Phong trào Harakah al-Yaqin - Nguy cơ an ninh ở Đông Nam Á

(PLO) - “Harakah al-Yaqin” hay còn gọi là "Phong trào của sự chắc chắn" được sinh ra từ sự cạnh tranh giữa IS và AQIS nhằm giành thêm tân binh cho mạng lưới khủng bố toàn cầu của chúng.
 
Phong trào Harakah al-Yaqin - Nguy cơ an ninh ở Đông Nam Á

Theo Jasminder Singh và Muhammad Haziq Jani - hai chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về bạo lực chính trị và Khủng bố (ICPVTR), tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore - các cuộc tấn công vào cảnh sát Myanmar gần đây do các chiến binh người Rohingya tiến hành ở khu vực biên giới thuộc thị trấn Maungdaw, bang Rakhine chỉ ra chiều hướng xung đột mới giữa người Rohingya và cộng đồng Phật giáo chiếm đa số tại Myanmar.

Dấu hiệu nguy hiểm

Trong ấn bản đầu tiên phát hành hồi tháng 4 vừa qua trên tạp chí Dabiq - cơ quan ngôn luận của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) - một kẻ thánh chiến người Bangladesh tên là Abu Ibrahim kêu gọi những người khác tham gia để giúp người Rohingya bị áp bức và hỗ trợ họ bằng mọi cách có thể. Nhân vật này cũng cảnh báo rằng các phần tử IS ở Bangladesh sẽ bắt đầu thực hiện các hoạt động tại Myanmar trong thời gian tới. Còn trên ấn bản thứ hai do nhánh al-Qaeda ở Tiểu lục địa Ấn Độ-Nam Á (AQIS) đưa ra mang tên al-Balagh nhằm mục đích "phát ngôn bằng tiếng Bengal", liên hệ đến người Hồi giáo ở Myanmar và Philippines đồng thời kêu gọi những người Hồi giáo khác tham gia cuộc chiến chống áp bức.

Kể từ khi các tuyên bố này được đưa ra, một lực lượng khoảng 40-250 tay súng đã được hình thành và lên kế hoạch tấn công vào các sở cảnh sát ở biên giới Myanmar trong hơn 3 tháng qua. Lực lượng này di chuyển bằng thuyền dọc theo tuyến đường ven biển và được hỗ trợ bởi "những người Hồi giáo địa phương" với các mối liên kết chưa được xác minh với Tổ chức đoàn kết Rohingya (RSO).

Phong trào Harakah al-Yaqin được cho là đã tập hợp một lực lượng khoảng 40-250 tay súng, lên kế hoạch tấn công các sở cảnh sát ở biên giới Myanmar trong thời gian qua.
Phong trào Harakah al-Yaqin được cho là đã tập hợp một lực lượng khoảng 40-250 tay súng, lên kế hoạch tấn công các sở cảnh sát ở biên giới Myanmar trong thời gian qua.

Harakah al-Yaqin ra đời thế nào?

Harakah al-Yaqin hay còn gọi là "Phong trào của sự chắc chắn" được sinh ra từ sự cạnh tranh giữa IS và AQIS nhằm giành thêm tân binh cho mạng lưới khủng bố toàn cầu của chúng.

Ngày 9/10 vừa qua, trang mạng xã hội "Facebook" được cho là của RSO đã đăng tải trên trang chủ thông điệp rằng chúng "vẫn tồn tại" sau khi bị cáo buộc chịu trách nhiệm về các vụ tấn công cùng ngày nhằm vào 3 đồn biên phòng ở Maungdaw khiến 9 cảnh sát cùng một số kẻ tấn công thiệt mạng, hơn 50 khẩu súng và hàng ngàn viên đạn bị những kẻ tấn công lấy đi. Chính phủ Myanmar cũng cáo buộc RSO về các cuộc tấn công khác diễn ra gần đây. Nhóm này được cho là không hoạt động trong một thời gian cho đến khi xuất hiện "thông điệp hồi sinh" trên Facebook.

Hai ngày sau, vào ngày 11/10, hai đoạn video xuất hiện trên YouTube và được lưu hành trong mạng lưới thông tin của những kẻ thánh chiến. Trong video xuất hiện những chiến binh với giọng nói đặc trưng pha trộn tiếng Bengal, Rakhine và tiếng Arập. Theo các nguồn tin, các đoạn video gần đây được thực hiện bởi những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh. Được trang bị súng trường AK-47, những người này (không xác định rõ dân tộc) nhìn chằm chằm vào máy quay, giơ ngón tay trỏ của họ trong một tư thế được xác định giống IS, trong khi kẻ cầm đầu nói về "những người anh em Rohingya trên toàn thế giới". Cuối cùng nhóm người này cũng được xác định thuộc tổ chức Harakah al-Yaqin, muốn người Rohingya ở nước ngoài và các chiến binh thánh chiến cùng tham gia chiến đấu ở miền Bắc Rakhine để đối phó với sự truy lùng của các lực lượng Myanmar. Họ yêu cầu các nhà lãnh đạo tôn giáo ban hành "fatwa" (sắc lệnh tôn giáo của đạo Hồi) để hợp pháp bạo lực của họ.

Nguy cơ an ninh

Phong trào Harakah al-Yaqin đã thu hút sự chú ý của các chiến binh thánh chiến trong khu vực Đông Nam Á, từ Indonesia tới Philippines.

