Quyết định quan trọng của Tổng thống Putin liên quan đến tương lai Hiệp ước Bầu trời Mở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổng thống Nga Putin vừa bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov làm đặc phái viên của mình tại Quốc hội Liên bang về việc bãi bỏ Hiệp ước Bầu trời mở

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov làm đặc phái viên chính thức của ông tại Quốc hội Liên bang, còn gọi là lưỡng viện quốc gia Nga, về các vấn đề bãi bỏ Hiệp ước Bầu trời mở.

Thông tin trên được đăng tải trên cổng thông tin chính thức của chính phủ Nga vào ngày 9/5, theo hãng tin TASS.

Cụ thể, "Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Alexeyevich Ryabkov sẽ được bổ nhiệm làm đại diện chính thức của Tổng thống Nga trong quá trình các viện của Quốc hội Liên bang xem xét vấn đề bãi bỏ Hiệp ước Bầu trời mở, được ký kết tại Helsinki vào ngày 24/3/1992".

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: Mikhail Metzel/TASS
 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: Mikhail Metzel/TASS

Vào ngày 5/5 vừa qua, chính phủ Nga đã thông qua một nghị quyết phê chuẩn việc chấm dứt hiệp ước và chuyển đề xuất này lên tổng thống.

Trước đó, vào giữa tháng 1, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra một tuyên bố thông báo rằng Nga đang bắt đầu các thủ tục trong nước để rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở "do thiếu tiến bộ trong các vấn đề liên quan đến việc loại bỏ các trở ngại để tiếp tục duy trì Hiệp ước Bầu trời mở."

Trong nhiều năm, Washington đã cáo buộc Moscow thực hiện một cách tiếp cận có chọn lọc để thực hiện Hiệp ước Bầu trời mở và vi phạm một số điều khoản của Hiệp ước này. Nga đã đưa ra các tuyên bố phản đối. Năm 2017, Washington đã áp đặt một số hạn chế đối với các chuyến bay quan sát của Nga trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Moscow đã đáp trả một cách ăn miếng trả miếng. Vào tháng 11/2020, Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước.

Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết vào tháng 3/1992 tại Helsinki (Phần Lan) bởi 27 quốc gia thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (OSCE), được gọi là Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (CSCE) trước năm 1995. Mục đích chính của việc ký kết Hiệp ước này là phát triển tính minh bạch, hỗ trợ trong việc giám sát việc tuân thủ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hiện có hoặc trong tương lai, mở rộng khả năng ngăn chặn khủng hoảng và quản lý các tình huống khủng hoảng. Hiệp ước thiết lập một chương trình bay giám sát trên không không vũ trang trên toàn bộ lãnh thổ của các bên tham gia. Hiệp ước có hiệu lực từ ngày 1/1/2002 sau khi được 20 quốc gia phê chuẩn. Nga phê chuẩn Hiệp ước Bầu trời Mở vào ngày 26/5/2001.