Romania với cuộc chiến chống tham nhũng

(PLO) - Bất chấp thời tiết giá lạnh, trong suốt một tháng qua, hàng trăm nghìn người Romania đã đổ xuống đường phố trên khắp cả nước phản đối sắc lệnh miễn truy tố các quan chức chính phủ tham nhũng và làm thất thoát tài sản nhà nước của Chính phủ. 
Biểu tình phản đối ân xá chính trị gia tham nhũng
Biểu tình phản đối ân xá chính trị gia tham nhũng

Trước đó, ngày 26/2, vài nghìn người đã tụ tập biểu tình xung quanh các trụ sở của chính quyền Romania tại thủ đô Bucharest, yêu cầu chính phủ của đảng Dân chủ Xã hội từ chức xung quanh vụ bê bối liên quan tới một sắc lệnh của chính phủ về chống tham nhũng, được cho là bảo vệ các quan chức chính phủ trước khả năng bị truy tố. Trong gần 30 năm qua, đây là những cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất ở Romania.

Sắc lệnh gây tranh cãi

“Cuộc chiến” chống tham nhũng của người dân Romania bắt đầu bùng lên từ cuối tháng 1/2017, sau khi Tổng thống Klaus Iohannis kêu gọi người dân chống lại sắc lệnh miễn truy tố cho các cựu chính trị gia bị kết tội tham nhũng mà Thủ tướng Sorin Grindeanu đề xuất, để được thông qua tại Quốc hội, mà không cần chữ ký của Tổng thống Iohannis. 

Theo sắc lệnh được Thủ tướng Grindeanu công bố, Romania sẽ miễn điều tra hình sự và không phạt tù những đối tượng lạm dụng quyền lực gây thất thoát số tiền ít hơn 44.000 euro (tương đương 47.500 USD). Đặc biệt, sắc lệnh miễn truy tố các quan chức chính phủ tham nhũng và làm thất thoát tài sản nhà nước của Chính phủ còn miễn truy tố lãnh đạo đảng Dân chủ-xã hội Liviu Dragnea, người đang bị xét xử với cáo buộc lạm dụng chức quyền. Các công tố viên ước tính số tiền bị thất thoát trong trường hợp này ở mức 24.000 euro. 

Ngoài sắc lệnh trên, Chính phủ Romania còn gửi một sắc lệnh cho Quốc hội phê chuẩn, trong đó ân xá khẩn cấp cho 2.500 tù nhân. Đối tượng ân xá bao gồm cả các chính trị gia đã thụ án 5 năm vì những tội danh phi bạo lực. Bộ trưởng Tư pháp Florin Iordache cho biết việc Chính phủ thông qua hai sắc lệnh trên là để phù hợp với những quyết định của Tòa án Hiến pháp. 

Thủ tướng Sorin Grindeanu
Thủ tướng Sorin Grindeanu

Là quốc gia được coi là nghèo nhất trong Liên minh Châu Âu (EU) nhưng Romania lại phải đối mặt với nạn tham nhũng trong giới chức cấp cao. Trong những năm gần đây, Romania đã bắt giữ hàng chục quan chức chính phủ cùng các doanh nhân dính vào tham nhũng. Năm 2106, Thủ tướng V. Ponta đã phải ra đi sau khi bị cơ quan điều tra chống tham nhũng thuộc Viện Công tố Romania (DNA) cáo buộc các tội gian lận, trốn thuế và rửa tiền, trong đó có vụ nhận 55.000 euro từ nghị sỹ có quan hệ mật thiết D. Sova. Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương B. Olteanu cũng bị bắt giữ vì nhận hối lộ 1,1 triệu USD khi đang còn nắm chức Chủ tịch Quốc hội.

Dư luận cho rằng quyết định của Thủ tướng S. Grindeanu sẽ giúp hàng chục chính trị gia Romania, trong đó có lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (PSD) cầm quyền tại Romania - ông L. Dragnea, thoát tội sau khi bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản Nhà nước. Ông L. Dragnea chính là người đã giúp đưa ông S. Grindeanu lên nắm quyền. Dư luận nước này cũng bức xúc khi trong quá trình tranh cử Quốc hội, đảng Dân chủ (PSD) đã không nêu lên vấn đề sửa đổi Luật Hình sự. Tuy vậy, khi nắm được quyền, PSD và Thủ tướng S. Grindeanu đã bắt tay ngay vào lĩnh vực nhạy cảm này và cố thông qua một cách kín đáo, không đưa ra bàn thảo trước công luận hai sắc lệnh khẩn cấp trên liên quan đến miễn truy tố hình sự một số tội tham nhũng cũng như ân xá một số đối tượng tham nhũng.

