Philippines: Tổng thống bị cáo buộc phạm luật

(PLO) -Mặc dù vẫn nhận được mức thiện cảm "rất tốt" của người dân sau 6 tháng tại nhiệm (theo kết quả thăm dò mới công bố của tổ chức Social Weather Stations), nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte đang phải đối mặt với cáo buộc phạm luật sau khi tiết lộ từng đích thân tiêu diệt tội phạm khi là Thị trưởng Davao, để làm gương cho lực lượng cảnh sát. 
Tù nhân nằm chật cứng, la liệt trên sàn tại nhà tù Quezon, Philippines
Tù nhân nằm chật cứng, la liệt trên sàn tại nhà tù Quezon, Philippines

“Ở Davao, tôi từng đích thân giết tội phạm để chỉ cho cảnh sát thấy rằng, nếu tôi có thể làm được thì tại sao họ không thể làm”, hãng AFP dẫn lời Tổng thống Rodrigo Duterte nói (tối 12/12) về những vụ tiêu diệt nghi phạm do ông thực hiện trong 20 năm làm Thị trưởng Davao. 

Quyết liệt với ma túy

Bộ trưởng Tư pháp Vitaliano Aguirre đã bảo vệ ông Rodrigo Duterte bằng tuyên bố, Tổng thống không vi phạm pháp luật. “Không phải cứ giết nghi phạm là phạm luật. Sẽ không sao nếu có lý do hợp lý, hoàn cảnh hợp lý", ông Vitaliano Aguirre nhấn mạnh.

Nhưng các đối thủ chính trị của Tổng thống Rodrigo Duterte lại cho rằng, ông đã phạm luật khi giết tội phạm không qua xét xử. Phó Tổng thống Leni Robredo và Tổng thống Rodrigo Duterte có một số bất đồng, nhất là về cuộc chiến chống tội phạm ma túy. 

Trong khi đó, Thư ký truyền thông của Tổng thống, ông Martin Andanar cho rằng, kết quả thăm dò kể trên sẽ thôi thúc ông Rodrigo Duterte thực hiện đầy đủ cam kết xóa sổ tội phạm ma túy trong đời sống xã hội Philippines.

Hãng CNN vừa dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Philippines cho biết, từ ngày 1-7 đến ngày 12/12, đã có 5.927 đối tượng liên quan đến ma túy thiệt mạng trong chiến dịch chống tội phạm ma túy tại Philippines. Trong đó 2.086 người bị tiêu diệt trong các chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy do cảnh sát Philippines tiến hành và 3.841 người thiệt mạng trong các vụ giết người không qua xét xử hoặc do biệt đội sát thủ tại Philippines tiêu diệt.

Ngoài ra, hơn 40.000 nghi phạm khác đã bị bắt vì có liên quan tới việc buôn bán hoặc sử dụng ma túy. Lực lượng cảnh sát cũng cho biết, đã gõ cửa hơn 5 triệu căn nhà để truy bắt các đối tượng buôn bán và sử dụng ma túy. 

Cáo buộc

Theo giới truyền thông, chiến dịch chống tội phạm ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động tuy nhận được sự ủng hộ của đa số người dân, nhưng lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nước và tổ chức quốc tế, đặc biệt là Mỹ.

Nhưng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lại cho rằng, Manila đang tiến hành cuộc chiến chống ma túy đúng cách, và điều này trái ngược hoàn toàn với những chỉ trích của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby, Washington đã rút hàng triệu USD khỏi chương trình kiểm soát ma túy của cảnh sát Philippines, sau khi Manila tiến hành cuộc chiến chống tội phạm ma túy (30-6). Nhà báo người Mỹ Daniel Berehulak, phóng viên ảnh của tờ The New York Times, từng đoạt giải Pulitzer, đã chụp ảnh 41 vụ giết người, với 57 người chết trong 35 ngày có mặt tại Phillippines.

Theo nhà báo Daniel Berehulak (làm việc với Rica Concepcion, phóng viên Philippines có 30 năm kinh nghiệm), họ đi cùng cảnh sát đến hiện trường vụ án hoặc nơi thi thể được tìm thấy. Và người thân hoặc hàng xóm của nạn nhân thường kể chuyện mâu thuẫn với những gì được ghi lại trong hồ sơ của cảnh sát.

Theo tờ Foreign Policy, Cảnh sát trưởng quốc gia Ronald dela Rosa được người dân mến mộ như ngôi sao nhạc rock. Ông Ronald dela Rosa là “nhạc trưởng” của chiến dịch truy quét tội phạm ma túy ở Philippines, do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động từ ngày 1/7. Giới truyền thông đưa tin, thi thể không người nhận còn khá nhiều trong các nhà xác ở Philippines.

Và theo lời người tổ chức tang lễ Alejandro Ormeneta, chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy ở Philippines đã đạt con số kỷ lục - trong hơn 5 tháng đã có gần 6.000 đối tượng liên quan tới ma túy bị chết. Theo lời kể của ông Alejandro Ormeneta, mỗi đêm họ phải xử lý trung bình 5 xác chết, hầu hết đến từ những khu ổ chuột.

Theo thông báo của Cục Quản lý trại giam và hình phạt Philippines, Trung Quốc đã đề nghị cung cấp 700 triệu Peso (khoảng 14 triệu USD) cho các cơ sở giam giữ ở Philippines. Và Manila sẽ dùng số tiền đó để xây dựng trại giam mới ở thành phố Quezon, nơi có sức chứa 800 người, nhưng có khoảng 3.800 tù nhân đang bị giam giữ.