Qatar sửa đổi luật chống khủng bố: Công bố kết quả điều tra cáo buộc UAE đứng sau vụ tấn công mạng

(PLO) -Nhà chức trách Qatar đã sửa đổi luật chống khủng bố trong một nghị định hoàng gia công bố ngày 20/7, động thái được nhìn nhận như một nỗ lực nhằm bác lại cáo buộc "hỗ trợ khủng bố" từ các quốc gia Arab vùng Vịnh đối với nước này. 
Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani
Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani

Dẫn lời Tiểu vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani, Hãng thông tấn Nhà nước Qatar (QNA) cho hay đã có một số sửa đổi trong các điều khoản trong Luật chống khủng bố năm 2014 của Qatar.

Giảm bớt sức ép

Theo đó, Qatar sửa đổi các nguyên tắc xác định chủ nghĩa khủng bố, hành động khủng bố, phong tỏa việc tài trợ và cung cấp tài chính cho khủng bố. Bên cạnh đó, luật chống khủng bố sửa đổi cũng đề ra 2 danh sách khủng bố nhà nước và đặt ra các quy định về việc liệt cá nhân và tổ chức vào mỗi danh sách này. 

Việc sửa đổi luật chống khủng bố được thực hiện chưa đầy một tuần sau khi Doha ký một thỏa thuận với Mỹ nhằm củng cố các biện pháp chống khủng bố và ngăn chặn tài trợ tài chính cho khủng bố.

Qatar đang chịu sức ép từ 4 quốc gia Arab vùng Vịnh, bao gồm cả Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), về những cáo buộc nước này hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố và can thiệp công chuyện nội bộ của các nước khác.

Bốn nước Arab vùng Vịnh đã áp đặt trừng phạt với Qatar từ tháng trước, đồng thời đưa ra bản yêu cầu gồm 13 điểm mà Qatar cần thực hiện để giải quyết căng thẳng ngoại giao hiện nay.

Cáo buộc tấn công mạng

Còn tướng Ali Mohammed al-Mohannadi, người đứng đầu nhóm điều tra vụ tấn công mạng nhằm vào hãng thông tấn quốc gia Qatar (QNA) hồi tháng cuối tháng 5, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 20/7, cho biết:  "Vụ tin tặc được tiến hành từ hai trang web ở UAE". 

Theo ông, kẻ tấn công đã chiếm quyền kiểm soát mạng của QNA, đánh cắp các tài khoản và đăng tải thông tin sai lệch trên trang điện tử của QNA. Về phần mình, Phó giám đốc cơ quan an ninh mạng Qatar, Othmane Salem al-Hamoud cho biết thêm kẻ tấn công "đã phát hiện một lỗ hổng trong mạng của QNA và chia sẻ thông tin này với một cá nhân trên mạng Skype, sau đó truy cập qua lỗ hổng này để kiểm soát trang mạng của QNA". 

Bốn nước Arab vùng Vịnh đã áp đặt trừng phạt với Qatar từ tháng trước
Bốn nước Arab vùng Vịnh đã áp đặt trừng phạt với Qatar từ tháng trước

Tướng al-Mohannadi cho biết kết quả điều tra trên đã được trình cơ quan công tố Qatar để đưa ra "các biện pháp thích hợp". Phía Qatar cho biết thêm các nhân viên Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã giúp Doha điều tra nguồn gốc vụ tấn công này. 

Hồi tháng 6 vừa qua, Trưởng Công tố Qatar Ali bin Fetais al-Marri đã cáo buộc "các nước láng giềng" đứng sau vụ tấn công mạng QNA, song không cung cấp thêm chi tiết. Vụ tấn công này đã châm ngòi cho rạn nứt ngoại giao nghiêm trọng giữa Doha và các nước láng giềng.

Đầu tháng 7, báo The Washington Post của Mỹ dẫn các quan chức tình báo Mỹ cho biết UAE có thể đã đứng sau vụ tấn công này. Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash đã bác bỏ cáo buộc trên, cho rằng thông tin mà The Washington Post đăng tải "hoàn toàn không chính xác", đồng thời nhấn mạnh "cần một giải pháp khu vực và sự giám sát của quốc tế" cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh hiện nay. 

Cùng ngày, trong cuộc gặp với người đồng cấp Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đang ở thăm Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi tất cả các bên giải quyết bất đồng trong khuôn khổ Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Theo ông, các bên cần tiếp tục kiềm chế, tiến hành đối thoại trực tiếp càng sớm càng tốt nhằm tránh làm leo thang căng thẳng, phát đi tín hiệu tích cực trong việc giải quyết khủng hoảng thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao và tái đảm bảo vai trò của GCC.

Về phần mình, Ngoại trưởng Al Thani khẳng định Qatar sẵn sàng tiến hành các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với tất cả các bên dựa trên tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào các vấn đề nội bộ và phù hợp với luật pháp quốc tế để dần thiết lập lòng tin chung và giải quyết các khác biệt cơ bản./.