Bởi vậy, quyết định của Thủ tướng S. Grindeanu gây bất bình trong xã hội, dẫn đến một loạt cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra trên khắp đất nước Romania trong những ngày qua. Những người biểu tình cáo buộc “chính phủ đang ngấm ngầm muốn hợp pháp hóa tội tham nhũng”, đồng thời khẳng định sẵn sàng tham gia biểu tình mỗi đêm. 

Trong khi đó, Ủy ban Châu Âu (EC) - cơ quan giám sát chặt chẽ hoạt động cải cách tư pháp ở Romania cũng đã phản đối sắc lệnh miễn truy tố các quan chức chính phủ tham nhũng của Thủ tướng Grindeanu. EU, Mỹ và nhiều nước cũng chỉ trích và bày tỏ lo ngại rằng sắc lệnh miễn truy tố các quan chức chính phủ tham nhũng của Chính phủ Romania sẽ đặt ra một rào cản lớn cho cuộc chiến chống tham nhũng tại Romania vốn là một vấn nạn nhức nhối tại quốc gia nghèo thứ hai trong EU này.

Trước sức ép ở cả trong và ngoài nước, đặc biệt là làn sóng biểu tình mạnh mẽ của người dân Romania, ngày 5/2, Chính phủ của Thủ tướng Grindeanu đã phải hủy bỏ sắc lệnh miễn truy tố các quan chức chính phủ tham nhũng và làm thất thoát tài sản nhà nước của Chính phủ gây nhiều tranh cãi. Ngày 13/2, Quốc hội Romania đã nhất trí thông qua kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về cải cách chống tham nhũng do Tổng thống Iohannis đề xuất. Ngày 21/2, Hạ viện Romania cũng thông qua quyết định hủy bỏ sắc lệnh miễn truy tố các quan chức chính phủ tham nhũng và làm thất thoát tài sản nhà nước của Chính phủ. Phiên họp tại Hạ viện thảo luận việc hủy bỏ sắc lệnh gây tranh cãi này kết thúc với kết quả cuối cùng là 291 phiếu ủng hộ, 0 phiếu chống và 3 phiếu trắng. Trước đó, hôm 14/2, Thượng viện Romania đã bỏ phiếu thông qua quyết định tương tự. 

Tiếp đó, ngày 22/2, liên minh cầm quyền Romania phải hủy bỏ sắc lệnh miễn truy tố các quan chức chính phủ tham nhũng và làm thất thoát tài sản nhà nước của Chính phủ, đồng thời tuyên bố sẽ tiến hành cải tổ chính phủ với hy vọng giải quyết được tình trạng căng thẳng hiện nay. Cùng ngày, Quốc hội Romania cũng nhất trí thông qua kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về cải cách chống tham nhũng. Sau khi kế hoạch đã được Quốc hội nhất trí, Tổng thống Iohannis sẽ đề xuất câu hỏi trưng cầu và thời gian tiến hành trưng cầu dân ý. 

Tiếp tục biểu tình rầm rộ

Quyết định hủy bỏ sắc lệnh miễn truy tố và trả tự do cho một loạt chính trị gia bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản Nhà nước của Thủ tướng Romania S. Grindeanu đã giúp làm dịu bớt tình hình, nhưng nó không giúp xóa bỏ được nạn tham nhũng mà chỉ cho thấy rõ thêm căn bệnh này gây nhức nhối đối với nước này thế nào.

Thế nên, dù Chính phủ Romania đã hủy bỏ sắc lệnh về chống tham nhũng, được cho là bảo vệ các quan chức chính phủ trước khả năng bị truy tố, ngày 27/2, vài nghìn người đã tụ tập biểu tình xung quanh các trụ sở của chính quyền Romania tại thủ đô Bucharest, yêu cầu chính phủ của đảng Dân chủ Xã hội từ chức.

