Singapore thắt chặt an ninh trước Đối thoại Shangri-La lần thứ 17

Trước giờ khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 vào tối 1/6, an ninh đã được thắt chặt tại mọi ngả đường dẫn tới địa điểm họp nhằm đảm bảo an toàn cho các chính khách là bộ trưởng, quan chức quốc phòng của hơn 50 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tham dự.
Cảnh sát tuần tra tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Cảnh sát tuần tra tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La lần này. 

Cảnh sát địa phương cho biết trong ba ngày diễn ra Đối thoại Shangri-La (từ 1-3/6), các khu vực xung quanh khách sạn Shangri-La sẽ được kiểm soát an ninh đặc biệt nghiêm ngặt, nhiều tuyến đường bị phong tỏa. Đặc biệt, người dân được yêu cầu giao thông di chuyển chậm hơn thường lệ và những người đi xe máy tuyệt đối không được phép đi vào các tuyến đường xung quanh khách sạn Shangri-La trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Mặt khác, cảnh sát cũng yêu cầu người dân tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của các nhân viên an ninh tại các trạm kiểm soát. 

Trong khi đó, các vị khách tới khách sạn Shangri-La trong thời gian này được khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng hoặc đi chung xe bởi bãi đỗ xe của khách sạn Shangri-La sẽ bị hạn chế và kiểm soát an ninh nghiêm ngặt. Các hoạt động như sử dụng máy bay không người lái, thả diều… đều bị cấm tuyệt đối. 

Theo chương trình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ là người phát biểu dẫn đề trong buổi khai mạc Đối thoại Shangri-La 17 và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis dự kiến sẽ có bài phát biểu tổng quát về vai trò của Mỹ và những thách thức an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại phiên thảo luận đầu tiên sáng 2/6.  

Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 sẽ có 5 phiên thảo luận chính thức, bao gồm: Vai trò lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; Chống leo thang khủng hoảng Triều Tiên; Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á; Những khía cạnh mới của chủ nghĩa khủng bố và hoạt động chống khủng bố; Nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực. 

Ngoài ra, diễn đàn cũng sẽ bàn đến các vấn đề vốn đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay như: Các chiến lược công nghệ mới và tương lai của xung đột; Tăng cường an ninh hàng hải: Các quy tắc ứng xử và biện pháp xây dựng lòng tin; Vấn đề an ninh và nhân đạo trong cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya tại Myanmar; Cạnh tranh và hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương; Ý nghĩa chiến lược phát triển năng lực quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương; Quản lý cạnh tranh trong hợp tác an ninh.

Đọc thêm