳng định các yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông, cáo buộc Bắc Kinh xua đuổi ngư dân Philippines khỏi khu vực bãi cạn Scarborough và triển khai các tàu thăm dò năng lượng tại khu vực có tranh chấp. 

Sau khi Philippines khởi xướng tiến trình trọng tài năm 2013, Tòa Trọng tài quốc tế hồi tháng trước đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Tòa Trọng tài cũng chỉ trích việc Trung Quốc gây hư hại nghiêm trọng tới môi trường biển thông qua hoạt động cải tạo đất và xây dựng trái phép của nước này ở một số khu vực tranh chấp.

Dù không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích hành vi của Trung Quốc, đồng thời thúc giục Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế và dàn xếp hòa bình các tranh chấp. Ngoài các tàu tuần tra, Nhật cũng đã đồng ý cho Philipines thuê 5 máy bay huấn luyện TC-90 của lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản. 

Theo Business Insider, không quân Mỹ ngày 17/8 đã có động thái “lịch sử” khi điều 3 máy bay ném bom B-52, B-1 và B-2 bay qua Căn cứ không quân Andersen ở Guam, trước khi tới tiến hành tập trận ở Biển Đông và Đông Bắc Á. Cuộc diễn tập, theo tờ báo trên, là câu trả lời của Mỹ cho các hành động của Trung Quốc sau tuyên bố của Tòa Trọng tài như nỗ lực lực thiết lập vùng không cho tàu thuyền qua lại, xâm nhập vùng biển Nhật tuyên bố chủ quyền, điều máy bay ném bom ra đảo tranh chấp.

“Hoạt động này thể hiện cam kết của Mỹ trong việc ủng hộ an ninh toàn cầu cũng như năng lực của chúng tôi trong việc kích hoạt lực lượng phòng vệ chiến lược” - Chuẩn tướng Douglas Cox, chỉ huy cánh số 36 của không quân Mỹ, nói.

Đọc thêm