Sáng mãi ngọn lửa Cách mạng Tháng Mười Nga

(PLO) - Cách đây 100 năm, ngày 7/11/1917 đã nổ ra một sự kiện làm rung chuyển toàn thế giới: Cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích Nga, nhân dân và giai cấp công nhân Nga đã vùng lên đập tan chế độ Sa hoàng, dựng lên Nhà nước công nông đầu tiên, khai phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên thế giới.
Hơn 5.000 người đã diễu hành trên Quảng trường Đỏ kỷ niệm 99 năm CMTM. Ảnh. baotintuc.vn
Hơn 5.000 người đã diễu hành trên Quảng trường Đỏ kỷ niệm 99 năm CMTM. Ảnh. baotintuc.vn

Một thế kỷ đã đi qua nhưng Cách mạng Tháng Mười (CMTM) vẫn tỏa sáng, khẳng định sức sống, giá trị thời đại và ý nghĩa lịch sử toàn thế giới. Thắng lợi của CMTM đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên toàn thế giới.

Mở ra thời đại mới trong lịch sử nhân loại

Từ năm 1905 đến năm 1907, tại Nga nổ ra cuộc Cách mạng Dân chủ Tư sản thứ nhất, cuộc cách mạng nhân dân đầu tiên trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa. Đó là cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân chống chế độ Nga Hoàng. Cách mạng bị đàn áp vì thiếu sự phối hợp giữa công nhân, công dân, binh lính nhưng đó là cuộc “tổng diễn tập” cho CMTM thắng lợi.

Đến tháng 2/1917, cuộc Cách mạng Tư sản Dân chủ thứ hai nổ ra với nhiều cuộc bãi công của công nhân, lôi kéo cả nông dân và binh lính tham gia. Cách mạng thắng lợi, chế độ Nga hoàng bị lật đổ, song vấn đề chính quyền lại không được giải quyết dứt khoát. Bên cạnh Chính phủ lâm thời tư sản, lại có một chính quyền khác là chính quyền của công nhân. Một quốc gia hình thành hai chính quyền: Chính quyền của giai cấp tư sản mà Chính phủ lâm thời là đại biểu và chính quyền của giai cấp công nhân và giai cấp nông dân. Vấn đề đặt ra là không thể tồn tại song song hai chế độ. 

V. I. Lênin đã rút ra bài học từ cách mạng Tháng Hai để tổ chức CMTM. Căn cứ vào tình hình nước Nga sau khi Nga hoàng bị lật đổ, Lênin đề ra khẩu hiệu “Toàn bộ chính quyền về tay Xô-viết” nhằm chấm dứt tình trạng phân chia chính quyền giữa Chính phủ lâm thời và các Xô-viết bằng nhiều biện pháp hoà bình. Sau đó Lênin quyết định thay đổi chiến lược của mình, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang để lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản. 

Ngày 7/11/1917 (dương lịch), tức ngày 25 tháng Mười theo lịch Nga, dưới sự lãnh đạo của Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã nhất loạt khởi nghĩa lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản và phản cách mạng, lập Chính phủ Xô-viết do V.I.Lênin làm Chủ tịch. Nước Nga bắt đầu công cuộc xây dựng CNXH.

Chỉ một ngày sau thắng lợi của CMTM, V.I.Lênin ký Sắc lệnh hòa bình mở đầu một kiểu quan hệ quốc tế mới giữa các quốc gia trên cơ sở hòa bình, hữu nghị, bình đẳng, loại bỏ kiểu áp đặt bất bình đẳng tồn tại qua nhiều thế kỷ. Một nhà nước kiểu mới được xây dựng trên nền tảng loại bỏ áp bức dân tộc, áp bức giai cấp, không có người bóc lột người đã khẳng định CMTM đánh dấu sự mở đầu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với CNXH và một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH.

Dưới ảnh hưởng của CMTM và sự ủng hộ giúp đỡ to lớn của Liên Xô vĩ đại, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ, trở thành dòng thác cách mạng của thời đại, xóa bỏ chủ nghĩa thực dân cũ, làm thất bại chủ nghĩa thực dân mới, cổ vũ các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, hướng tới CNXH. Với ý nghĩa đó, CMTM thực sự là cuộc cách mạng xã hội vĩ đại nhất, chân chính nhất và triệt để nhất trong lịch sử.

Những giá trị còn mãi với thời gian

Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào mà ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của nó lại to lớn đến như vậy. Đó là bước nhảy vọt trong lịch sử phát triển nhân loại, đánh dấu sự ra đời và phát triển của các nước XHCN, biến CNXH từ lý tưởng trở thành hiện thực. Con đường CMTM Nga đã đưa nhân loại sang một trang sử mới, ở đó giấc mơ về một cuộc sống không còn bóc lột, áp bức, bất công đã trở thành hiện thực sinh động cho hàng tỷ người trên một không gian thật sự rộng lớn của địa cầu. 

Qua vài thập kỷ trở lại đây, CNXH  lại chứng minh sức sống và tính ưu việt của mình thông qua quá trình cải cách, đổi mới và phát triển. Với Trung Quốc, quốc gia chiếm gần 1/5 dân số toàn cầu, liên tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế suốt 30 năm qua, hiện đứng thứ hai về GDP trên thế giới; với Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đang trở thành người bạn và đối tác tin cậy của các nước; Cuba luôn kiên định và sáng tạo trong vòng tay ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của bè bạn khắp năm châu.

Tư tưởng xã hội chủ nghĩa không những bám rễ ở những nơi đã từng sản sinh ra nó mà còn nảy nở cả ở những vùng đất mới, nơi mà chủ nghĩa tư bản đã tỏ rõ là nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng xã hội, của áp bức, bóc lột và bất công. Và phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh đầu thế kỷ XXI là một trong những minh chứng có tính thuyết phục. Những thành tựu to lớn ở các nước XHCN này đang làm nức lòng nhân dân thế giới. Chính phủ nhiều nước Mỹ Latinh do các đảng cánh tả cầm quyền đã tuyên bố quyết tâm “vượt qua chủ nghĩa tư bản”, xây dựng đất nước theo mô hình “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” vì lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân lao động…

100 năm sau CMTM, dù thế giới có trải qua những bước thăng trầm, giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của cuộc cách mạng đó vẫn được khẳng định. Loài người sẽ tiến tới CNXH. Ðó là điều chắc chắn. Song không phải chỉ có một mà sẽ bằng nhiều con đường khác nhau và với những mô hình không giống nhau do mỗi quốc gia, dân tộc tự lựa chọn tùy theo lợi ích và đặc điểm của mình.