Quân bài “chốt” trong cuộc bầu tổng thống Mỹ

(PLO) - “Dữ liệu lớn” có thể đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc bầu cử năm 2016 tại Mỹ, kể cả khi ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump không nghĩ như vậy.
Bà Clinton ưu tiên giải quyết vấn đề bạo lực cảnh sát và bất bình đẳng thu nhập.
Bà Clinton ưu tiên giải quyết vấn đề bạo lực cảnh sát và bất bình đẳng thu nhập.

Ông Trump, người đã chiếm ưu thế trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa nhờ chiến dịch vận động tranh cử khác thường và các tuyên bố gây sốc trên trang mạng xã hội Twitter, nhấn mạnh rằng ông không hề thấy các công cụ phân tích dữ liệu thông dụng hiệu quả trong việc thu hút các cử tri tiềm năng. Thậm chí, tỷ phú Donald Trump nói với những người ủng hộ rằng ông có thể mua bầu cử nếu muốn – theo tin của kênh ABC News.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng ông Trump có thể sẽ gặp bất lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới nếu vẫn tiếp tục giữ quan điểm này. 

Trump… chủ quan?

Ông Trump từng chỉ trích toàn bộ hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ mà trong quá trình bầu cử sơ bộ với đại biểu từ các bang “có thể tổ chức bữa tiệc tối, đặt khách sạn, vé máy bay, mời họ tới các khu nghỉ dưỡng”. Điều này thực tế là việc mua bán bầu cử, ông Trump nói, và nếu bản chất “trò chơi bầu cử” là như vậy thì ông chắc chắn sẽ là người chiến thắng. Trump chỉ trích mạnh mẽ tiến trình bầu cử thông qua các cử tri đoàn sau khi đối thủ của ông trong đảng Cộng hòa là Ted Cruz đã thu hút được sự hỗ trợ của 34 cử tri đoàn tại cuộc vận động tranh cử bang Colorado. 

Nhưng Alan Rosenblatt, một chiến lược gia về chính trị số nói: “Trong các cuộc bầu cử sơ bộ, ông Trump chỉ phải kêu gọi các cử tri đảng Cộng hòa, song trong cuộc tổng tuyển cử, ông ấy cần tất cả các cử tri khác… Trừ phi ông ấy bắt đầu nghiêm túc về những mục tiêu ông ấy muốn hướng đến, nếu không ông ấy khó có thể biết được cần phải làm gì và cần phải đầu tư vào đâu để giành chiến thắng”.

Donald Trump vượt lên đã hoàn toàn trái với tính toán của những nhà quản lý dữ liệu.

Donald Trump vượt lên đã hoàn toàn trái với tính toán của những nhà quản lý dữ liệu.

Sự nổi lên của ứng cử viên Donald Trump hoàn toàn đi ngược lại tính toán của những nhà quản lý dữ liệu và chiến dịch tranh cử của nhân vật này cũng khác hẳn những phương pháp đã giúp Tổng thống Barack Obama tái đắc cử hồi năm 2012. Trong khi đó, ông Trump đang chỉ trích quan điểm truyền thống của cả hai chính đảng, những người tích cực sử dụng nguồn thông tin dữ liệu khổng lồ để giúp các ứng cử viên và những người ủng hộ đưa ra quyết định về việc gây quỹ và bỏ phiếu trong ngày bầu cử.

Ông Jordan Cohen, thuộc công ty tiếp thị số Fluent, chuyên làm việc với các ứng cử viên, cho rằng trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump rất ít sử dụng các công nghệ số tân tiến và cũng không mấy quan tâm đối với loại công nghệ này. Theo ông Cohen, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các nỗ lực tranh cử của chính ông Trump.

Ông Cohen cho rằng việc gây quỹ qua thư điện thử, một trong những công cụ chủ lực của các ứng cử viên, cần tới những nỗ lực đáng kể trước đó nhằm xây dựng căn cứ dữ liệu. Ông nói: “Nếu ngay bây giờ những người phụ trách chiến dịch tranh cử của Donald Trump muốn gây quỹ từ người dân, họ chắc chắn sẽ gặp bất lợi lớn bởi trong suốt năm vừa qua họ không hề dành thời gian hay công sức cho việc xây dựng các cơ sở dữ liệu này”.

“Dữ liệu lớn” là gì?

Chiến dịch tranh cử năm 2016 có thể là sự kiện chứng kiến các ứng cử viên có những nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu rất lớn nhờ sự phát triển của công nghệ và máy tính. Những người thực hiện chiến dịch tranh cử đang tăng tốc thu thập và phân tích dữ liệu để xây dựng các mô hình dự đoán, giúp ứng cử viên quyết định chiến thuật và chiến lược. Các doanh nghiệp cố vấn cho biết họ sở hữu khoảng 1.500 “điểm dữ liệu” hoặc nhiều hơn thông tin về các cử tri và hàng chục “mô hình cử tri”, giúp họ chia cử tri thành các nhóm để tiện cho việc vận động.

Dữ liệu được lấy từ thông tin của các cử tri đăng ký bầu cử, thông tin của những người được cấp giấy phép săn bắn hoặc câu cá, những người có giấy phép sở hữu súng, cho tới các thông tin lấy từ các “tập tin” trực tuyến hoặc các chương trình giám sát hoạt động truy cập trên các trang mạng điện tử hoặc mua sắm trực tuyến.