Mặc dù số người tham gia cuộc biểu tình ngày 27/2 đã giảm mạnh so với hồi đầu tháng, nhưng vẫn khoảng 3-5.000 người xuống đường ở Bucharest đòi chính phủ từ chức. Những người biểu tình đã giơ cao những mảnh giấy màu xanh và vàng, đồng thời dùng điện thoại di động thắp sáng để làm thành lá cờ EU khổng lồ. Nhiều người biểu tình khác mang theo biểu ngữ “Phản đối”.

Ngoài ra, hàng nghìn người cũng đã tiến hành biểu tình tại các thành phố trên khắp Romania. Trước làn sóng biểu tình ngày một dâng cao, trong bài phát biểu trên truyền hình địa phương, Thủ tướng Romania Grindeanu khẳng định đang cố gắng hạ nhiệt tình hình căng thẳng, đồng thời cho biết muốn thực thi các chương trình của chính phủ.

Đảng Dân chủ Xã hội và Liên minh Tự do và Dân chủ (ALDE) đã chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 12 năm ngoái với cam kết sẽ tăng lương, lương hưu và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại một trong số những quốc gia nghèo nhất châu Âu này. Bởi vậy, hiện nay, các đảng này vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân.

Hôm 25/2, khoảng 8.000 người đã tham dự cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ do đảng Dân chủ Xã hội tổ chức tại Targoviste, thành phố miền Trung Romania. Ngày 23/2, Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã ký sắc lệnh bổ nhiệm 4 bộ trưởng, trong đó ông Tudorel Toader giữ chức Bộ trưởng Tư pháp, thay thế người tiền nhiệm đã từ chức hồi đầu tháng này. Ngoài ra còn có Bộ trưởng Kinh tế Mihai Tudose, Bộ trưởng Thương mại Alehandru Petrescu và Bộ trưởng phụ trách các quỹ châu Âu Rovana Plumb. Đây là cuộc cải tổ nội các đầu tiên kể từ khi chính phủ mới được thành lập hồi đầu tháng 1 vừa qua. Các bộ trưởng mới được bổ nhiệm đều do đảng Dân chủ-Xã hội cầm quyền đề xuất. 

Romania gia nhập EU năm 2007 và luôn phải chịu sức ép từ Brussels về những tiến bộ chậm chạp trong cuộc chiến chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức. Khi Romania gia nhập EU năm 2007, điều kiện tiên quyết của thành viên chính là thực thi nghiêm chỉnh các quy tắc của pháp luật theo tiêu chuẩn EU, trong đó có việc minh bạch hóa công tác điều hành. Những năm gần đây, Romania đã tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng lớn, trong đó cáo buộc gần 2.000 người lạm dụng chức quyền trong giai đoạn 2014-2016, cũng như đưa ra xét xử một cựu thủ tướng, 5 bộ trưởng, 16 hạ nghị sĩ và 5 thượng nghị sĩ.

Tuy nhiên, Tổ chức Minh bạch quốc tế vẫn xếp Romania đứng gần cuối bảng (thứ 25) trong danh sách 28 nước thành viên EU về cam kết chống tham nhũng trong báo cáo của tổ chức này đầu năm nay; xét trên phạm vi toàn thế giới, Romania đứng thứ 57. Những nỗ lực chống tham nhũng tại nước này được nhiều nhà phân tích tin rằng hầu như không tạo nên sự thay đổi nào. “Tôi không nghĩ rằng Romania đã có tiến bộ đáng kể về chống tham nhũng”, ông Alina Mungiu-Pippidi, một chuyên gia về tham nhũng Romania nói với tạp chí The Economist. 

Bà Laura Codruta Kovesi, công tố viên trưởng Cơ quan chống tham nhũng quốc gia Romania (DNA)
Bà Laura Codruta Kovesi, công tố viên trưởng Cơ quan chống tham nhũng quốc gia Romania (DNA)

Mặc dù vậy, dư luận Romania vẫn đánh giá cao bà Laura Codruta Kovesi, Công tố viên trưởng Cơ quan chống tham nhũng quốc gia (DNA). Trong những năm qua, DNA đã kết án hàng ngàn người liên quan đến tham nhũng, bao gồm các quan chức cấp cao. Năm 2015, DNA truy tố Thủ tướng Romania Victor Ponta. DNA được xem là một trong các tổ chức đáng tin cậy nhất trong cả nước, chỉ sau nhà thờ, quân đội và lực lượng hiến binh…

Đọc thêm