Quốc hội Anh phê chuẩn dự luật Brexit

(PLO) - Quốc hội Anh ngày 13/3 đã chấp thuận để Thủ tướng Theresa May bắt đầu các cuộc đàm phán để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Một bản sao dự luật Brexit
Một bản sao dự luật Brexit

Theo AFP, ngày 13/3, trước khi bước vào cuộc bỏ phiếu cuối cùng về dự luật trao quyền cho bà May để bắt đầu tiến trình đưa Anh rời khỏi EU (Brexit), Thượng viện Anh đề nghị thêm vào dự luật điều khoản yêu cầu bảo vệ khoảng hơn 3 triệu người châu Âu đang sống ở Anh. Đáp lại, chính phủ của bà May cho biết họ muốn bảo vệ quyền của người châu Âu được ở lại Anh nhưng với điều kiện các nhà lãnh đạo EU cũng đề nghị các quyền lợi tương tự với người Anh đang ở nước ngoài.

Đề nghị này sau đó đã bị Hạ viện Anh bác bỏ với tỉ lệ 335 phiếu chống và 287 phiếu thuận. Một đề xuất sửa đổi khác cũng đã bị bác bỏ là đề nghị trao cho Quốc hội Anh quyền quyết định có chấp nhận thỏa thuận Brexit cuối cùng hay không.  

Dự luật Brexit sau đó được đưa trở lại và được Thượng viện Anh thông qua trong cùng ngày mà không bao gồm các điều khoản bổ sung. Và với việc đã được cả 2 viện trong Quốc hội thông qua, dự luật trên sẽ chỉ cần nhận được sự đồng ý của Nữ hoàng Elizabeth II, sớm nhất là trong ngày 14/3, để trở thành luật. Sau động thái đó, bà May sẽ có thể kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon của EU vào bất cứ lúc nào, chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán kéo dài trong 2 năm với kết thúc là việc Anh trở thành nước đầu tiên rời khỏi EU.

Tuy nhiên, người phát ngôn của bà May tối 13/3 đã bác bỏ đồn đoán cho rằng bà sẽ gửi thư thông báo cho Hội đồng châu Âu về ý định rời khỏi khối của Anh ngay trong ngày 14/3. “Chúng tôi muốn nói rõ rằng Thủ tướng sẽ kích hoạt Điều 50 vào cuối tháng 3” – người phát ngôn của bà May thông báo và nhấn mạnh vào chữ “cuối”.

Một khi bà May đã thông báo với EU về quyết định của bà, khối này sẽ có 48 giờ để ra dự thảo đề xuất đầu tiên về các cuộc thảo luận giữa Anh và EU. Cuộc gặp đầu tiên giữa 2 bên dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 6/4 tới và các cuộc đàm phán thực sự dự kiến sẽ bắt đầu sau đó vài tháng. 

Trong những tuần gần đây, áp lực từ Quốc hội dồn lên bà May đang ngày càng tăng. Hôm 12/3, các nhà làm luật Anh đã công bố một báo cáo, trong đó cảnh báo việc chính phủ không có phương án chuẩn bị cho một kịch bản không đạt được thỏa thuận với EU về Brexit sẽ là hành vi lơ là trách nhiệm nghiêm trọng.

“Khả năng không đạt được thỏa thuận là điều hoàn toàn  có thật, đòi hỏi chính phủ phải chuẩn bị phương án xử lý tình huống như vậy” – người đứng đầu Ủy ban Quan hệ đối ngoại của Hạ viện Anh Crispin Blunt nói. 

Ngoài ra, triển vọng về việc sắp bắt đầu Brexit cũng đã đưa đến việc  chính quyền Scotland kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân mới về việc độc lập khỏi Anh. Phát biểu ngày 13/3, Chủ tịch đảng Dân tộc Scotland (SNP) kiêm Scotland Thủ hiến Nicola Sturgeon tuyên bố sẽ tạo cơ hội để người dân Scotland lựa chọn việc có yêu cầu độc lập khỏi Anh hay không muộn nhất là đầu năm 2019, tức trước khi Anh rời khỏi EU. 

Trái ngược với quan điểm của bà May cho rằng việc Anh rời khỏi khu vực thị trường duy nhất châu Âu là để cắt giảm lượng người nhập cư, SNP cầm quyền ở Scotland lại cảnh báo rằng động thái này có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới việc làm và tăng trưởng kinh tế ở khu vực. Trước đó, trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra hồi năm 2014, 55% người dân Scotland đã bác bỏ đề xuất độc lập khỏi Anh. 

Đọc thêm