Tom Bonier - Giám đốc Điều hành TargetSmart, một doanh nghiệp cố vấn chính trị - nói: “Đây có thể gọi là đòn quyết định trong hoạt động chính trị, giúp các ứng cử viên có một chiến dịch vận động tranh cử nhanh gọn hơn, hiệu quả hơn,… càng sở hữu nhiều dữ liệu, hiệu quả đạt được càng cao”. Những người triển khai chiến dịch vận động tranh cử không thể tiếp xúc toàn bộ cử tri, bởi vậy họ muốn tìm kiếm những người tiềm năng nhất dựa trên các công thức và thuật toán sẵn có.

Dan Porter, một thành viên nhóm dữ liệu của ông Obama, người đồng sáng lập doanh nghiệp BlueLabs, hiện đang cố vấn cho chiến dịch tranh cử của bà H.Clinton, nói: “Năm 2012 là lần đầu tiên chúng tôi thành công với cách làm này. Đã 4 năm trôi qua và tôi cho rằng chúng tôi hoàn toàn có thể phát triển một mô hình thuyết phục cử tri hiệu quả hơn”.

Cựu Thống đốc bang New Mexico, ông Gary Johnson, đại diện cho đảng Tự do ra tranh cử Tổng thống Mỹ.

Cựu Thống đốc bang New Mexico, ông Gary Johnson, đại diện cho đảng Tự do ra tranh cử Tổng thống Mỹ.

Vì sao là “quân bài chốt”?

Theo quy định của pháp luật Mỹ, số đại cử tri mỗi bang của Mỹ là số đại biểu của bang đó tại hai viện của Quốc hội Mỹ. Mỗi bang ở Mỹ có hai thượng nghị sĩ và số hạ nghị sĩ bằng với số khu vực bầu cử của bang đó. Như thế, hiện nay bang có số đại cử tri đông nhất là California (với 55 đại cử tri) vì có tới 53 khu vực bầu cử, tiếp đó là Texas (34 đại cử tri), New York (31), Florida (27).

Các bang có số đại cử tri ít nhất là Montana, Wyoming, South Dakota và North Dakota (mỗi bang có ba đại cử tri). Hệ thống bầu cử Mỹ qui định: Ứng viên nào nhận được nhiều phiếu phổ thông của cử tri một bang thì sẽ được phiếu của toàn bộ các đại cử tri bang đó. Vì thế, mới có trường hợp có những ứng viên nhận được nhiều phiếu phổ thông hơn đối thủ, nhưng lại thất cử vì không thu được nhiều phiếu đại cử tri hơn (như trường hợp với ứng viên Dân chủ Al Gore năm 2000).

Do vậy, việc tiếp xúc các cử tri có tiềm năng bỏ phiếu nhất là một phần quan trọng trong chiến dịch tranh cử. Việc tiếp xúc “nhầm” với các cử tri phản đối có thể sẽ càng tạo hiệu ứng ngược, khiến họ ủng hộ đối thủ hơn nữa. TargetSmart, cơ quan làm việc với đảng Dân chủ và các nhóm hoạt động chính trị, cho biết họ đã bắt đầu sử dụng dữ liệu thu được từ mạng xã hội 

Facebook để tránh việc phải phân tích các tập tin giám sát truy cập. Ông Bonier cho biết công ty này đã khớp hồ sơ dữ liệu của 191 triệu cử tri với các tài khoản trên mạng xã hội để phát thông điệp có chủ đích tới các cử tri cho dù họ sử dụng thiết bị gì. Theo ông, cách làm này đem lại kết quả chính xác hơn việc sử dụng các tập tin giám sát truy cập, vốn dựa vào dữ liệu đăng nhập tài khoản. Ông lưu ý rằng cơ sở dữ liệu của Facebook cung cấp các thông tin quan trọng bởi chúng cho người ta biết các tài khoản đã bấm “Thích” những nội dung nào, và đây là điều hết sức quan trọng với các chiến dịch chính trị. 

Một vài ứng cử viên đảng Cộng hòa đã sử dụng các mô hình dự đoán cử tri từ một doanh nghiệp có tên Cambridge Analytica, chuyên cung cấp hồ sơ cá nhân phục vụ công tác đánh giá hành vi người dùng. Chris Wilson, cố vấn trong chiến dịch tranh cử của cựu ứng cử viên đảng Cộng hòa Ted Cruz, một người sử dụng số liệu của Cambridge Analytica, cho rằng việc sử dụng các dữ liệu này hiệu quả hơn cách mà đảng Dân chủ đang làm.

Trong một diễn đàn gần đây tại Washington, ông nói: “Chỉ khi chúng ta hiểu rõ những gì một cá nhân cử tri quan tâm, chúng ta mới có thể nói với họ về vấn đề đó, điều này tạo ra một sự liên kết nhất định giữa các cử tri và ứng cử viên. Làm chính trị là phải như vậy”. Ông Wilson nói rằng ông Cruz- người đã từ bỏ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng - đã vận dụng hiệu quả các công cụ này, song Donald Trump vượt lên trên nhờ khả năng tiếp cận cử tri thông qua truyền thông, cách làm giúp ông ta tiết kiệm được tới “2 tỷ tiền quảng cáo”.

Tuy nhiên, Jules Polonetsky - Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách Future of Privacy Forum cho rằng, dù việc sử dụng dữ liệu là cách hiệu quả để thúc đẩy các chiến dịch tranh cử song điều này đang làm dấy lên những vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân.

Ông nói: “Có nhiều thông tin và dữ liệu được khai thác khi người ta tiến hành việc thu thập và phân tích này, tuy nhiên, nếu chúng bị sử dụng sai mục đích, rủi ro sẽ là rất lớn. Mọi thông tin liên quan đến các cá nhân đều có thể bị những phần tử xấu lợi dụng”… 

Đọc thêm