Các đoạn video của chúng được lưu hành trong nhóm những người ủng hộ IS và các chiến binh nói tiếng Mã Lai, Tagalog và Thái trên phương tiện truyền thông, những người này tin rằng lực lượng du kích Hồi giáo tự xưng đang tìm cách trả thù cho những bất công của quân đội Myanmar và họ đã hối lộ các lực lượng an ninh để lấy vũ khí. Mỗi đoạn video sau đó hoặc hình ảnh miêu tả sự đau khổ của người Rohingya sẽ chỉ để tiếp sức cho công tác tuyên truyền thánh chiến. Hơn nữa, Harakah al-Yaqin đã thành công trong việc biến hành vi bạo lực của chúng trờ thành một mối lo ngại an ninh cho khu vực Đông Nam Á.

Cộng đồng hải ngoại phi tị nạn Rohingya-Bengali đã bị nghi ngờ về việc tham gia có chủ ý hoặc vô ý cùng các nhóm chiến binh Đông Nam Á. Các báo cáo chưa được xác minh trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng cho rằng người Hồi giáo Myanmar đã làm theo cách của họ đối với Philippines để liên kết với những kẻ khủng bố trực thuộc IS. Vào ngày 12/10, trang Facebook của RSO thậm chí đăng tải một đoạn video cũ của nhóm Abu Sayyaf chặt đầu một người Philippines với dòng chữ "bất ngờ sau một thời gian dài từ Arakan". Trước đó, vào năm 2015, tổ chức khủng bố Taliban tại Pakistan và nhóm khủng bố Al-Shabab tại Somali đã kêu gọi người Hồi giáo ở khu vực Đông Nam Á trợ giúp người Rohingya. Các mối liên quan này cho thấy ít nhất có một mối liên hệ giữa hệ tư tưởng thánh chiến ở Nam Á và Đông Nam Á trong đó có thể ảnh hưởng đến trạng thái vũ trang của chủ nghĩa thánh chiến trong khu vực Đông Nam Á. Thêm vào đó, với việc IS bị truy quét ở Iraq, các chiến binh thánh chiến của tổ chức này sẽ trở về quê hương tìm kiếm cơ hội để theo đuổi mục đích của chúng.

Phong trào Harakah al-Yaqin đã thu hút sự chú ý của các chiến binh thánh chiến trong khu vực Đông Nam Á.

Phong trào Harakah al-Yaqin đã thu hút sự chú ý của các chiến binh thánh chiến trong khu vực Đông Nam Á.

Cảnh giác với việc truyền bá tư tưởng khủng bố

Theo các chuyên gia, các lực lượng an ninh tại khu vực không nên chỉ tập trung vào quần đảo Indonesia hay miền Nam Philippines mà cần phải cảnh giác với các hoạt động quân sự liên quan và các phong trào thánh chiến ở miền Bắc Myanmar. Chính phủ Myanmar cũng không nên làm ngơ trước tình hình Rohingya và coi nó như một vấn đề của Myanmar. Hòa bình và an ninh ở Rakhine, Myanmar và rộng hơn là khu vực Đông Nam Á đang đứng trước nguy cơ rất lớn.Cuộc khủng hoảng Rohingya không thể để bị "mưng mủ" và nếu vẫn chưa được giải quyết có thể sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định và an ninh của toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

Về phần mình, trong cuộc gặp ngày 14/11, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein đang ở thăm Saudi Arabia đã cùng người đồng cấp nước chủ nhà Mohamad Salman Al Saud thảo luận việc thành lập một trung tâm chống tuyên truyền các tư tưởng khủng bố. Bộ trưởng Hishammuddin cho biết trung tâm này sẽ giúp tăng cường hợp tác giữa hai nước trong việc phản bác lại các bài diễn thuyết và các tư tưởng làm nền tảng cho chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Trung tâm cũng có nhiệm vụ đề cao đạo Hồi như một tôn giáo của hòa bình và ôn hòa, đồng thời chỉnh sửa lại những quan niệm không đúng đắn về đạo Hồi và những nguyên tắc cơ bản của tôn giáo này. Hai bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết của việc quảng bá đạo Hồi một cách toàn diện, vượt ra khỏi những khía cạnh chính trị đơn thuần - vốn dẫn đến sự chia rẽ giữa những người theo tôn giáo này.

Theo giới chuyên gia Malaisia, khoảng 80% số đối tượng theo tổ chức Nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2015 ở độ tuổi dưới 40.

Tiến sỹ Ahmad El Muhammady, chuyên gia nghiên cứu Hồi giáo và khoa học chính trị của Đại học Hồi giáo quốc tế Malaysia cho rằng nhóm đối tượng trên là những người thường sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội do vậy họ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi sự tuyên truyền của IS. Tiến sĩ Ahmad El Muhammady cũng nhận định dường như có xu hướng giới trẻ tiếp xúc với quá nhiều nguồn thông tin thông qua mạng xã hội và khó phân biệt đúng sai, do đó họ có thể không nhận thức được một hành động đơn giản như mua hộ một người bạn một món đồ gì đó có thể gây hại cho đất nước, khi người bạn đó là một thành viên IS và món đồ đó được dùng để chế tạo bom. Ngoài ra, nhiều thanh niên mới tham gia IS là những người chịu thiệt thòi trong xã hội, và chính điều này đã tạo cơ hội cho IS lôi kéo họ vào tổ chức.

Còn Trợ lý giám đốc của Lực lượng đặc biệt chống khủng bố của cảnh sát Malaysia, ông Ayob Khan Mydin Pitchay cho biết, từ tháng 4/2013 đến ngày 30/10/2016, cảnh sát nước này đã bắt giữ 257 đối tượng liên quan đến IS và hầu hết số này đã bị kết án tù./.